ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai

ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai; Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn; Cắt nước kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng 90 ngày; Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá được phép lưu hành.

Quỳnh Anh  | 

ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai

Tự động

  • ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai

Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam. Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai chia sẻ, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng. Năm Chủ tịch 2023 và Hội nghị lần này vừa là trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung. Thông tin thêm về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.

  • Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến tháng 9 năm nay, cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 126 doanh nghiệp, chiếm 43,5%. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có có 72 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi với giấy chứng nhận còn hiệu lực. Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh tại các địa phương và giảm thủ tục hành chính, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho UBND các tỉnh, thành phố đối với các doanh nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương không tăng.

  • Cắt nước kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng 90 ngày

Sau khi được Bộ NN-PTNT phê duyệt, giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam làm chủ đầu tư dự án sửa chữa nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Được chấp thuận của UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam tiến hành cắt nước kênh Tây của thệ thống từ ngày 5/10/2023 đến ngày 10/1/2024 và mở nước trở lại dự kiến vào ngày 11/1/2024 để phục vụ vụ đông xuân 2023 - 2024. Việc cắt nước nhằm giúp các hoạt động thi công đảm bảo chất lượng theo quy định, bởi dự án có khối lượng công việc lớn, cần có thời gian thi công tối thiểu 90 ngày.

  • Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá được phép lưu hành

UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế - gọi tắt là CIAT vừa tổ chức hội thảo đánh giá tổng kết dự án nghiên cứu “Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á”. Dự án được triển khai từ năm 2020 với các nội dung như nhân giống, kiểm soát sâu bệnh hại, các biện pháp xử lý giống và việc kiểm soát bệnh khảm lá sắn. Các cuộc khảo nghiệm thực địa tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện tại Tây Ninh và đã đạt được những kết quả khả quan. Một số giống sắn kháng bệnh khảm lá đã được công bố lưu hành. Tính đến tháng 12/2022, diện tích trồng sắn sử dụng các giống kháng bệnh khảm lá là gần 120ha. Trong năm nay, giống sắn HN36 kháng bệnh khảm lá cũng được phép lưu hành, nâng tổng số giống sắn kháng bệnh khảm lá được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ lên 6 giống.

  • Tình trạng bồi lắng luồng lạch tại các cảng cá diễn ra nghiêm trọng

Nhiều năm nay, thực trạng bồi lắng luồng lạch tại các cảng cá ở Hà Tĩnh liên tục diễn ra nghiêm trọng, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi mà còn gây ra nhiều nguy hiểm khi các tàu, thuyền đi tìm bến neo đậu để tránh trú bão. Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà là cảng cá được nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ lựa chọn trở về sau mỗi chuyến ra khơi. Ước tính, mỗi đợt xảy ra thiên tai thì cảng cá Cửa Sót đón khoảng 300 tàu thuyền với 1.300 ngư dân vào neo đậu tránh trú. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng nghiêm trọng đang xảy ra ở nhiều vị trí khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm, nhất là khi trời tối, thủy triều xuống. Đặc biệt, khi có mưa bão, nhiều tàu lớn không thể vào vị trí tập kết, vất vả trong việc tìm nơi neo đậu an toàn.

  • Quảng Bình: Bùng phát dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh ở lợn

UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn xã Thượng Hóa và xã Hóa Sơn. Dịch bệnh bùng phát lần này khiến gần 470 con lợn bị nhiễm bệnh, ốm, chết, buộc phải tiêu hủy. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn các xã đang có dịch cũng như những vùng lân cận rất lớn. Việc tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng môi trường chưa được bà con quan tâm đúng mức. Địa phương đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, đồng thời triển khai một số biện pháp chống dịch.

  • Nông dân Tiền Giang gieo trồng vụ hoa Tết cổ truyền 2024

Những ngày này dù thời tiết cực đoan, mưa to liên tục nhưng nông dân tỉnh Tiền Giang đã chủ động, khẩn trương gieo trồng vụ hoa tết cổ truyền năm 2024. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, nông dân chọn trồng các loại hoa tươi dễ bán, giá cả phù hợp với điều kiện thực tế của người tiêu dùng như: các loại hoa Cúc, Vạn Thọ, Mã đình hồng, màu gà, hoa giấy… Tùy theo mỗi loại hoa mà thời điểm xuống giống khác nhau nhưng phải kết thúc trong tháng 10 này. Mỗi năm, tỉnh Tiền Giang có hơn 1,5 triệu chậu hoa tươi phục vụ thị trường Tết, trong đó nông dân ở các xã ven của thành phố Mỹ Tho đã có gần 1 triệu chậu.

  • Những mô hình sinh kế mùa nước nổi tạo thu nhập khá cho bà con

Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều mô hình sinh kế trong mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm được nông dân các huyện vùng trũng thực hiện hiệu quả và đem lại thu nhập cho nhiều nông hộ. Nổi bật như: mô hình cá đăng quầng, mô hình cá mắm, hình cá lúa… Riêng tại thị xã Ngã năm, UBND thị xã cho biết, hiện trên địa bàn thị xã có diện trên 3.000 ha thực hiện các mô hình như cá đăng quầng, cá lúa... Ước tổng sản lượng đánh bắt và khai thác hàng năm toàn thị xã từ 12.000-14.000 tấn, thu nhập đạt từ 45 - 50 triệu đồng/ha. Còn tại huyện Mỹ Tú cho hay, địa phương cũng có trên 1.000 ha thực hiện các mô hình này và đem lại hiệu quả bởi tận dụng được thức ăn từ thiên nhiên, tạo việc làm cho nông dân những tháng nông nhàn và hạn chế mầm bệnh cho vụ lúa kế tiếp.

Nhạc cắt

Đối thoại

Thưa quý vị và bà con, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy banASEAN về Quản lý thiên tai – gọi tắt là ACDM, chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 cũng như các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Và trong tháng 10 này, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” cùng một chuỗi các hoạt động liên quan sẽ diễn ra. Trong đó dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên taiASEAN”. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai. Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT thông tin cụ thể về nội dung này.

Quang Dũng

Băng

Nhạc

Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn,  Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline:   0912.145.266                               

 Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!

Tự động

ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai

ASEAN chung tay hành động sớm trong phòng chống thiên tai; Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn; Cắt nước kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng 90 ngày; Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá được phép lưu hành.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã
Thời sự

Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã; Việt Nam phát triển nuôi biển theo 4 vùng chính; Cua nuôi thiệt hại - Nông dân khó khăn.

Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã