Bản tin Lâm nghiệp ngày 24/11/2023: Thí điểm dự án các bon và phục hồi cảnh quan
Lâm Đồng, Sơn La được chọn thí điểm dự án các bon và phục hồi cảnh quan; Huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển rừng; Giữ màu xanh Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; Phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng bền vững; Vườn ươm giống cây lâm nghiệp nhỏ lẻ tự phát, khó quản lý.
Quỳnh Anh | 13:00 24/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 24/11/2023: Thí điểm dự án Carbon và phục hồi cảnh quan
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Lâm Đồng, Sơn La được chọn thí điểm dự án Carbon và phục hồi cảnh quan
Thưa quý vị và bà con, mới đây, đoàn công tác Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty AstraZeneca đã tiếp cận cũng như lựa chọn Lâm Đồng và Sơn La để thí điểm Dự án Carbon và Phục hồi cảnh quan AstraZeneca Việt Nam. Đây là dự án thí điểm trong kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam. Qua đó mong muốn đóng góp cho 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La cũng như lan tỏa, khích lệ các tổ chức, doanh nghiệp khác cùng hành động vì các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng “0”. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đông nhận định, địa phương có đầy đủ các yếu tố để AstraZeneca có thể hỗ trợ triển khai. Đây là lợi ích về kinh tế - môi trường và xã hội phù hợp với lợi ích của phát triển của tỉnh trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Huy động nguồn vốn xã hội quá cho phát triển rừng
Trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, theo Cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, từ năm 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696 nghìn ha rừng trồng tập trung và khoảng 277 triệu cây phân tán. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là là trên 445.000 ha, diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là trên 63.000 ha, tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là trên 449.000 ha. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng. Từ đó, huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
-
Giữ màu xanh Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La
Với hoạt động vảo vệ rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, thưa quý vị, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, quản lý 18.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao. Những năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Ban quản lý đã chỉ đạo 3 tổ tuần rừng tổ chức tuần tra rừng, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài động thực vật hoang dã 10 ngày/tháng. Từ đầu năm đến nay, cán bộ Ban quản lý và 3 tổ tuần rừng thực hiện tuần tra rừng, theo dõi đặc tính của loài vượn đen tuyền. Qua tuần tra, thu được 14 cái bẫy nhỏ, vận động một số đối tượng có hành vi bẫy bắt chim, mót gỗ và lâm sản ngoài gỗ ra khỏi rừng.
- Phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng bền vững
Còn ở các địa phương, An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.900ha. Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng biên giới. Theo Sở NN-PTNT An Giang, địa phương đang tập trung xây dựng bản đồ số hóa với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng bổ sung nâng cao chất lượng rừng giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời tập trung bảo vệ và phát triển rừng tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm, xác định ranh giới, cắm mốc 2 loại rừng phòng hộ và đặc dụng. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục trồng cây lâm nghiệp phân tán để tạo vành đai rừng phòng hộ cho đồng ruộng nhằm giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh trồng được thêm hơn 5,2 triệu cây xanh, tương đương diện tích trên 5.200ha.
-
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp nhỏ lẻ tự phát, khó quản lý
Cuối cùng là tin tức liên quan tới lĩnh vực ươm giống cây lâm nghiệp, trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có hơn 500 cơ sở, hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó có 5 tổ chức và trên 500 hộ dân gieo ươm với số lượng hơn 20 triệu cây giống/năm, chủ yếu là cây quế. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên, trong tổng số hơn 500 tổ chức và hộ dân kinh doanh cây giống, chỉ có 19 cơ sở được cấp giấy phép, còn lại là cơ sở sản xuất giống cây trồng bán tự do trên thị trường. Thực tế cho thấy, mức độ thiệt hại kinh tế do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát gây ra không nhỏ, song để chấn chỉnh tình trạng này là điều không dễ. Việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do người dân thiếu hợp tác.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 24/11/2023: Thí điểm dự án các bon và phục hồi cảnh quan
Lâm Đồng, Sơn La được chọn thí điểm dự án các bon và phục hồi cảnh quan; Huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển rừng; Giữ màu xanh Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; Phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng bền vững; Vườn ươm giống cây lâm nghiệp nhỏ lẻ tự phát, khó quản lý.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.