Một vùng 'nông nghiệp tốt' đang hình thành
Xác định rõ xu hướng của thị trường, những năm gần đây, nông dân ở Tuyên Quang đã bước đầu hình thành các cánh đồng lúa, chè, bưởi canh tác theo hướng hữu cơ xanh tốt, trù phú. Xu hướng sản xuất này vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng vừa góp phần cải tạo môi trường đất.
Đào Thanh | 06:06 05/10/2023
Làm nông nghiệp hữu cơ để trả lại giá trị cho đất
MC1: xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con! Dù còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước, nhưng những người nông dân ở Tuyên Quang đã bước đầu hình thành nên những cánh đồng lúa, chè, bưởi canh tác theo hướng hữu cơ xanh tốt, trù phú. Khi kiến thức của người nông dân được nâng cao thì ý thức trả lại dinh dưỡng và giá trị cho đất cũng dần lớn lên.
Tuy nhiên thách thức đặt ra cho nền nông nghiệp tốt xứ Tuyên đó là việc hình thành những vùng canh tác chuyên canh quy mô lớn, vấn đề giá, liên kết và bao tiêu sản phẩm cũng là bài toán được đặt ra. Nếu giải quyết được những vấn đề này, thì chắc chắn sẽ hứa hẹn một tương lai rộng mở cho nền nông nghiệp sạch xứ Tuyên.
MC2: Cánh đồng lúa hữu cơ của ở thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn hôm nay nườm nượp người đến tham quan. Người nông dân đến đây để học hỏi cách làm nông nghiệp hữu cơ sẽ cho năng suất ra sao? Việc áp dụng kỹ thuật cao tác được triển khai như thế nào? Để từ đó có thể học hỏi và áp dụng vào gieo trồng ở ruộng lúa nhà mình hay không?
Cánh đồng lúa này quy mô rộng 5ha được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện với 50 hộ tham gia. Giống lúa được trồng áp dụng tại mô hình là giống Đài thơm 8 và Dự hương 8. Tham gia mô hình, các hộ dân chủ yếu dùng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay.
Gia đình bà Bùi Thị Cám, thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn trồng 2 sào lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Tham gia mô hình, từ phân bón, thuốc trừ sâu đều được sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ nên không độc hại đến môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước mà năng suất vẫn đạt 2,2 tạ/sào nên bà và các hộ dân rất phấn khởi. Bà Bùi Thị Cám cho biết.
Trích băng bà Bùi Thị Cám
MC2: Gia đình anh Phạm Đức Mạnh, thôn Yên Vân, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn áp dụng quy trình chăm sóc, trồng bưởi theo hướng nông nghiệp tốt từ đầu năm 2023 trên 1ha. Anh Mạnh cho biết, từ khi áp dụng mô hình này anh hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường thuận lợi để các loài thiên địch phát triển. Do đó anh cảm thấy đất trong vườn bưởi đã khỏe hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Ý nghĩa nhất của mô hình mang lại đó là bảo vệ sức khỏe của người trồng và cả người tiêu dùng.
Trích băng anh Phạm Đức Mạnh
MC2: Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 3.400ha cây trồng sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt. Trong đó có hơn 2.300ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 160ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 914ha sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest…
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, so với trước đây, thì diện tích mô hình sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ đã được mở rộng cả về diện tích và đa dạng cây trồng. Bởi người dân xứ Tuyên dần hiểu ra được rằng, sản xuất theo hướng này giúp họ từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giảm dần sử dụng phân hóa học, thay vào đó là sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, sinh học tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường…
Trích băng bà Nguyễn Thị Kim.
MC1: Thưa quý vị và bà con! Với đặc điểm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm và tốt cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dung, sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Xác định rõ được xu hướng của thị trường, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và các huyện, thành phố đang đồng hành cùng người nông dân nơi đây tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng trong việc tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và lợi ích khi sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Với hướng đi này, hi vọng tươi lai không xa trên mảnh đất xứ Tuyên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn các vùng chuyên canh nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo sức khỏe cho đất vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa diễn ra.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Để vững chân tại thị trường thế giới, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cần phải được quản lý chặt chẽ trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều ngành hàng đã và đang nỗ lực hướng đến sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ... Đơn cử, ngành hàng cà phê Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 36.600ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic… Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, việc thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn vô cùng cấp thiết. Đây là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quỳnh Anh
MC 2: tin 2
Nhận thấy nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện môi trường, nhiều người dân Hà Tĩnh đang từng bước chuyển đổi trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn này. Điển hình tại thôn 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, hiện có 5 hộ dân liền kề cùng tham gia Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ với diện tích 2 ha. Sau 3 năm triển khai, bưởi của các thành viên đã được công nhận đạt Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Qua đánh giá, sản xuất theo hướng hữu cơ so với sản xuất thông thường cho lợi nhuận cao hơn 10 triệu đồng mỗi ha một năm. Từ thành công của mô hình điểm tại xã Hương Thủy, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tiếp nhận quy trình sản xuất hữu cơ và tiếp tục nhân rộng mô hình thâm canh vườn bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025 ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch với 11 hộ tham gia, quy mô 4 ha.
Thanh Nga
MC 1: tin 3
Tiên Lữ đang được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” trồng cây ăn quả của tỉnh Hưng Yên, với gần 1.000 ha cây ăn quả, trong đó có trên 150 ha được cấp chứng chỉ VietGAP, hữu cơ. Bình quân mỗi năm, sản lượng quả trên địa bàn huyện đạt hàng nghìn tấn. Điển hình tại xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, để phát huy những thế mạnh về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ cao trong quá trình chăm sóc. Nhờ vậy, giá trị bình quân của các vùng trồng cây ăn quả ở Thủ Sỹ hiện đạt 150 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Lê Bền
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Một vùng 'nông nghiệp tốt' đang hình thành
Xác định rõ xu hướng của thị trường, những năm gần đây, nông dân ở Tuyên Quang đã bước đầu hình thành các cánh đồng lúa, chè, bưởi canh tác theo hướng hữu cơ xanh tốt, trù phú. Xu hướng sản xuất này vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng vừa góp phần cải tạo môi trường đất.
Đào Thanh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.