Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/11/2023: Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng
Sản xuất cà phê sinh thái gắn với cải thiện rừng tự nhiên; Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim; Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch; Trồng mắc ca tự phát gây khó khăn cho quản lý giống cây trồng; Nhiều địa phương của Gia Lai trồng rừng đạt, vượt kế hoạch.
Quỳnh Anh | 14:55 13/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/11/2023: Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Sản xuất cà phê sinh thái gắn với cải thiện rừng tự nhiên
Thưa quý vị và bà con, UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Kế hoạch hoạt động tổng thể Dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, gọi tắt làWWF - Việt Nam tài trợ. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm, kể từ thời điểm khoản viện trợ được phê duyệt. Mục tiêu của dự án là chuyển đổi 1.000 ha cà phê canh tác độc canh sang mô hình canh tác nông lâm kết hợp với 800 hộ tham gia, tăng thu nhập cho 800 hộ trồng cà phê, có 1.000 tấn cà phê nhân được chế biến và bán ra thị trường quốc tế mỗi năm. Đồng thời, 18.000 ha rừng tự nhiên trong hành lang đa dạng sinh học giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông được bảo vệ hiệu quả.
- Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim
Còn với hoạt động bảo vệ sự đa dạng trong các Vườn Quốc gia, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chimgiai đoạn 2022-2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến gần 185 tỷ đồng. Nguồn kinh phí sẽ dùng cho các hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu, tiến hành cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền và đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng. Dự kiến ngày 14/12 tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo và công bố Đề án.
-
Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch
Đến với những tin tức về hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thưa quý vị, năm nay, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng mới hơn 4.000ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung hơn 3 nghìn ha, còn lại là trồng rừng phân tán. Cơ cấu giống phổ biến là cây mỡ, keo, thông, hồi, quế. Dù tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua, hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ, nhiều diện tích rừng trồng mới bị chết khô nhưng vượt qua khó khăn, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã trồng được 4.450ha rừng, đạt 110% kế hoạch. Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 100.000ha rừng trồng, là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước. Trong quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 đến 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định đưa sản phẩm từ gỗ rừng trồng trở thành ngành hàng chủ lực quốc gia.
- Nhiều địa phương trồng rừng đạt, vượt kế hoạch
Tương tự, tại tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 4.600 ha rừng, đạt gần 58% kế hoạch năm. Trong đó, một số địa phương, đơn vị như Đak Đoa, Ia Grai, Đak Pơ, Chư Păh, Ia Pa, thị xã An Khê, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, đều đã trồng rừng đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Riêng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku đã đạt hơn 200% kế hoạch và huyện Kbang đạt gần 280% kế hoạch. Tuy nhiên cũng còn một số địa phương có diện tích trồng rừng thấp , một số Ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và các doanh nghiệp chưa triển khai công tác trồng rừng.
- Trồng mắc ca tự phát gây khó khăn cho quản lý giống cây trồng
Còn tại Điện Biên, phát triển, mở rộng diện tích trồng cây mắc ca thông qua việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư là chủ trương lớn, nội dung trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của địa phương này. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 13 dự án trồng mắc ca được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng trên 91.600ha. Tuy nhiên, nhiều dự án được triển khai đồng loạt tại các địa phương đã kéo theo nhiều hộ dân cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng các loại cây truyền thống sang trồng mắc ca. Khi triển khai trồng mắc ca theo hình thức tự phát, người dân lại sử dụng các loại giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý giống cây trồng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/11/2023: Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng
Sản xuất cà phê sinh thái gắn với cải thiện rừng tự nhiên; Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim; Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch; Trồng mắc ca tự phát gây khó khăn cho quản lý giống cây trồng; Nhiều địa phương của Gia Lai trồng rừng đạt, vượt kế hoạch.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam dần trở thành trung tâm xuất khẩu rau quả lớn trong khu vực; Hoạt động văn phòng cần sáng tạo, chuyên nghiệp và chủ động hơn.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 15-16/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.