Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/11/2023: Đề nghị bổ sung kinh phí phát triển rừng
Quảng Ngãi đề nghị bổ sung kinh phí phát triển lâm nghiệp bền vững; Hiệu quả kép từ trồng mây nước dưới tán rừng; Tổng doanh thu từ sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm; Bắc Kạn trồng được gần 5.000ha rừng; Nhân rộng mô hình kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững.
Quỳnh Anh | 13:21 16/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/11/2023: Đề nghị bổ sung kinh phí phát triển rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Quảng Ngãi đề nghị bổ sung kinh phí để phát triển rừng bền vững
Thưa quý vị và bà con, Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này đã gửi văn bản và hiện đang chờ Bộ Tài chính phản hồi về việc sử dụng nguồn kinh phí Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Theo đó, năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chương trình với tổng số kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại chưa phân khai trên 4,55 tỷ đồng. Trong năm nay, nhu cầu kinh phí để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 13,3 tỷ đồng. Tỉnh này đã thực hiện bố trí nguồn kinh phí theo Quyết định của Thủ tướng gần 8,8 tỷ đồng. Số kinh phí còn thiếu trên 4,55 tỷ đồng. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi trình Bộ Tài chính cho phép được sử dụng kinh phí còn lại để thực hiện các nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh.
- Hiệu quả kép từ trồng mây nước dưới tán rừng
Cũng tại tỉnh Quảng Ngãi nhưng liên quan tới việc phát huy giá trị sinh thái dưới tán rừng, Thưa quý vị, Dự án “Trồng mây nước dưới tán rừng phòng hộ” được triển khai tại địa phương này với tổng quy mô đầu tư 80ha, thu hút 40 hộ dân tham gia. Kết quả cho thấy, trồng mây nước dưới tán rừng đã tận dụng được diện tích đất, không ảnh hưởng đến cây lâm nghiệp, giúp giảm lượng cỏ dại, tăng độ ẩm cho đất, giảm đáng kể vấn đề xói mòn đất, tăng lượng dinh dưỡng cho cây lâm nghiệp. Do đó, trong những năm gần đây, loại cây này đã phát triển khá nhanh ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 ha cây mây nước. Hiện tại, mây nước được thu mua với giá hơn 4.000 đồng/kg, có thời điểm, lên đến hơn 7.000 đồng/kg. Trung mình, mỗi ha mây nước trồng dưới tán rừng có thể mang lại nguồn thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
- Tổng doanh thu từ sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm
Trong lĩnh vực khai thác lâm sản, tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, bình quân mỗi năm địa phương này xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.000m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn. Tổng doanh thu từ sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Sản phẩm quế Văn Yên chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã cùng người dân hình thành và mở rộng vùng trồng quế hữu cơ.
- Bắc Kạn trồng được gần 5.000ha rừng
Còn với hoạt động trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng, theo kế hoạch, năm nay, tỉnh Bắc Kạn trồng mới hơn 4.000ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung hơn 3.000 ha, còn lại là trồng rừng phân tán. Để phục vụ trồng rừng, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất được trên 11,3 triệu cây giống. Cơ cấu giống phổ biến là các loại cây mỡ, keo, thông, hồi, quế và một số loại cây lấy gỗ khác. Nhưng từ tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hơn 400ha rừng trồng mới bị chết khô, héo lá, buộc phải trồng lại hoặc trồng dặm. Bắt đầu từ tháng 7, khi thời tiết thuận lợi, tiến độ trồng rừng được đẩy nhanh, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã trồng được gần 5.000ha rừng, đạt 123% kế hoạch.
-
Nhân rộng mô hình kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp. Tận dụng tiềm năng này, huyện đã chủ động tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2021-2025, huyện Đakrông đặt mục tiêu giao rừng tự nhiên cho các hộ, cộng đồng dân cư 300 ha/năm, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ và cá nhân bảo vệ, mang lại lợi ích cho trên 15.000 lượt người/năm. Thời gian tới, địa phương tập trung xây dựng các mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ, đẩy mạnh giao đất, giao rừng để đảm bảo rừng có chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/11/2023: Đề nghị bổ sung kinh phí phát triển rừng
Quảng Ngãi đề nghị bổ sung kinh phí phát triển lâm nghiệp bền vững; Hiệu quả kép từ trồng mây nước dưới tán rừng; Tổng doanh thu từ sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm; Bắc Kạn trồng được gần 5.000ha rừng; Nhân rộng mô hình kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.
Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.