Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt ân tình

Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp của người Việt trong nước và tiếng Việt đồng thời cũng là phương tiện nhận diện của người Việt xa xứ...

Nông nghiệp Radio  | 

Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt ân tình

Tự động

Kính thưa quý vị thính giả.

Bài hát “Tình ca” quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng ca Thái Thanh, vừa mở đầu cho chương trình đặc biệt mang tên “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”, do Nông Nghiệp Radio thực hiện nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Và tôi là Lê Thiếu Nhơn, hân hạnh được làm người dẫn dắt câu chuyện hôm nay.

Thưa quý vị thính giả.

Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm luôn là một dịp để người Việt khắp nơi cùng hướng về cội nguồn. Sau những nghi lễ rộn ràng và sau những chào mừng chúc tụng, thì có lẽ điều cốt lõi mà ai cũng nhận ra, đó là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ trở thành sợi dây kết nối người Việt gần lại với nhau trong hơi ấm đồng bào.

Thưa quý vị thính giả

Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, nhân loại phải đương đầu với một sự thật đáng sợ, khi nhiều dân tộc đã biến mất và nhiều lãnh thổ đã bị xóa sổ vì ngôn ngữ của họ không còn tồn tại. Dân tộc Việt Nam chúng ta, thật may mắn, vì vẫn gìn giữ được tiếng Việt phong phú đa sắc, đa thanh.

Theo chiều dài lịch sử 4.000 năm, tiếng Việt được vun bồi, được tích lũy, được cải tiến qua ba hình thái chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Trong giai đoạn bị cai trị bởi thế lực phương Bắc, người Việt phải dùng chữ Hán nhưng cực kỳ khéo léo áp dụng cách đọc của riêng mình. Toàn bộ chữ Hán đều được phiên âm thành từ Hán-Việt, tức phần ngữ âm của chữ Hán nào cũng được Việt Nam hoá.Để thoát khỏi sự lệ thuộc chữ Hán, danh sĩ Hàn Thuyên ở thế kỷ 13 đã sáng tạo ra chữ Nôm và tạo tiền đề cho hệ thống văn bản chữ Nôm lưu trữ những giá trị lịch sử và văn hóa của người Việt.

Đến thế kỷ 17, những nhà truyền giáo phương Tây mang chữ Latinh đến nước ta. Người Việt đã nhanh chóng hấp thụ tinh hoa của chữ Latinh và hình thành chữ quốc ngữ phát triển đến hôm nay.

Không thể nói khác hơn, tiếng Việt đã có sự dịch chuyển ngoạn mục từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, mà một kiệt tác được viết bằng chữ Nôm vẫn phô diễn đầy đủ vẻ đẹp bằng chữ quốc ngữ là Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Không chỉ cho rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, học giả Phạm Quỳnh còn nhận xét: “Tổ tiên chúng ta có công trạng lớn là làm cho toàn dân suốt từ Bắc đến Nam đều cùng một tiếng nói, một phong tục. Vì thế cái tính tình, cái tư tưởng cũng không khác gì nhau… Dân Việt Nam ta thật được hơn các dân khác, là chỉ có một thứ tiếng suốt trong bờ cõi… Người Việt đi đến đâu cũng có thể nghe và hiểu lẫn nhau”.

(Trích băng ghi âm bài  thơ “Tiếng Việt”, do Phan Đăng diễn đọc)

Thưa quý vị thính giả.

Chúng ta vừa thưởng thức bài thơ “Tiếng Việt” với 15 khổ thơ, tổng cộng 60 câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ, do Phan Đăng diễn đọc. Rõ ràng, không có gì nghi ngờ, để xác định tiếng Việt là một tài sản về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần của người Việt Nam.

Năm 1952, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài hát “Tình ca” gửi gắm “Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Hơn 70 năm sau bài hát “Tình ca”, nhiều bài hát nữa cũng kế thừa tinh thần ấy, để tiếp tục ca ngợi tiếng Việt. Ví dụ, bài hát “Thương ca tiếng Việt” của Đức Trí và Hà Quang Minh, rất được giới trẻ yêu thích thời gian gần đây. Xin mời quý vị nghe “Thương ca tiếng Việt”, qua sự thể hiện của ca sĩ Mỹ Tâm

(Trích băng ghi âm ca khúc “Thương ca tiếng Việt”, do Mỹ Tâm hát)

Thưa quý vị thính giả.

