Bản tin Lâm nghiệp ngày 1/12/2023: Dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon
Việt Nam dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon giai đoạn 2022 - 2026; Chủ động phòng cháy rừng đầu mùa hanh khô.
Quỳnh Anh | 11:56 01/12/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 1/12/2023: Dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Việt Nam dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon giai đoạn 2022 - 2026
Thưa quý vị và bà con, theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị trong ngành Lâm nghiệp đã tham mưu xây dựng, trình Chính phủ 8 nghị định, 9 thông tư. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2023 đạt hơn 42%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân hơn 5%/năm. Tiếp tục thực hiện bảo vệ tốt 14,79 triệu ha diện tích rừng hiện có, đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý. Ngoài ra, ngành Lâm nghiệp đang triển khai các hoạt động phát triển thị trường các bon rừng. Dự kiến trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp 5,15 triệu tấn các bon với giá tối thiểu là 10 USD/tấn.
- Chủ động phòng cháy rừng đầu mùa hanh khô
Hiện đã bắt đầu bước vào mùa hanh khô ở các tỉnh Tây Bắc, công tác phòng chống cháy rừng đang được các địa phương chủ động triển khai, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, gây thiệt hại về rừng. Tại Lai Châu, tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản Lò Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè có hơn 10 thành viên, Diện tích rừng hiện nay bản đang quản lý chủ yếu là rừng già. Dưới tán rừng đã được bà con trồng hàng trăm ha thảo quả, sâm, sa nhân tím... Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng năm, mỗi hộ đều được hưởng khoảng 30 triệu đồng. Có thu nhập ổn định từ rừng, bản đã xây dựng quy ước, hương ước để bảo vệ. Theo lịch, tổ chuyên trách rừng thường xuyên đi kiểm tra, giám sát xem các khu vực nào dễ cháy nhất để chủ động phòng chống cháy và có phương án bảo vệ.
-
Trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần
Đối với hoạt động phát triển kinh tế lâm nghiệp, được triển khai nhiều năm về trước, mô hình trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn tại Phú Thọ mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất như tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ... Từ “lợi ích kép” của mô hình, các địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện. Toàn tỉnh hiện có khoảng 12 nghìn ha rừng gỗ lớn. Riêng trong năm 2023, địa phương đã trồng và chuyển hóa khoảng 2.200ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Song hành với đó, công tác cấp chứng chỉ rừng bền vững cũng được ngành Lâm nghiệp Phú Thọ triển khai mạnh. Theo đánh giá, giá trị kinh tế từ các sản phẩm lâm sản được chế biến từ gỗ có chứng chỉ FSC, giá trị cao hơn từ 20-30% so với các sản phẩm thông thường.
- Chuyển đổi trên 2.000ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn
Tương tự tại tỉnh Thái Nguyên, với trên 26.000ha rừng, trong đó 13.000ha rừng sản xuất, những năm qua, bên cạnh việc quản lý tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp, chính quyền huyện Đại Từ còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, nhằm tăng môi trường sinh thái, chất lượng gỗ và nâng cao thu nhập cho bà con. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây, người dân đã hiểu hơn về giá trị của trồng rừng gỗ lớn và tiến hành chuyển đổi trên 2.000ha từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Nhờ đó, sản lượng gỗ khai thác năm 2023 đạt 46.000m3, tăng 8.000m3 so với năm 2022, giá trị sản xuất lâm nghiệp dự ước đạt 80 tỷ đồng. Đại Từ cũng đang thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ rừng tại 4 xã với diện tích 1.500ha.
- Chi phí là rào cản của Tuyên Quang trong quản lý rừng bền vững
Còn đối với hoạt động quản lý rừng bền vững, đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có gần 48.800 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đứng thứ 2 cả nước. Tỉnh có 13/19 chủ rừng là tổ chức đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo kế hoạch trước năm 2025, toàn bộ chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững. Dù vậy, Tuyên Quang vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Theo đó, nhu cầu gỗ có chứng chỉ của doanh nghiệp chưa ổn định, có thời điểm giá mua gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cao hơn không nhiều so với cam kết ban đầu, chỉ hơn từ 5-7%. Đồng thời, kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát phương án quản lý rừng bền vững cũng như kinh phí đánh giá để cấp và duy trì chứng chỉ rừng lớn nên còn gặp nhiều khó khăn.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 1/12/2023: Dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon
Việt Nam dự kiến chuyển nhượng hơn 5 triệu tấn các bon giai đoạn 2022 - 2026; Chủ động phòng cháy rừng đầu mùa hanh khô.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.