Bản tin Lâm nghiệp ngày 15/11/2023: Mục tiêu phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng
Nhiều mục tiêu phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng; Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đạt nhiều hiệu quả; Bảo vệ rừng mùa mưa lũ; Phổ biến pháp luật về lâm nghiệp cho gần 5.000 chủ rừng; Xử phạt 2 cá nhân khai thác gỗ trái phép.
Quỳnh Anh | 14:43 15/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 15/11/2023: Mục tiêu phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Nhiều mục tiêu phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng
Thưa quý vị và bà con, tại cuộc họp báo cáo dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng diễn ra ngày hôm qua, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Đề án được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng với một số mục tiêu cụ thể như: Phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu vào năm 2030 và 100% năm 2050. 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến so với năm 2020 tăng gấp 1,5 lần vào năm 2030 và tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng từ 10-15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
-
Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đạt nhiều hiệu quả
Với những tin tức về phát triển kinh tế lâm nghiệp, thưa quý vị Sau gần 3 năm thực hiện “Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận những kết quả tích cực. Nhiều diện tích rừng được trồng mới, thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng được đẩy mạnh, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cũng được nhiều địa phương chú trọng... Đơn cử tại huyện Mường Ảng, để phát triển kinh tế lâm nghiệp, địa phương chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Khởi điểm từ năm 2015, huyện Mường Ảng trồng 360ha rừng sản xuất. Kết thúc mùa trồng rừng năm 2023, toàn huyện đã nâng tổng diện tích rừng trồng mới lên hơn 1.300ha. Giống cây lâm nghiệp huyện Mường Ảng lựa chọn là cây keo. Nhiều năm nay, Mường Ảng luôn là huyện tiên phong và hoàn thành kế hoạch trồng rừng hàng năm của tỉnh.
- Bảo vệ rừng mùa mưa lũ
Trong công tác bảo vệ rừng, thời điểm này đang vào mùa mưa, lượng mưa nhiều nên mực nước các lòng hồ dâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp tế lương thực bằng đường sông đối với những tổ chức, cá nhân chặt phá rừng. Lúc này việc vận chuyển gỗ bằng bè đưa ra khỏi rừng cũng dễ dàng hơn đối với lâm tặc và công tác quản lý, bảo vệ rừng lại càng nhiều khó khăn. Tại khu vực rừng phòng hộ A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi lực lượng bảo vệ rừng mỏng, giải pháp trước mắt của Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới là tiếp tục xây dựng mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chủ rừng trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương và Nhân dân. Dù trong mùa mưa lũ, đi lại khó khăn nhưng đơn vị vẫn tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét tại rừng, đặc biệt là tuần tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn các vụ vi phạm.
- Phổ biến pháp luật về lâm nghiệp cho gần 5.000 chủ rừng
Cũng liên quan tới các hoạt động bảo vệ rừng, là một trong những huyện thường xuyên xảy ra cháy rừng nên từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển lâm nghiệp bền vững, ban hành 11 văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các lực lượng liên quan về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 91 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho gần 5.000 chủ rừng trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức 6 cuộc tập huấn cho 480 chủ rừng về thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Xử phạt 2 cá nhân khai thác gỗ trái phép
Trong công tác xử lý vi phạm về Lâm nghiệp, UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa thông tin, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với 2 cá nhân tại thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân. Trước đó, cơ quan chức năng nhận được tin báo tại Tiểu khu 578 rừng phòng hộ, thuộc khu vực Khe Huối, Tà Nọi, thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, phát hiện 6 cây gỗ bị chặt hạ, khai thác trái pháp luật. Qua quá trình điều tra, đã xác định được các đối tượng khai thác gỗ rừng phòng hộ trái pháp luật. Kết quả giám định các cây gỗ bị khai thác không có tên trong “Danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”. Tổng khối lượng là gần 3,9m3, chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, hành vi này bị xử lý hành chính.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 15/11/2023: Mục tiêu phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng
Nhiều mục tiêu phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng; Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đạt nhiều hiệu quả; Bảo vệ rừng mùa mưa lũ; Phổ biến pháp luật về lâm nghiệp cho gần 5.000 chủ rừng; Xử phạt 2 cá nhân khai thác gỗ trái phép.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.