Bản tin Lâm nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2023
Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn nhiều khó khăn; Tình trạng phá rừng tại Đắk Glong giảm nhưng vẫn ‘nóng’; Hỗ trợ cây giống phục vụ phát triển du lịch sinh thái; Người dân đồng lòng trực cháy, giữ rừng; Kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò ‘xương sống’ của Ba Chẽ.
Quỳnh Anh | 13:46 26/10/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn nhiều khó khăn
Thưa quý vị và bà con, Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập. Tuy nhiên tại tỉnh Nghệ An, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là Nghệ An có nhiều đồi núi, độ dốc cao, mưa nhiều gây ra tình trạng xói lở tại các khu vực rừng trồng, tập quán canh tác trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún. Thời gian trồng rừng gỗ lớn dài cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường và ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, nên nhiều hộ chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng sang gỗ lớn. Công nghiệp chế biến lâm sản cũng phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa bền vững…
- Tình trạng phá rừng tại Đắk Glong giảm nhưng vẫn ‘nóng’
Hơn 1 năm nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1644 và 1645, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã giảm mạnh. Song, khu vực này vẫn là “điểm nóng” trong lâm phần của đơn vị quản lý. Bởi nơi đây có rất nhiều người dân đã phá rừng, dựng nhà rẫy và canh tác trên đất. Rừng nằm giáp ranh với rẫy của người dân nên đứng trước nguy cơ bị phá từng ngày. Không riêng gì hai tiểu khu vừa nêu, cả những cánh rừng thông non, rừng keo lai mới trồng cũng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại để chiếm đất. Trong tháng 8 vừa qua, đơn vị quản lý đã phát hiện 3 vụ với khoảng trên 1.350 cây rừng non đã bị hủy hoại tại tiểu khu 1659 và 1646.
-
Hỗ trợ cây giống phục phát triển du lịch sinh thái
Với công tác bảo vệ, phát triển rừng, trên cơ sở nguồn thu dịch vụ môi trường rừng năm 2023 từ các cơ sở sản xuất nước sạch, nước công nghiệp không xác định được lưu vực và đối tượng chi, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ gần 3.500 cây giống lâm nghiệp cho các huyện Quan Hóa, Bá Thước và một số vườn quốc gia, khu bảo tồn để trồng cây phân tán, cảnh quan phục vụ phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển rừng và trồng cây phân tán. Ngoài ra, diện tích rừng trồng tăng lên cũng giúp hàng nghìn người dân địa phương phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao bộ mặt nông thôn.
- Người dân đồng lòng trực cháy, giữ rừng
Còn tại tỉnh Yên Bái, xã Chế Tạo là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, nằm gọn trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, chuyện trực cháy, giữ rừng đã trở thành hoạt động thường xuyên của người dân nơi đây. Theo đó, do địa bàn rộng mà lực lượng chính quy tham gia quản lý, bảo vệ rừng lại ít, nên để đảm bảo giữ được rừng tốt, xã đã chú trọng tăng cường phối hợp với 2 trạm kiểm lâm đóng trên địa bàn. Đặc biệt, trong mùa khô hanh, ngoài các thành viên được phân công trực chính, xã còn chỉ đạo vào những ngày cao điểm mỗi hộ dân đều cử thêm một người tham gia tăng cường làm nhiệm vụ canh gác thay nhau trực cháy 24/24 giờ tại 6 chòi canh ở 6 bản. Từ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng lòng của toàn dân nên hơn 5 năm trở lại đây, xã Chế Tạo không để xảy ra vụ cháy rừng nào.
- Kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò ‘xương sống’ của Ba Chẽ
Có thể nói, phát triển lâm nghiệp gắn với trồng và bảo vệ rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân. Với hơn 90% diện tích tự nhiên là rừng và đất rừng, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn và các loại cây dược liệu như ba kích, trà hoa vàng, nấm lim, các loại sâm... Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gỗ, chế biến lâm sản, phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ môi trường. Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long khẳng định, kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò “xương sống” của Ba Chẽ. Để có bước phát triển đột phá trong kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, Ba Chẽ sẽ chú trọng phát triển các cây lâm nghiệp có giá trị cao, cây gỗ lớn, tập trung tái tạo rừng lim, tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn sản xuất với chế biến lâm sản.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2023
Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn nhiều khó khăn; Tình trạng phá rừng tại Đắk Glong giảm nhưng vẫn ‘nóng’; Hỗ trợ cây giống phục vụ phát triển du lịch sinh thái; Người dân đồng lòng trực cháy, giữ rừng; Kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò ‘xương sống’ của Ba Chẽ.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.