Nâng cao năng lực dẫn dắt của phụ nữ trong thành phần kinh tế tập thể
Thực hiện Đề án 'Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030' của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đang triển khai thành lập và phát triển nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt và nhận được sự đồng thuận cao, bước đầu cho những kết quả đáng khích lệ.
Kim Anh | 14:38 05/06/2023
Nâng cao năng lực dẫn dắt của phụ nữ trong thành phần kinh tế tập thểXin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong Chương trình Tầm nhìn nông nghiệp! Thưa quý vị, thực hiện quyết định số 01 ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, mới đây UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn với mục tiêu phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Đến nay những kết quả bước đầu từ Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn TP Cần Thơ, đã đạt được như thế nào, sức lan tỏa ra sao, mời quý vị và bà con cùng theo dõi phóng sự sau. |
Xã Trường Long, huyện Phong Điền - vùng đất màu mỡ cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái. Năm 2015, HTXchanh không hạt ở ấp Trường Hòa là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở TP Cần Thơ do hội viên phụ nữ đứng ra thành lập và phát triển. Xuất phát điểm kinh tế gia đình khó khăn, được sự vận động hỗ trợ từ Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Huệ quyết tâm phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu với mô hình trồng chanh không hạt. Sau thời gian tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật, bà Huệ bắt đầu trồng 500 cây giống trên 0,5 ha. Qua vụ thu hoạch đầu tiên, hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi, lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ mô hình chanh không hạt, bà Huệ phổ biến kỹ thuật và vận động nhiều chị em phụ nữ lân cận cùng tham gia, ban đầu hình thành tổ hợp tác liên kết nhỏ dần tiến đến thành lập HTX đến nay có khoảng 25 thành viên, quy mô 15 ha. Bà Huệ trở thành nữ Chủ tịch hội đồng quản trị - Kiêm Giám đốc HTX. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được Công ty TNHH MTV The Fruit - Republic Cần Thơ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, với giá cao hơn thị trường khoảng 10%. Khởi đầu này đã mở ra nhiều động lực để Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh vận động, kêu gọi hội viên phụ nữ tham gia vào các tổ hợp tác, HTX. Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ phấn khởi cho biết. |
[Bang VO KIM THOA 1]: “Bắt đầu từng năm từng năm nhận thức người dân khác hơn. Triển khai từ từ mưa dầm thấm lâu, người ta cũng hiểu vào có lợi thế là họ được chia sẻ kiến thức, lựa chọn trong HTX, THT ra những người có đủ năng lực, trình độ, uy tín để đứng đầu, dẫn đầu tàu. Hàng về cây con giống hay phân thuốc, thức ăn, giá vẫn tốt hơn, khi mua số lượng lớn cho các hội viên, có khuyến mãi hoặc giá thấp hơn rất nhiều so với đi mua lẻ, giảm được chi phí đầu vào”. |
Ðến nay, toàn TP Cần Thơ hiện có 315 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, đã thành lập được 9 HTX do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia hội đồng quản trị; 136 THT với trên 2.000 thành viên tham gia. Ðồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thông qua công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan đã phát triển được 1 sản phẩm OCOP 3 sao từ khai thác thế mạnh của HTX. |
Tại quận Thốt Nốt đã thành lập được 2 HTX là HTX Nông sản Trung Nhứt và HTX cây ăn trái Tân Lộc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trong vùng. Tuy nhiên, quy mô hoạt động chưa đủ lớn, việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, đầu ra không ổn định. HTX trái cây Tân Lộc có 31 thành viên, canh tác gần 16ha, chủ lực là nhãn ido, năng suất bình quân từ 180 – 200 tấn/năm. Theo bà Lại Thị Ngận, Giám đốc HTX trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt, khó khăn của HTX hiện nay là vấn đề rải vụ chưa được như mong muốn, sản lượng làm ra tự bán nên giá thành bấp bênh. |
[Bang LAI THI NGAN]: “HTX mong muốn các cấp lãnh đạo cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa về đầu ra sản phẩm cho HTX để tiêu thụ sản phẩm cho tốt hơn”. |
