Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/10/2023

Dự kiến cần hơn 200 nghìn tỷ đồng cho Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; Diện tích rừng được khoán bảo vệ tại Ninh Thuận đạt 99%; Lâm Đồng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng liên tục gần 15 năm; Tuyên Quang đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng FSC; 'Đi đường dài' để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững.

Quỳnh Anh  | 12:56 23/10/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/10/2023

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/10/2023

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Dự kiến cần hơn 200 nghìn tỷ đồng cho quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Thưa quý vị và bà con, hiện Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch rất quan trọng, có tác động lớn đến việc quản lý và sử dụng rừng nói riêng cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở mỗi địa phương. Theo dự thảo, quy hoạch đặt mục tiêu bảo đảm tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42%-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5%-5,5%/năm. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Tổng thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỉ đồng/năm giai đoạn 2021-2025 và 4.000 tỉ đồng giai đoạn 2026-2030 cùng nhiều mục tiêu khác. Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch là trên 217.000 tỷ đồng.

  • Diện tích rừng được khoán bảo vệ tại Ninh Thuận đạt 99%

Đối với lĩnh vực phát triển lâm nghiệp tại các địa phương, theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, thời gian qua, Chi cục đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên, các Công ty Lâm nghiệp tích cực chuẩn bị đất, cây giống, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán để triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán khi vào mùa vụ. Năm 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu trồng rừng tập trung khoảng 2.350 ha, diện tích rừng trồng được chăm sóc 12.500 ha, trồng cây phân tán 420 ha và khoán bảo vệ 134.000 ha rừng. Kết quả, 9 tháng đầu năm, các đơn vị đã chuẩn bị hơn 3,8 triệu cây giống lâm nghiệp các loại và trồng rừng tập trung trên 1.820 ha. Diện tích rừng trồng đưa vào chăm sóc khoảng hơn 12.300ha. Diện tích rừng được khoán bảo vệ thực hiện chuyển tiếp gần 133.000 ha, đạt gần 99% kế hoạch năm.

  • Lâm Đồng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng liên tục gần 15 năm

Tại Lâm Đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thí điểm năm 2009 và đến nay đã thực hiện liên tục gần 15 năm. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Lâm Đồng luôn nằm trong 3 tỉnh có số thu cao nhất cả nước, số nợ đọng rất ít và hầu như không có. Với số tiền thu được, hàng năm Lâm Đồng chi trả cho hơn 74% diện tích rừng toàn tỉnh với đơn giá tương đối cao, qua đó góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Nguồn thu nhập hàng năm từ nhận khoán bảo vệ rừng của hộ dân, khoảng 15 triệu - 20 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần cải thiện sinh kế cho bà con cũng như hỗ trợ lực lượng hùng hậu cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.

  • Tuyên Quang đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng FSC

Còn đối với công tác quản lý rừng, hiện Tuyên Quang là địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC với trên 48.300ha rừng được cấp chứng chỉ này. Để có được những cánh rừng FSC, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng. Bên cạnh đó, Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cũng đề ra mục tiêu là tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 10%/năm, phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt hơn 89.000ha, sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 5,5 triệu m3 và mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hơn 90.000ha.

  • 'Đi đường dài' để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

Ở một khía cạnh khác, chế biến gỗ là ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển công nghiệp nông thôn ở tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường xuất khẩu gỗ dán của nước ta giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của người dân và các cơ sở chế biến gỗ tại địa phương. Do đó,tỉnh này đang triển khai nhiều biện pháp “đường dài” để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững như: tiếp tục rà soát và làm tốt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến…

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 23/10/2023

Dự kiến cần hơn 200 nghìn tỷ đồng cho Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; Diện tích rừng được khoán bảo vệ tại Ninh Thuận đạt 99%; Lâm Đồng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng liên tục gần 15 năm; Tuyên Quang đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng FSC; 'Đi đường dài' để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