Bản tin Lâm nghiệp ngày 27/11/2023: Rừng ngập mặn lưu trữ 20 tỷ tấn các bon

Rừng ngập mặn có thể lưu trữ 20 tỷ tấn các bon; WWF viện trợ Quảng Nam phục hồi, phát triển voọc chà vá chân xám; Cấp bách bảo tồn thạch sùng mí Cát Bà; Hơn 1.000 lượt người tham gia tuần tra vùng trọng điểm xâm hại rừng; Xây dựng 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Lâm nghiệp ngày 27/11/2023: Rừng ngập mặn lưu trữ 20 tỷ tấn các bon

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 27/11/2023: Rừng ngập mặn lưu trữ 20 tỷ tấn các bon

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Rừng ngập mặn có thể lưu trữ 20 tỷ tấn các bon

Thưa quý vị và bà con, Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc, mặc dù rừng ngập mặn chỉ chiếm 0,7% diện tích rừng toàn cầu, song có thể lưu trữ 20 tỷ tấn các bon, tương đương khoảng 2,5 lần lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay. Việc bỏ qua rừng ngập mặn hoặc chuyển đổi rừng ngập mặn cho các mục đích sử dụng đất khác khiến lượng khí thải nhà kính quốc gia có thể bị đánh giá không sát với thực tế. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của chúng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ/củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.

  • WWF viện trợ Quảng Nam phục hồi, phát triển voọc chà vá chân xám

Đối với hoạt động bảo vệ sự đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn vừa ra quyết định phê duyệt khoản viện trợ dự án do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên – gọi tắt là WWF tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh. Theo đó, WWF sẽ viện trợ cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam gần 1,2 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ phục hồi và phát triển những quần thể trọng điểm loài voọc chà vá chân xám. Địa điểm thực hiện trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh thuộc huyện Nam Giang và huyện Phước Sơn, trừ các xã thuộc khu vực biên giới đất liền. Thời gian thực hiện trong vòng 12 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024.

  • Cấp bách bảo tồn thạch sùng mí Cát Bà

Còn tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Thạch sùng mí là 1 trong 21 loài đặc hữu của Vườn Quốc gia này và là một trong những loài mới được các nhà khoa học phát hiện. Từ những nghiên cứu, nhóm tác giả của Vườn Quốc gia Cát Bà đã chỉ ra 5 nhân tố đe dọa chính tới quần thể cũng như sinh cảnh của thạch sùng mí Cát Bà đó là săn bắt, buôn bán, sử dụng, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch thiếu kiểm soát và việc phá hủy sinh cảnh. Để bảo vệ, bảo tồn loài thạch sùng này, Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết, thời gian tới, cần đưa chương trình giám sát quần thể loài để theo dõi sự biến động về số lượng cá thể hàng năm và tiến hành nhân nuôi sinh sản thử nghiệm để cung cấp nguồn con giống nhằm phục hồi quần thể loài trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tập trung bảo vệ sinh cảnh rừng tự nhiên ở các khu vực ưu tiên bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà.

  • Hơn 1.000 lượt người tham gia tuần tra vùng trọng điểm xâm hại rừng

Cũng tại các khu bảo tồn thiên nhiên nhưng với hoạt động bảo vệ rừng thì Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm tới nay, đơn vị phải bố trí lực lượng thường trực tại 14 lán chốt chặn bảo vệ rừng. Đồng thời, đã tổ chức gần 350 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với trên 1.000 lượt người tham gia, gần 30 đợt tuần tra dài ngày với trên 160 lượt người tham gia tại các vùng trọng điểm xâm hại rừng, khu vực bảo vệ vật chứng. Qua tuần tra, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng đã tháo gỡ và phá hủy hơn 190 bẫy động vật rừng, đẩy đuổi 19 người dự định vào rừng khai thác lâm sản phụ, không phát hiện tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, số gỗ là vật chứng vi phạm được bảo quản nguyên vẹn.

  • Xây dựng 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng

Cuối cùng là tin tức về lĩnh vực phát triển cây dược liệudưới tán rừng, thưa quý vị, Thanh Hóa hiện có trên 648.000 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua ngành NN-PTNT địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học bảo tồn phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Cụ thể, trong 5 năm qua, khu vục miền núi của tỉnh đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Việc nhân giống và trồng đại trà tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, nên bước đầu các mô hình đều có hiệu quả. Ngoài nguồn giống được thu hái và ươm thành công, quá trình trồng thử nghiệm tại các vùng rừng cho thấy các loại cây dược liệu này sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương với sinh trưởng tự nhiên. Nhiều mô hình cây dược liệu dưới tán rừng bước đầu thành công và mang lại hiệu quả kinh tế.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 27/11/2023: Rừng ngập mặn lưu trữ 20 tỷ tấn các bon

Rừng ngập mặn có thể lưu trữ 20 tỷ tấn các bon; WWF viện trợ Quảng Nam phục hồi, phát triển voọc chà vá chân xám; Cấp bách bảo tồn thạch sùng mí Cát Bà; Hơn 1.000 lượt người tham gia tuần tra vùng trọng điểm xâm hại rừng; Xây dựng 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Thời tiết nông vụ ngày 2/5/2024: Bắc bộ duy trì hình thái mát mẻ, dễ chịu
Thời sự

Hôm nay, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cần đề phòng thời tiết cực đoan do mưa dông.

Thời tiết nông vụ ngày 2/5/2024: Bắc bộ duy trì hình thái mát mẻ, dễ chịu
Thời tiết nông vụ ngày 1/5/2024: Nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt
Thời sự

Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, từ hôm nay (1/5), nắng nóng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An chấm dứt và dịu dần ở khu vực Quảng Bình - Quảng Trị.

Thời tiết nông vụ ngày 1/5/2024: Nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt