Vì sao chanh dây 'sập' giá?

Được xem là thủ phủ chanh dây với diện tích gần 5.000ha, những vườn chanh dây chứa nhiều kì vọng của bà con ở Gia Lai về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, giờ đang lao đao đứng trước nguy cơ 'sập' giá khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Thậm chí, nhiều người đã chẳng buồn thu hoạch, mặc cho trái rụng đầy vườn.

Tuấn Anh  | 16:03 04/08/2023

Vì sao chanh dây 'sập' giá?

Tự động

Vì sao chanh dây 'sập' giá?

Nhạc hiệu:

Nhạc nền:

MC: Kính thưa quý vị và bà con! Tỉnh Gia Lai được xem là thủ phủ chanh dây với diện tích gần 5.000ha, trong đó có 32 mã số vùng trồng, 5 cơ sở đóng gói. Những ngày qua, giá chanh dây trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp giảm sâu, khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Thậm chí, nhiều hộ dân không buồn thu hoạch, bỏ mặc cho trái rụng đầy vườn. Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy chế biến chanh dây lớn đang hoạt động và diện tích loại cây này chưa vượt quá khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng giá vẫn “lao dốc”.

MC: Ghi nhận tại các địa phương có diện tích trồng chanh dây lớn của tỉnh Gia Lai như huyện Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa… thương lái đến thu mua chỉ khoảng 2.500-3.000 đồng/kg đối với chanh múc (chanh chiết dịch), còn chanh bán ngoài chợ được thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi, chỉ khoảng vài tháng trước, giá chanh múc vẫn giao động trên 10.000 đồng/kg.

Tại huyện Chư Păh, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua càng khiến cho không khí ảm đạm bao trùm lên những hộ gia đình trồng chanh dây. Anh Trần Văn Thành (thôn 3, xã Ia Nhin) đang cặm cụi nhặt từng quả chanh rụng cho vào bao tải để sẵn. Chanh dây rớt giá khiến khuôn mặt của anh Thành thêm nhiều suy tư.

Anh Thành cho biết, năm trước khi thấy giá chanh dây tăng cao, người dân trên địa bàn huyện Chư Păh ồ ạt gom đất tái canh từ cây cà phê để trồng chanh dây. Thấy vậy, anh cũng quyết định xuống giống chanh dây trên diện tích 1,5ha của gia đình. Tổng số tiền đầu tư vườn chanh dây hết hơn 200 triệu đồng, gia đình dự kiến sau 5 tháng sẽ cho thu hoạch, lợi nhuận thu về sẽ gấp 3 lần so với khoản tiền đầu tư.

Tính là vậy, nhưng khi bước vào thu hoạch, giá chanh dây giảm xuống còn 8.000 đồng/kg, rồi tiếp tục xuống 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại, thương lái đến thu mua chỉ 3.000 đồng/kg.

Theo anh Thành, chanh dây đến thời điểm chín buộc phải bán nếu không quả cũng rụng đầy vườn. Chưa kể, mưa kéo dài trong những ngày qua, quả chanh càng kém chất lượng nên giá thấp cũng phải bán. Với giá này, vụ thu hoạch chanh dây năm nay của gia đình xem như thua lỗ.

Tại huyện Đăk Đoa, chanh dây được người dân trồng trải rộng trên diện tích hơn 600ha. Thời điểm này, dọc các con đường từ xã Hà Bầu đến xã Nam Yang, Đăk Krong… rất nhiều vườn chanh dây của người dân đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, việc giá chanh dây xuống thấp, nhiều hộ gia đình vẫn cố gắng kéo dài thời gian thu hoạch mặc cho trái rụng với mong muốn có được “phép màu”. Đối với những hộ gia đình không đủ kiên nhẫn đành chấp nhận bán tháo để tính phương án chuyển đổi sang trồng cây khác.

