Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/5/2024: Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả
Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả; Kiểm lâm Sơn La sau 50 năm phát triển; Đề án ‘Trồng một tỷ cây xanh’ tại Lâm Đồng đạt hơn 50%.
Quỳnh Anh | 15:45 21/05/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/5/2024: Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả
Thưa quý vị và bà con, Theo Bộ NN-PTNT, với hơn 3,5 triệu ha rừng sản xuất, trong đó có khoảng 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn đã tạo nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ hằng năm khoảng 40 triệu m3 quy tròn, đáp ứng 70% nhu cầu của ngành chế biến gỗ. Ngành lâm nghiệp đã xây dựng được 526 nguồn giống được công nhận tại 35/63 tỉnh, thành phố, diện tích gần 1.500 ha, với nhiều giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất chất lượng cao đã được đưa vào trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Ðến nay, nhiều tỉnh đã xây dựng được các mô hình rừng trồng sản xuất gỗ lớn hiệu quả. Các địa phương đã xây dựng được 770 ha mô hình trồng rừng, sản xuất, kinh doanh gỗ lớn keo lai và keo tai tượng, xây dựng 447 ha chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.
- Kiểm lâm Sơn La sau 50 năm phát triển
Về hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, Lực lượng Kiểm lâm Sơn La được thành lập vào ngày 21/5/1974, 50 năm qua, kể từ ngày thành lập, lực lượng kiểm lâm tỉnh này đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, hệ thống tổ chức Kiểm lâm Sơn La gồm 5 phòng, 2 đội kiểm lâm cơ động Phòng cháy chữa cháy rừng; 12 hạt kiểm lâm huyện, thành phố; 5 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, 5 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng số gần 370 cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp bền vững trong tình hình mới. Ngoài ra, đơn vị cũng xây dựng hơn 2.300 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở, mỗi tổ, đội có từ 15-20 thành viên.
- Đề án ‘Trồng một tỷ cây xanh’ tại Lâm Đồng đạt hơn 50%
Trong lĩnh vực trồng rừng, Tại đèo Prenn, TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây" với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhân dịp này, hơn 1.000 cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, nhân dân và khách du lịch đã tham gia trồng 2.000 cây thông 3 lá và 750 cây mai anh đào dọc tuyến đèo Prenn. Được biết, thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, Lâm Đồng nhận trồng 50 triệu cây xanh các loại. Đến hết năm 2023, tỉnh đã trồng hơn 26 triệu cây xanh, đạt hơn 52% kế hoạch. Năm nay, địa phương đặt mục tiêu trồng trên 13,6 triệu cây xanh.
- Cây quế mang lại 200 – 300 triệu đồng/ha
Với lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp, Nhiều năm gần đây, quế trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân ở Bắc Kạn xóa đói, giảm nghèo. Từ cây trồng này, nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, từ hơn chục năm trước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo các chương trình, dự án, trong đó chú trọng phát triển diện tích trồng quế. Đến nay, Đại Sảo có gần 400ha quế. Thông thường, sau khi trồng được khoảng 5 đến 6 năm, người dân đã bắt đầu khai thác tỉa. Với hiệu quả kinh tế thu được từ 200 đến 300 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn tùy thời điểm, cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng đem lại thu nhập cao.
-
Trà Vinh phát triển bền vững rừng ngập mặn ven biển
Còn tại tỉnh Trà Vinh, nhờ người dân vùng ven biển cùng chính quyền địa phương tích cực trồng và bảo vệ nên từ năm 1996 đến nay, diện tích rừng ở Trà Vinh phát triển thêm gần 4.700ha. Toàn tỉnh hiện có 9.620ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt hơn 4% diện tích; trong đó, diện tích rừng sản xuất khoảng 3.800ha. Tỉnh đặt mục tiêu đạttỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 4,2% vào năm 2025. Trong những giải pháp phát triển Lâm nghiệp, nuôi tôm kết hợp trồng rừng là mô hình sinh kế chứng minh được tính bền vững cao, được người dân ở các xã đảo của địa phương duy trì và mở rộng. Mô hình đã góp phần khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh; ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng của người dân được nâng lên rõ rệt.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 21/5/2024: Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả
Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả; Kiểm lâm Sơn La sau 50 năm phát triển; Đề án ‘Trồng một tỷ cây xanh’ tại Lâm Đồng đạt hơn 50%.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Thu dịch vụ môi trường rừng năm 2024 ước đạt 3.700 tỷ đồng; Sắn Bình Định đạt năng suất cao nhưng giá thấp. Nông dân Cà Mau trúng mùa lúa trên đất nuôi tôm.
Từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bà con cần lưu ý vì ảnh hưởng từ bão số 10 có thể gây mưa lớn cục bộ, cùng với gió mạnh ở ven biển.