Bản tin Lâm nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2023

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ; Vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có tính chất phức tạp; Bình Định lo rừng đặc dụng An Toàn bị xâm lấn; Đa dạng sinh kế dưới tán rừng Thần Sa - Phượng Hoàng; Sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại Yên Bái còn hạn chế.

Quỳnh Anh  | 11:37 24/10/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2023

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2023

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ

Thưa quý vị và bà con, Trong Đề án bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032 UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu phục hồi, phát triển đàn sếu đầu đỏ bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Đồng thời trong giai đoạn này, nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Hiện các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ Đề án đang được đẩy nhanh tiến độ, đồng thời phối hợp với các sở, ngành thực hiện các phần việc cần thiết.

  • Vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD có tính chất phức tạp

Cũng liên quan tới vấn đề bảo tồn động thực, vật, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 160 nghìn ha rừng. Rừng Bắc Giang được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học, đặc biệt, có 24 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 27 loài trong Công ước CITES. Những năm qua các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã xảy ra trên địa bàn tỉnh này có xu hướng giảm song tính chất lại phức tạp. Thói quen sử dụng Động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc, làm cảnh vẫn còn phổ biến. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan kiểm lâm trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 14 vụ vi phạm pháp luật, khởi tố 1 vụ, tịch thu gần 140 cá thể ĐVHD. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh lập biên bản, xử lý 2 vụ vi phạm, tịch thu tang vật là cá thể khỉ đuôi lợn và yểng.

  • Bình Định lo rừng đặc dụng An Toàn bị xâm lấn

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, với 26.000 ha rừng nguyên sinh trong rừng đặc dụng, trong đó có 22.450 ha diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng An Toàn tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định đang gặp khó khăn vì lực lượng mỏng, trong khi diện tích rừng rất lớn. Trước hiện tượng có nhà dân và đất sản xuất của người dân nằm trong rừng đặc dụng này, UBND tỉnh Bình Định đang yêu cầu Sở NN-PTNT xem lại công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng tại An Toàn, cần phải kiểm tra lại và xử lý dứt điểm vấn đề được nêu. Bên cạnh đó, rà soát lại quy hoạch rừng, thuyết phục bà con chuyển diện tích rừng sản xuất sang trồng rừng gỗ lớn, đầu tư công nghệ để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Quy hoạch, quản lý bảo vệ rừng phải gắn với phát triển sản phẩm phục vụ du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

  • Đa dạng sinh kế dưới tán rừng Thần Sa - Phượng Hoàng

Cũng liên quan tới lĩnh vực này, Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có diện tích trên 18.700ha, nằm trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm Khu Bảo tồn này, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học như hỗ trợ bà con tạo sinh kế ngay dưới tán rừng để nâng cao thu nhập với các mô hình trồng dược liệu, phát triển sản xuất, hỗ trợ vật liệu xây dựng đối với các công trình công cộng của cộng đồng… Qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao ý thức, gắn chặt quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

  • Sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại Yên Bái còn hạn chế

Còn với công tác thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tại Yên Bái, từ việc thực hiện chính sách này gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, địa phương đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong thực hiện công tác nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng gỗ lớn để cung ứng dịch vụ môi trường rừng, được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Tuy nhiên, qua kiểm toán quản lý, việc sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại Yên Bái vẫn còn những hạn chế. Số tiền trồng rừng thay thế còn phải thu là gần 4,8 tỷ đồng đã quá hạn so với quy định. Quỹ chưa có biện pháp quản lý, theo dõi đầy đủ số lượng các hợp đồng và thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hình thức trực tiếp với bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, chưa tham gia giám sát việc trồng rừng thay thế đối với các đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng theo quy định.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2023

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ; Vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có tính chất phức tạp; Bình Định lo rừng đặc dụng An Toàn bị xâm lấn; Đa dạng sinh kế dưới tán rừng Thần Sa - Phượng Hoàng; Sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại Yên Bái còn hạn chế.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