Bản tin Lâm nghiệp ngày 28/11/2023: Ngày càng nhiều mô hình phát triển rừng bền vững
Các tỉnh phía Bắc ngày càng có nhiều mô hình phát triển rừng bền vững; Đốt nương làm cháy hơn 7.000m2 rừng.
Quỳnh Anh | 11:50 28/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 28/11/2023: Ngày càng nhiều mô hình phát triển rừng bền vững
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Các tỉnh phía Bắc ngày càng có nhiều mô hình phát triển rừng bền vững
Thưa quý vị và bà con, thông tin tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố, các Vườn Quốc gia khu vực phía Bắc cho biết, sau 3 năm triển khai quy chế, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các Chi cục Kiểm lâm địa phương ngày càng phát triển toàn diện trên tất cả các mặt công tác của ngành. Các giải pháp trọng tâm, có hiệu quả từ cấp Chi cục đến các đơn vị cơ sở, đặc biệt là công tác phối hợp trong chia sẻ thông tin về các điểm nghi biến động rừng tự nhiên, cháy rừng, kiểm tra, truy quét phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Với công tác phát triển rừng, tính đến tháng 10 năm nay, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt trên 95.000ha, những mô hình phát triển rừng bền vững ngày càng nhiều hơn.
-
Đốt nương làm cháy hơn 7.000m2 rừng
Hiện nay đang vào mùa hanh khô, cũng là thời điểm các hộ dân dọn thực bì, đốt nương chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Mới đây vào ngày 25/11, một hộ dân sơ suất trong lúc đốt nương để chuẩn bị trồng rừng đã khiến khoảng 7.000m2 rừng trồng sản xuất tại xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị lửa thiêu rụi. Ngay khi nhận tin báo, huyện Yên Bình huy động tối đa các lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy khẩn cấp. Đến 22h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. 7.000m2 rừng bị thiêu rụi gồm rừng trồng hỗn hợp keo, bạch đàn. Sau khi đám cháy được dập tắt, huyện Yên Bình chỉ đạo các ngành nông nghiệp, kiểm lâm và chính quyền địa phương xác định mức độ thiệt hại và đề xuất các biện pháp khắc phục, loại cây trồng thay thế.
- Quảng Nam rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý việc trồng, sản xuất sâm Ngọc Linh
Với hoạt động phát triển dược liệu dưới tán rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa ký công văn yêu cầu nắm tình hình sử dụng môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, tình hình sử dụng môi trường rừng của các doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để xem xét, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Cùng với đó, Sở NN-PTNT chủ trì rà soát diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng hiện đang trồng sâm để xem xét, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh diện tích, loại rừng cho phù hợp quy định và phải được tổng hợp.
- Bắc Kạn xảy ra hơn 500 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp
Trong lĩnh vực tuần tra, xử lý vi phạm về Lâm nghiệp thì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra hơn 540 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 430m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,8 tỷ đồng. Hầu hết các vụ phá rừng do người dân phát, phá rừng tự nhiên lấy đất sản xuất, các vụ việc quy mô nhỏ, diện tích rừng bị xâm hại tương đối ít. Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực rừng đặc dụng, lực lượng chức năng đã kiểm tra, truy quét 4 cuộc với hơn 20 lượt người tham gia tại khu vực Khu Dữ trữ thiên nhiên Kim Hỷ. Qua kiểm tra phát hiện 3 lán tạm, khoảng 250m vòi nước, 60 lít xăng dầu, 8 máy móc các loại là phương tiện để khai thác vàng trái phép. Tổ tuần tra đã tiêu hủy máy móc, lán tạm theo quy định.
- Đảm bảo nguồn chi ngân sách đến tay người dân sớm nhất để bảo vệ rừng
Còn với hoạt động bảo vệ rừng tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn, theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, việc giao khoán bảo vệ rừng được đơn vị triển khai hiệu quả, đảm bảo nguồn chi ngân sách đến tận tay người dân sớm nhất. Đây cũng là một phương án giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Tính đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã khoán bảo vệ gần 4,6 nghìn ha rừng tự nhiên đặc dụng cho hơn 90 hộ dân tại 4 xã của huyện Hướng Hóa, khoán bảo vệ gần 1,4 nghìn ha rừng trong lưu vực thuỷ điện Rào Quán cho 50 người/6 nhóm hộ tại 2 xã Hướng Sơn và Hướng Linh, tạm ứng trên 900 triệu đồng đồng qua tài khoản ngân hàng cho người dân. Ban cũng đã hoàn thiện việc thanh toán kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 bổ sung đợt 2 cho 82 hộ dân và đồn biên phòng Hướng Lập với kinh phí trên 970 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 28/11/2023: Ngày càng nhiều mô hình phát triển rừng bền vững
Các tỉnh phía Bắc ngày càng có nhiều mô hình phát triển rừng bền vững; Đốt nương làm cháy hơn 7.000m2 rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.