Tái cấu trúc không gian để thích ứng với ngập lụt đô thị
Ngập lụt đô thị do triều cường đã trở thành loại hình thiên tai phổ biến và tồn tại hơn chục năm qua ở trung tâm TP Cần Thơ. Thực trạng này gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động mua bán của người dân và học tập của học sinh.
Kim Anh | 13:56 19/10/2023
Tái cấu trúc không gian để thích ứng với ngập lụt đô thị
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai
Thưa quý vị và bà con, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các đô thị tại Việt Nam nói chung đang phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Với những rủi ro từ ngập lụt đô thị, việc huy động sự vào cuộc tổng thể của các cấp, ngành, người dân và chuyên gia để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng là cần thiết.
Điển hình tại đô thị trung tâm TP Cần Thơ, ngập lụt do triều cường đã trở thành loại hình thiên tai phổ biến và tồn tại hơn chục năm qua. Thực trạng này đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động mua bán của người dân và học tập của học sinh. Hiện nay, địa phương này cũng đang trong giai đoạn ngập lụt do triều cường. Phóng viên Nông nghiệp radio sẽ chuyển đến quý vị ghi nhận sau đây.
MC 2:
===[File ATHT 1] Âm thanh xe cộ di chuyển trong dòng nước triều cường===
Ra đường muộn hơn, về nhà sớm hơn, thói quen sinh hoạt của người dân TP Cần Thơ đã bắt đầu thay đổi để thích ứng với ngập lụt đô thị mỗi khi bước vào các đợt triều cường. Bởi viễn cảnh này không còn xa lạ với người dân, đặc biệt triều cường kết hợp với những trận mưa lớn xảy ra liên tiếp những ngày qua đã khiến việc thoát nước gặp nhiều khó khăn.
Bà Võ Thị Thanh Thúy hiện đang mua bán trong khu vực hẻm 51, đường 3/2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết:
[Băng VO THI THANH THUY]: “Nước lên ảnh hưởng như vậy nè đâu có mua bán gì được, xe cộ không đậu được. Nước như vậy như sông khách khứa đâu có lại được”.
Trước đó, người dân đô thị ở Cần Thơ đã phải căng mình trải qua đợt triều cường rằm tháng 8, khiến 61 tuyến đường chính trung tâm thành phố bị ngập sâu từ 0,4 - 0,5m.
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 2004 – 2022 tức khoảng 18 năm, nhưng có tới 12 năm ghi nhân đỉnh triều vượt báo động III. Năm 2022 triều cường đạt mức lịch sử 2,27m, vượt báo động III là 27cm. Triều cường đợt rằm tháng 8 vừa qua cũng đạt đỉnh 2,13m, vượt mức báo động III.
TP Cần Thơ đang bước vào đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch và dự báo của Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm, người dân đô thị sẽ còn đối mặt với 3 đợt triều cường lớn gây ngập là rằm tháng 9, đầu tháng 10 và rằm tháng 10, trung bình mỗi đợt sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày.
Thực tiễn nghiên cứu về ngập lụt đô thị từ các chuyên gia cho thấy, trước đây ngập đô thị ở TP Cần Thơ có sự phân chia rõ rệt thành 2 vùng:
Với các quận, huyện từ Ô Môn lên hướng Tây Nam, giáp An Giang và Kiên Giang, do đây là vùng trũng của đồng bằng, chịu ảnh hưởng của lũ tự nhiên gây ra tình trạng ngập. Vùng thứ hai là các quận huyện từ Ô Môn trở về hướng Đông Nam, chủ yếu ngập do thủy triều.
Thế nhưng, vài năm gần đây, tình trạng ngập không còn như trước. Các vùng giáp Tứ giác Long Xuyên hạn chế ngập, thậm chí là không ngập do xây bờ bao khép kín. Ngược lại, các khu vực ngập do triều cường lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do tốc độ đô thị hóa cao. Ngoài ra BĐKH làm cho tình trạng ngập trở nên trầm trọng hơn.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái vùng ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt đô thị:
[Bang NGUYEN HUU THIEN]: “Thứ nhất nước sông Mekong đổ về, thứ hai thủy triều ngoài biển đưa vào. Trong một năm thủy triều ngoài biển lớn khoảng từ tháng 8, 9, 10, 11, 12, tháng Giêng, tháng Hai âm lịch. Nó hay trùng với lũ sông Mekong là khoảng tháng 9, 10 những đợt đó hai lượng nước này gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng và gây ngập. Nó còn hai yếu tố nữa, thứ nhất là mặt đất của đồng bằng và đặc biệt các thành phố lớn như Cần Thơ đang sụt lún rất nhanh, do sử dụng nước ngầm quá mức. Hai là không còn không gian để cho nước lan tỏa. Hai lượng nước này gặp nhau làm cho nước dềnh lên, dâng cao ở vùng giữa và tỏa ra những nơi không có bảo vệ như TP Cần Thơ”.