Với hơn 100 triệu người sử dụng thường xuyên, tiếng Việt đã có một vị trí đáng tự hào trên bản đồ ngôn ngữ thế giới. Đặc biệt, với địa hình đất nước trải dài từ Bắc đến Nam, nên tiếng Việt còn tạo ra những cảm xúc thú vị khi gắn kiều với thổ âm từng vùng đất. Chúng ta có giọng Hà Nội, giọng Thanh Hóa, giọng Nghệ Tĩnh, giọng Huế, giọng Quảng Nam, giọng Sài Gòn, giọng miền Tây… Và như tôi, đang trò chuyện với quý vị thính giả bằng giọng xứ Nẫu khá đặc trưng khu vực Bình Định và Phú Yên.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng ấy, tiếng Việt lại đang đối mặt với nhiều thử thách bởi sự lệch chuẩn, bởi sự tùy tiện. Nhà thơ Lê Minh Quốc là tác giả của nhiều công trình biên khảo tiếng Việt như “Lắt léo tiếng Việt” hoặc “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, chia sẻ

(Trích băng ghi âm Lê Minh Quốc)

Đã có nhiều chuyên gia e ngại về sự lệch chuẩn và sự pha tạp của tiếng Việt. Thực tế đáng buồn là chính những người có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại gây ra không ít hệ lụy cho tiếng Việt. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công hơn một lần lên tiếng về sự sai sót của chương trình “Vua tiếng Việt” trên truyền hình và sự cẩu thả trong việc ấn hành các loại từ điển Tiếng Việt. Chúng tôi đã mời nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công tham gia chương trình này để nghe thêm những ý kiến tâm huyết của ông.

(Trích băng ghi âm Hoàng Tuấn Công)

Thưa quý vị thính giả.

Trong vài năm gần đây, khi cộng đồng lo ngại về sự hờ hững của giới trẻ với lối sống thực dụng chạy theo những giá trị phù phiếm, thì lại xuất hiện vài tác giả tâm huyết với tiếng Việt. Trên mạng xã hội có một trang “Tiếng Việt giàu đẹp” quy tụ rất nhiều đối tượng tuổi thanh xuân. Còn trên thị trường sách có tác phẩm “Tiếng Việt ân tình” của tác giả Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1995, đó là một cuốn sách dày 340 trang với hơn 140 mục từ giúp học sinh sinh viên thêm hứng thú tìm hiểu tiếng Việt.

Ngoài ra, nhiều nhà xuất bản cũng nỗ lực xây dựng tủ sách “Tiếng Việt mến yêu” với những đầu sách hấp dẫn như “Chuyện kể thành ngữ”, “Vào đời bằng lời ca dao”, “Từ vay hay dùng” hoặc “Từ những tên riêng”… Vì vậy, chúng ta có quyền lạc quan về tình yêu tiếng Việt ở thế hệ người Việt thời công nghệ số, như nội dung ca khúc “Tiếng Việt” do nhạc sĩ Hoài An sáng tác, với phần thể hiện của ca sĩ Võ Hạ Trâm.

(Trích băng ghi âm ca khúc “Tiếng Việt” của Hoài An, do Võ Hạ Trâm hát)

Thưa quý vị thính giả.

Từ nơi chôn nhau cắt rốn, tiếng Việt theo chân người Việt đi muôn phương. Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp của người Việt trong nước và tiếng Việt đồng thời cũng là phương tiện nhận diện của người Việt xa xứ. Ở những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống, tiếng Việt không chỉ được các trí thức nước ngoài nghiên cứu mà còn trở thành một bộ môn được giảng dạy trong trường học.

Để phát huy giá trị tiếng Việt trên lộ trình hội nhập quốc tế sâu rộng, năm 2022, Chính phủ đã ra Quyết định số 930 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”.

Và chúng tôi nghĩ rằng, tiếng Việt chính là báu vật mang theo trong hành trang của mỗi người Việt dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu. Mỗi khi tiếng Việt vang lên, người Việt lập tức tìm thấy nhau trong sự xúc động và cùng nhau hướng về cội nguồn trong sự tin yêu.

Chúng tôi xin khép lại chương trình radio đặc biệt mừng ngày Giỗ tổ Hùng Vương bằng ca khúc “Tôi yêu tiếng Việt tôi” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, một Việt kiều Mỹ quen thuộc với công chúng.

Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

(Trích băng ghi âm ca khúc “Tôi yêu tiếng Việt tôi”, do Phương Thảo – Ngọc Lễ hát)

Tự động

Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt ân tình

Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp của người Việt trong nước và tiếng Việt đồng thời cũng là phương tiện nhận diện của người Việt xa xứ...

Nông nghiệp Radio

Các chương trình

Ngày quốc tế lao động, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp
Đối thoại

Tinh thần đề cao Ngày Quốc tế Lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một di sản được nhiều thế hệ người Việt Nam kế thừa.

Ngày quốc tế lao động, nghĩ về nguồn nhân lực nông nghiệp
TP.HCM chủ động ứng phó trước nguy cơ thiếu nước
Đối thoại

Thiếu nước là một thách thức lớn với TP.HCM. Do đó, địa phương đã có những biện pháp nhằm tiết kiệm nước, luôn chủ động trước diễn biến khó lường của thiên tai.

TP.HCM chủ động ứng phó trước nguy cơ thiếu nước