Theo Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn TP Cần Thơ, đến năm 2025, TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ khoảng 8 HTX và 100 THT do phụ nữ quản lý, nâng cao chất lượng, tạo việc làm cho 500 lao động. Từ những nỗ lực vận động, sự tham gia tích cực của hội viên phụ nữ thời gian qua, bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ tin tưởng kế hoạch sẽ thành công. Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ cùng các cấp hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tập thể để củng cố, phát triển THT, HTX do phụ nữ quản lý, điều hành một cách hiệu quả. Nhất là tạo điều kiện để các THT, HTX có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế tập thể bền vững. |
[Bang VO KIM THOA 2]: “Hỗ trợ để làm sao giúp cho chị em tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Tùy theo đối tượng, nghèo, cận nghèo thì tiếp cận vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng NN-PTNT. Riêng đối với hội từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm từ chị em, đối với hội cũng có quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các THT, HTX”. |
Thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố, Quỹ hỗ trợ HTX và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TP Cần Thơ để hỗ trợ cho các THT, HTX, do phụ nữ đóng vai trò quản lý, điều hành. |
Thưa quý vị, việc thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt là chương trình nhận được sự đồng thuận cao. Tuy sẽ có không ít khó khăn, thách thức đối với chị em phụ nữ, nhưng đây sẽ là cơ hội, động lực lớn giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đề án, tạo điều kiện cho các HTX, THT nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển các sản phẩm theo mô hình OCOP theo hướng ứng dụng công nghệ cao và gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. |
Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp. |
Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn để nông sản Việt có đủ tiêu chuẩn vươn xa trên thị trường quốc tế là chủ để được quan tâm thảo luận nhiều nhất tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa” vừa diễn ra. Tại đây, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp đã chia sẻ một số mô hình kinh tế tuần hoàn như liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị, sản xuất rau theo hướng hữu cơ, thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, chăn nuôi hữu cơ, nuôi tôm sú – lúa, tôm sú – rừng ngập mặn… với giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với mô hình thông thường. Người nông dân tham gia các chương trình này có thu nhập tốt. |
Theo thông tin tại tọa đàm: "Khởi nghiệp xanh hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ - và triển khai cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023" vừa diễn ra, trong 9 năm qua, cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh đã có khoảng 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia, trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp rộng khắp, năng động và sáng tạo sản xuất ra những sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, sản vật quê hương. Bên cạnh đó, Dự án khởi nghiệp xanh cũng đã tổ chức cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, hơn 300 Phiên chợ xanh tử tế, các phiên chợ nông sản, phiên chợ khởi nghiệp. Từ đó, đã và đang tạo ra một thế hệ những người làm ăn kiểu mới, là những "doanh nông trẻ". Quỳnh Anh |
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, huyện Đan Phượng, Hà Nội xác định nông nghiệp sinh thái là hướng phát triển trong tương lai. Những năm qua, địa phương tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và định hướng xây dựng quận. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã thành hình, đến nay, tổng diện tích rau củ, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP trên địa bàn huyện đã lên tới 140ha. Nội dung vừa rồi cũng kết thúc chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp” của Nông nghiệp radio hôm nay. Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con! |
Nâng cao năng lực dẫn dắt của phụ nữ trong thành phần kinh tế tập thể
Thực hiện Đề án 'Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030' của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đang triển khai thành lập và phát triển nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt và nhận được sự đồng thuận cao, bước đầu cho những kết quả đáng khích lệ.
Kim Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Thủy sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới; 300ha lúa nhiễm bệnh do thời tiết bất lợi; Dừa Bến Tre khan hàng, 'sốt' giá do sâu đầu đen gây hại.
Hà Nội ấm áp với ánh nắng len lỏi qua từng ngõ nhỏ khi mặt trời lên cao. Trời rét vào sáng và đêm, với nhiệt độ thấp nhất từ 12 đến 14 độ C.