Những ngày tới mực nước cao nhất ngày tại hầu hết các trạm trên các sông, kênh rạch còn tiếp tục lên cao theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch và kéo dài đến ngày 20/10, thời gian ngập từ khoảng 5 – 7h sáng và 17 – 19h chiều theo xu hướng mỗi ngày muộn hơn khoảng 50 phút.
Trước hiện tượng cực đoan này, vừa qua UBND TP Cần Thơ cũng đã triển khai thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo ngập. Đặc biệt mới đây, địa phương đề xuất đề tài “Nghiên cứu phát triển công nghệ xây dựng hồ ngầm nhằm hạn chế ngập lụt kết hợp cấp nước sinh hoạt, sản xuất ứng phó với BĐKH, hạn mặn xâm nhập trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng phụ cận. Với mong muốn đưa công nghệ giúp sức giảm thiểu ngập lụt. Các dự án cải tạo hệ thống thoát nước 32 tuyến đường trung tâm thành phố đã và đang được gấp rút hoàn thành để hạn chế thấp nhất tác động của ngập lụt.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ thông tin:
[Bang NGUYEN VAN THO]: “Cái phần cải tạo hệ thống thoát nước 32 tuyến đường để hỗ trợ cho cống cũ thoát nước khi có lượng mưa lớn, chống ngập. Hiện nay cơ bản đã hoàn thành 29/32 tuyến, 3 tuyến còn lại hiện đã thi công cống xong, do mưa liên tục cả tuần, nước ngập chờ nước rút xuống sẽ thảm nhựa là hoàn thiện”.
Bên cạnh các giải pháp công trình, về lâu dài, để “sống chung” với ngập, các chuyên gia cho rằng các địa phương vùng ĐBSCL cần có cách tiếp cận mang tính tích hợp nhiều giải pháp tổng thể để chống chịu, đầu tư hạ tầng xanh để nâng cao sức chống chịu cho các đô thị hiện nay. Đặc biệt, tăng cường năng lực quản lý là biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân đô thị.
MC 1: Thưa quý vị, ngập đô thị hiện chưa phải là loại hình thiên tai nghiêm trọng, nhưng lại phản ánh rõ nét tác động của BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp và những hạn chế trong hệ thống tiêu thoát nước và quy hoạch đô thị. Do đó, vấn đề tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cần được thực hiện đồng bộ, để giảm tác động xấu đến môi trường và cuộc sống người dân.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trưa ngày 18/10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Nam đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 5, khu vực tỉnh Quảng Bình dự báo có mưa vừa đến mưa to. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và mưa lớn. Trong đó, đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, tổ chức cấm biển từ ngày 18/10 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Xuân Hào
MC 2: tin 2
Còn tại Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong đêm 17 và sáng 18/10, tại địa bàn tỉnh này đã có mưa to đến rất to trên diện rộng với lượng mưa từ 100-250mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn đã khiến mực nước tại các hồ thủy điện dâng cao và gây sạt lở tại nhiều nơi. Trước dự báo tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện khẩn về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để tránh lũ.
Công Điền
MC 1: tin 3
Hiện, Bình Định có gần 40 khu vực có nguy cơ sạt lở. Để chuẩn bị ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiến cứu nạn và Phòng thủ dân sự kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các địa phương. Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông. Cùng với đó, theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa, để có kế hoạch ứng phó kịp thời khi mưa bão xảy ra. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, lên danh sách các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao, ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động khi thiên tai xảy ra.
Vũ Đình Thung
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Tái cấu trúc không gian để thích ứng với ngập lụt đô thị
Ngập lụt đô thị do triều cường đã trở thành loại hình thiên tai phổ biến và tồn tại hơn chục năm qua ở trung tâm TP Cần Thơ. Thực trạng này gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động mua bán của người dân và học tập của học sinh.
Kim Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hỗ trợ khắc phục thiên tai được thực hiện ngay khi bão chưa tan; ‘Thủ phủ’ củ đậu của Hải Dương giảm 50% sản lượng; TP. Cần Thơ chỉ còn gần 0,1% hộ nghèo.
Đợt không khí lạnh này được dự báo là khá mạnh, sẽ tăng cường dồn dập trong những ngày tới.