Tương tự, tại huyện Ia Grai, việc chanh dây rớt giá khiến cho nhiều hộ dân không khỏi lo lắng về một mùa vụ thua lỗ. Gia đình ông Lê Văn Tuấn (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có 1,5ha diện tích trồng chanh dây từ năm 2017. Việc chanh dây rớt giá xuống còn 3.000 đồng/kg, theo ông Tuấn nhận định là do giá chanh múc khoảng 1-2 năm trước đó tăng quá cao khiến người dân ồ ạt trồng, dẫn đến cung vượt quá cầu. Trong khi chanh dây chất lượng phục vụ cho xuất khẩu, giá vẫn ổn định.

Băng 1: Phỏng vấn ông Lê Văn Tuấn (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai):

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, giá chanh múc có biến động lớn, giá lên 1 cách đột ngột, thành ra người dân đổ xô đi làm chanh múc. Không chú trong đến loại chanh để xuất khẩu. Đến năm 2023 giá chanh múc xuống mạnh, người dân lại bỏ mặc, kêu lỗ.

MC: Trước tình hình chanh dây rớt giá, nhiều HTX trên địa bàn vẫn đang hỗ trợ thu mua cho người dân với giá tốt nhất. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết, nguyên nhân khiến chanh dây rớt giá thê thảm là do khi thấy thời điểm giá chanh dây tăng cao, người dân chạy theo lợi nhuận để bất chấp trồng ồ ạt mà không lường trước sự việc.

Băng 2: Phỏng vấn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa:

Kế hoạch để làm của nhà máy và người nông dân chưa phù hợp. Ví dụ nhà máy ra 100 tấn thì cần bao nhiêu người trồng sẽ ổn định giá. Còn hiện dân trồng ồ ạt thì sản lượng vẫn dư vì các nơi trồng chứ không riêng gì Gia Lai.

MC: Với giá thấp như hiện nay, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bà con, đối với những vườn chanh dây đảm bảo phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, người dân vẫn tiến hành chăm sóc bình thường, không nên phá bỏ vườn cây. Còn đối với những vườn chanh dây già cỗi cho năng suất kém, bệnh tật thì nên thâm canh trồng các loại cây thời vụ để cải tạo đất tốt hơn.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính khiến chanh dây rớt giá là do thời điểm này trùng với mùa vụ chính thu hoạch chanh dây của Trung Quốc. Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc bị bão lũ và sau dịch Covid-19 nhiều người dân có thu nhập thấp, ít việc làm, dẫn đến sức mua giảm khiến chanh dây rớt giá.

Theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, để chanh dây phát triển bền vững cần đẩy mạnh tuyên truyền liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tham mưu, đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là các HTX. Trong đó, phát triển chanh dây cần phải theo nhu cầu thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ mã số vùng trồng, diện tích, địa điểm và các hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Băng 3: Phỏng vấn ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai:

Để nâng cao chất lượng của quả chanh dây, trong thời gian qua và hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện đồng bộ các giản pháp, trong đó đặc biệt giải pháp tổ chức sản xuất, theo quy trình nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo nông sản hàng hóa nói chung và chanh dây của Gia Lai nói riêng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

MC: Kính thưa quý vị và bà con! Để giá chanh dây ổn định, phát triển thị trường bền vững, bà con nông dân trồng chanh dây cần phải liên kết sản xuất, hành động “tập thể" theo quy trình sản xuất chung, sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội. Đặc biệt, người dân cần hướng tới mục tiêu sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đảm bảo chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, phát triển các sản phẩm có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tự động

Vì sao chanh dây 'sập' giá?

Được xem là thủ phủ chanh dây với diện tích gần 5.000ha, những vườn chanh dây chứa nhiều kì vọng của bà con ở Gia Lai về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, giờ đang lao đao đứng trước nguy cơ 'sập' giá khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Thậm chí, nhiều người đã chẳng buồn thu hoạch, mặc cho trái rụng đầy vườn.

Tuấn Anh

Các chương trình

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024
Thời sự

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024