Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/11/2023: Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’
Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’; Tổ chức hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng; Thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng; Hoạt chất một số cây dược liệu ở Lai Châu cao hơn địa phương khác; Rừng trồng 20 năm chưa thể khai thác.
Quỳnh Anh | 12:39 21/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/11/2023: Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’
Mở đầu là những thông tin về hoạt động hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thưa quý vị những năm gần đây, các cấp, các ngành Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã thường xuyên phát động trồng cây xanh ở những khu vực đất trống, đồi trọc ở các xã vùng ven. Cùng với đó, TP cũng hỗ trợ giống cây lâm nghiệp có giá trị như: sao đen, dổi ăn hạt, giáng hương, thông ba lá, dầu rái... cho các xã, phường trồng cây phân tán và cây rừng. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cây giống cho các địa phương. Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, TP. Pleiku đã trồng được gần 81.000 cây xanh phân tán và cây rừng các loại ở những khu vực đất trống, tỷ lệ cây sống đạt trên 70%. Những cánh rừng chính là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe".
-
Tổ chức hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng
Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, xác định rừng là nguồn tài nguyên quý phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nội dung này. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được hạt kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả. 11 tháng năm nay, địa phương đã tổ chức tuyên truyền được hơn 140 cuộc với gần 4.300 lượt người tham gia. Tổ chức cho hơn 10.000 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Về công tác phát triển rừng, 11 tháng qua, toàn huyện trồng mới được hơn 520 ha rừng. Hoàn thành kế hoạch thâm canh, phục tráng 390 ha rừng luồng thâm canh năm thứ nhất, chăm sóc, bón phân năm thứ 2 cho 1.200 ha rừng luồng. Đến nay, diện tích rừng trồng đang phát triển tốt.
- Thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng
Cũng tại tỉnh Thanh Hóa nhưng là thông tin về hoạt động trồng rừng thay thếthì UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có công văn về việc thực hiện trình tự, thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Phú Sơn, thị trấn Hà Trung và dự án Đường giao thông từ trung tâm huyện Hà Trung đến trung tâm thị xã Bỉm Sơn. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất với nội dung tham mưu đề xuất của Sở NN-PTNT, đồng thời đề nghị Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông làm chủ đầu tư dự án trồng rừng thay thế trên diện tích đất chưa chưa có rừng được quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trên địa bàn xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa. Nguồn kinh phí thực hiện do UBND huyện Hà Trung nộp khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án.
- Hoạt chất một số cây dược liệu ở Lai Châu cao hơn địa phương khác
Trong kinh tế lâm nghiệp, trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là nội dung được nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đặc biệt quan tâm. Tỉnh Lai Châu hiện tới hơn 70% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, có thế mạnh phát triển cây dược liệu quý. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, Bộ Y tế, Lai Châu có 875 loài dược liệu, phân bố tự nhiên ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện vùng cao, biên giới. Nhiều loại dược liệu có giá trị như: Hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, thất diệp nhất chi hoa… Gần đây, các loại dược liệu như đương quy, đỗ trọng, hoàng khung, sâm cát cánh, bạch truật… được trồng tại một số xã vùng cao của huyện Sìn Hồ. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, hoạt chất của một số cây dược liệu trồng ở Lai Châu cao hơn so với trồng ở các địa phương khác.
- Rừng trồng 20 năm chưa thể khai thác
Còn tại tỉnh Bắc Kạn, bà con nơi đây lại đang gặp một số khó khăn trong hoạt động khai thác gỗ rừng trồng. Cụ thể, Bắc Kạn hiện có hơn 350ha rừng trồng tại 4 xã giáp ranh với Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ bị quy hoạch thành rừng đặc dụng. Đa số những diện tích này người dân đã trồng cây từ trước năm 2002 nhưng đến năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập, đất sản xuất của người dân thuộc vùng đệm khu bảo tồn nên bà con không thể khai thác gỗ do chính mình trồng. Tương tự, hiện cũng có một số diện tích rừng trồng của người dân quanh Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn bị quy hoạch từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng, không thể khai thác trong nhiều năm. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT rà soát và sẽ có điều chỉnh để đưa hơn 500ha ra ngoài quy hoạch rừng đặc dụng. Dự kiến đến quý II năm sau sẽ hoàn thành báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để tiến hành những thủ tục tiếp theo. Sau khi đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, người dân mới có thể khai thác và tiếp tục trồng rừng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/11/2023: Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’
Xây dựng thành phố ‘Cao nguyên xanh vì sức khỏe’; Tổ chức hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng; Thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng; Hoạt chất một số cây dược liệu ở Lai Châu cao hơn địa phương khác; Rừng trồng 20 năm chưa thể khai thác.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.