Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/12/2023: Hơn 40 khu rừng ứng dụng bộ công cụ SMART
Hơn 40 khu rừng đặc dụng, phòng hộ ứng dụng bộ công cụ SMART; Đơn vị đầu tiên tính được trữ lượng các bon tại Hà Tĩnh; Giữ rừng nguyên sinh dải Tây Côn Lĩnh.
Quỳnh Anh | 15:05 13/12/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/12/2023: Hơn 40 khu rừng ứng dụng bộ công cụ SMART
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Hơn 40 khu rừng đặc dụng, phòng hộ ứng dụng bộ công cụ SMART
Thưa quý cị và bà con, tại Việt Nam, công cụ quản lý và báo cáo tuần tra - SMART được áp dụng từ rất sớm tại một số khu bảo tồn với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay các chủ rừng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học thường xuyên, liên tục, nhằm đề xuất các giải pháp phát triển sinh vật bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài và hệ sinh thái, đến nay đã có hơn 40 khu rừng đặc dụng, phòng hộ ứng dụng bộ công cụ SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học. Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ triển khai áp dụng phần mềm SMART, đặt bẫy ảnh để quản lý thông tin tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học.
- Sẵn sàng cho giảm phát thải khí nhà kính tại Thừa Thiên Huế
Liên quan tới hoạt động Chi trả giảm phát thải khí nhà kính, thưa quý vị, Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được tham gia thí điểm dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến, nguồn thu từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính của Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện chi trả cho hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm, từ 2023 - 2025 là khoảng hơn 5,6 triệu USD, tương đương 131 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng.
- Đơn vị đầu tiên tính toán được trữ lượng các bon tại Hà Tĩnh
Cùng với Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh cũng là địa phương được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, hiện nay, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn là chủ rừng đầu tiên ở địa bàn Hà Tĩnh tính toán được trữ lượng cô lập và lưu giữ carbon trên diện tích rừng do đơn vị quản lý. Trước đó, năm 2012, Công ty lâm nghiệp Hương Sơn đăng ký bảo vệ, phát triển rừng FSC trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hơn 19.800 ha. Đến năm 2014, 100% diện tích này được cấp chứng chỉ FSC. Theo tính toán, ước tính mỗi năm trữ lượng cô lập và lưu giữ carbon của diện tích này đạt khoảng 150.000 tấn, nếu bán với giá thấp nhất 5 USD/tấn, chủ rừng có thể thu về khoảng 18 tỷ đồng.
-
Giữ cánh rừng nguyên sinh trên dải Tây Côn Lĩnh
Còn với hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, nằm trên dải Tây Côn Lĩnh, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có hơn 8.390 ha rừng, trong đó gần 3.720 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nguyên sinh và rừng sản xuất được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo kế hoạch năm 2022, toàn xã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 477 triệu đồng, chủ yếu là chi khoán cho cộng đồng thôn bảo vệ rừng. Nhờ thảm thực vật phong phú, người dân không những được hưởng lợi từ rừng, mà còn phát triển đan xen các cây trồng, khai thác tiềm năng du lịch, đem lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào người Dao nơi đây. Năm 2023, toàn xã có hơn 300 ha quế, 630 ha thảo quả, 1.000 ha chè, sản lượng thu hoạch đạt 495 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 12 tỷ đồng.
-
Đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Giai đoạn 2015-2020, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã định hướng tái cơ cấu kinh tế đồi rừng, nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp bằng các loại cây đặc sản, trong đó xác định đưa cây quế vào cơ cấu phát triển cây lâm nghiệp. Huyện đặt mục tiêu đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng được 10.000ha. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, bà con được Nhà nước hỗ trợ cây giống, đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón. Sau 10 năm phát triển, đến nay diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa đã đạt khoảng 4.150ha. Nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng quế. So với trồng keo thì cây quế có giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 13/12/2023: Hơn 40 khu rừng ứng dụng bộ công cụ SMART
Hơn 40 khu rừng đặc dụng, phòng hộ ứng dụng bộ công cụ SMART; Đơn vị đầu tiên tính được trữ lượng các bon tại Hà Tĩnh; Giữ rừng nguyên sinh dải Tây Côn Lĩnh.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Mông Cổ là cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường; TP. HCM công bố hơn 30 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ, Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ.