Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/2/2024: Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá
Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá; Kịp thời dập tắt 3 vụ cháy rừng ở Mù Cang Chải; Thái Nguyên dự kiến hoàn thành kế hoạch trồng trừng trong tháng 3.
Quỳnh Anh | 13:58 26/02/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/2/2024: Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá
Mở đầu là tin tức về những vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thưa quý vị và bà con, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định vừa phát hiện vụ phá rừng phòng hộ trái pháp luật, xảy ra tại khoảnh 4, tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh làm chủ rừng. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là hơn 11.800m2, có 165 cây sao đen và 62 cây keo. Số cây gỗ bị chặt phá còn nguyên tại hiện trường chưa bị cắt ngọn, cành lá đã khô, dụng cụ sử dụng để hạ cây rừng là máy cưa xích, thời gian phá rừng diễn ra trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường; giám định thiệt hại rừng… Nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
- Kịp thời dập tắt 3 vụ cháy rừng ở Mù Cang Chải
Trong tuần vừa qua, trên cả nước ghi nhận nhiều vụcháy rừng lớn và một số địa phương còn liên tiếp xảy ra các điểm cháy. Riêng tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, từ ngày 19-21/2, ba vụ cháy rừng đã xảy ra trên diện tích 13ha. Diện tích cháy chủ yếu là rừng trồng, cỏ lau lách, rừng tái sinh và một số diện tích rừng tự nhiên. Huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 800 người gồm: lực lượng kiểm lâm, bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân tham gia chữa cháy. Đến 12 giờ ngày 21/2, vụ cháy rừng cuối cùng đã được dập tắt. Nguyên nhân cháy rừng ban đầu được xác định là do thời tiết khô hanh, gió lớn cùng với thảm thực bì dày do cây tầng thấp chết trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua khiến đám cháy lan rộng.
- Tây Nguyên tăng cường phòng cháy rừng cao điểm mùa khô
Khu vực Tây Nguyên hiện cũng đang bước vào cao điểm mùa khô, do đó, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện này đã chủ động tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng các cấp, ban hành kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Các đơn vị cũng đã xây dựng lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khoảng 760 người, 20 tổ đội bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, gần 550 xe máy các loại cùng nhiều phương tiện khác và hơn 800 bàn dập lửa, cuốc, xẻng, rựa, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng.
- Thái Nguyên dự kiến hoàn thành kế hoạch trồng trừng trong tháng 3
Về lĩnh vực trồng rừng, từ đầu năm đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa, độ ẩm cao, các ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung. Theo đó, năm nay, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung và 1,19 triệu cây xanh phân tán. Nét mới trong công tác trồng rừng năm nay là việc trồng rừng sẽ kết thúc sớm. Những năm trước đây do việc thiết kế, khai thác muộn nên đã kéo theo việc trồng rừng đến tận tháng 5 mới hoàn thành. Nhưng năm nay, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy nhanh quá trình thiết kế, khai thác và xong từ tháng 12/2023. Nhờ vậy đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, dự kiến sẽ trong xong trong tháng 3.
-
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỷ USD trong tháng 1
Cuối cùng là thông tin về hoạt động xuất khẩu gỗ và lâm sản, thưa quý vị, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng đến 83,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD chỉ trong 1 tháng. Kết quả xuất khẩu của mặt hàng tiềm năng này chiếm 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp trong nước. Hầu hết các thị trường lớn đều tăng cao nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong tháng vừa qua.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/2/2024: Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá
Gần 12.000m2 rừng phòng hộ bị phá; Kịp thời dập tắt 3 vụ cháy rừng ở Mù Cang Chải; Thái Nguyên dự kiến hoàn thành kế hoạch trồng trừng trong tháng 3.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.