Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/11/2023: Tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên

Tiếp tục tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên từ Lào, Campuchia; Nghệ An từng bước tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ các-bon; Người dân yên tâm nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Kinh tế đồi rừng là hướng đi bền vững cho người dân biên giới; Trăn trở từ các vụ án hủy hoại rừng.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/11/2023: Tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/11/2023: Tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Tiếp tục tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên từ Lào, Campuchia

Thưa quý vị và bà con, năm 2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 44 quy định về việc  tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Sau 5 năm triển khai thực hiện, trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá, để tránh lỗ hổng về pháp lý khi Thông tư số 44 năm 2018 hết hiệu lực, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 21 năm 2023 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Theo đó, tiếp tục duy trì chính sách nhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới, kiểm soát được tình trạng thương nhân lợi dụng các quy định về loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.

  • Nghệ An từng bước tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ các bon.

Hiện nay, tín chỉ các bon rừng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của mọi địa phương để hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững. Tại Nghệ An, địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp, cùng với độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có trên 172.000ha rừng trồng đã thành rừng và gần 51.000ha rừng trồng chưa thành rừng. Trong số đó, diện tích rừng trồng các loài keo trên đất rừng sản xuất có khoảng trên 150.000ha, chiếm tới 90% diện tích rừng trồng nói chung. Bởi vậy, trồng keo hiện đang là nguồn phát triển kinh tế rừng chủ yếu của Nghệ An. Đây cũng là tiềm năng lớn để người trồng rừng tăng nguồn thu nhập giá trị cao bằng việc bán tín chỉ carbon bên cạnh nguồn thu từ bán gỗ keo. Hiện nay, cùng với các chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Nghệ An đang từng bước chuẩn bị cho việc tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

  • Người dân yên tâm nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Bên cạnh bán tín chỉ các bon, phát triển lâm nghiệp bền vững còn gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, năm 2022, 9 cộng đồng dân cư và UBND xã Mường Tùng được hưởng số tiền Dịch vụ môi trường rừng hơn 4 tỷ đồng, chưa tính diện tích rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện giao khoán cho các hộ dân. Số tiền hưởng lợi từ Dịch vụ môi trường rừng lớn hơn thu nhập chung của người dân vùng sâu, vùng xa đã tạo động lực để các cộng đồng yên tâm giữ rừng. Mường Tùng là xã có diện tích rừng tương đối lớn của huyện Mường Chà với hơn 10.000ha. Hiện nay, UBND xã đang quản lý gần 1.670ha rừng, còn lại khoán cho các cộng đồng bảo vệ. Hiện, diện tích rừng do cộng đồng, nhân dân và chính quyền xã Mường Tùng quản lý bảo vệ ngày càng xanh tốt với tỷ lệ che phủ tăng lên từng năm.

  • Kinh tế đồi rừng là hướng đi bền vững cho người dân biên giới

Huyện biên giới Mương Tè là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, địa phương có 6 xã biên giới, với chiều dài đường biên hơn 130km, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn. Từ xuất phát điểm và đánh giá tình hình thực tế, chính quyền huyện Mường Tè xác định hướng đi bền vững cho người dân là kinh tế đồi rừng. Hiện nay, ngoài gần 500ha quế, tại địa phương đang có gần 400ha cây cao su, gần 5.300ha cây dược liệu các loại. Cùng với đó là hơn 4.000ha cây lương thực hàng năm và đàn gia súc gần 40.000 con. Nhờ chủ trương, định hướng của huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay thu nhập bình quân đầu người hàng năm đã tăng lên gần 28 triệu và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 50%.

  • Trăn trở từ các vụ án hủy hoại rừng

Với những tin tức về vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thưa quý vị, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có gần 16.800 ha diện tích có rừng. Toàn xã có 99% số hộ dân được Nhà nước giao đất, giao rừng. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phần đa người dân trên địa bàn còn sinh sống dựa vào rừng, khai thác lâm sản phụ để mưu sinh. Các khoản hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thực tế hiện nay còn ở mức thấp, trong khi đó giá trị mang lại từ rừng - đối với rừng sản xuất là rừng trồng lớn, tạo sức ép về lợi ích kinh tế, dễ phát sinh các hành vi vi phạm như lấn rừng, vén rừng... Thực tế, trên địa bàn xã những năm gần đây vẫn còn xảy ra một số vụ vi phạm như thế. Năm 2022, đã có 1 vụ bị xử phạt hành chính với số tiền 11 triệu đồng, năm 2023 xử phạt 3 vụ việc liên quan đến hành vi phát vén, khai thác trái phép nứa, vầu với số tiền 3 - 4 triệu đồng/hộ, thậm chí có vụ bị xử lý hình sự.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 17/11/2023: Tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên

Tiếp tục tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ rừng tự nhiên từ Lào, Campuchia; Nghệ An từng bước tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ các-bon; Người dân yên tâm nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Kinh tế đồi rừng là hướng đi bền vững cho người dân biên giới; Trăn trở từ các vụ án hủy hoại rừng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Thời tiết nông vụ ngày 2/5/2024: Bắc bộ duy trì hình thái mát mẻ, dễ chịu
Thời sự

Hôm nay, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cần đề phòng thời tiết cực đoan do mưa dông.

Thời tiết nông vụ ngày 2/5/2024: Bắc bộ duy trì hình thái mát mẻ, dễ chịu
Thời tiết nông vụ ngày 1/5/2024: Nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt
Thời sự

Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, từ hôm nay (1/5), nắng nóng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An chấm dứt và dịu dần ở khu vực Quảng Bình - Quảng Trị.

Thời tiết nông vụ ngày 1/5/2024: Nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt