Trồng lúa hữu cơ, cây khỏe, đất tốt, người vui vẻ
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó dồn lực hỗ trợ người nông dân thực hiện các mô hình trồng lúa hữu cơ quy mô nhỏ. Thành công bước đầu của mô hình sẽ là bàn đạp để mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.
Ngọc Tú | 05:38 28/11/2023
Trồng lúa hữu cơ, cây khỏe, đất tốt, người vui vẻ
MC 1: Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.
Thưa quý vị và bà con, những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó dồn lực hỗ trợ người nông dân thực hiện những mô hình trồng lúa hữu cơ quy mô nhỏ. Thành công bước đầu của những mô hình này được sẽ là bàn đạp để mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Ghi nhận của Nông nghiệp Radio tại một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn.
MC 2:
Mỹ Phương là xã thuần nông của huyện Ba Bể, người nông dân bao đời nay đã quen lối canh tác cũ, sử dụng nhiều phân bón và thuốc hóa học nên đất đai ngày càng bạc màu. Do đó, việc chuyển đổi tìm hướng sản xuất mới là yêu cầu đặt ra với chính quyền và người dân nơi đây.
Vụ mùa năm 2023, gia đình ông Hà Quốc Hiếu ở thôn Thạch Ngõa 1, xã Mỹ Phương lần đầu tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ. Với diện tích 4.000m2, gia đình ông thực hiện theo quy trình kỹ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ diện tích đều sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ với chế phẩm vi sinh.
Ông Hiếu cho biết, bà con tham gia mô hình được tập huấn cách làm đất, gạn nước, ủ phân hữu cơ và quy trình chăm sóc. Năm nay thời tiết thuận lợi, cánh đồng hầu như không có sâu bệnh. Nếu như trước đây năng suất lúa thường chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha thì sau khi canh tác theo quy trình hữu cơ đạt gần 5 tấn/ha.
Ông Hiếu nói: (Bón phân hưu phải nói là nó ít lá lúa nó trỗ ra nó vàng hơn, nó vàng nó đẹp thân nó cứng, phần kỹ thuật cho bà con được tập huấn kỹ càng cách gạn nước, cách đi thăm đồng mình gạn nước đúng chu kỳ của nó, bón thúc bón lót là đủ quy trình thì lúa nó đẹp hơn – 18s).
Còn tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, năm nay là năm thứ 2 người dân ở đây canh tác hữu cơ với giống lúa Bao Thai, đây là giống lúa đặc sản bản địa có tiếng. Mô hình được Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tư vấn đánh giá và hỗ trợ cấp chứng nhận hữu cơ.
Kết quả, đến vụ mùa năm nay, vùng trồng và sản phẩm gạo của mô hình tại xã Yên Phong đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia Việt Nam. Vùng trồng lúa hữu cơ tại xã Yên Phong cũng đã được cấp mã số vùng trồng. Năm nay sau khi trừ chi phí, 1ha trồng lúa hữu cơ bà con lãi 35 triệu đồng/vụ.
Cũng tại xã Yên Phong, vụ mùa năm nay, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn cũng mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích 30ha tại các thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Tấc, Nà Mạng, Khuổi Xỏm. Ông Nông Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết:
(Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ là mô hình mới của Yên Phong mà chúng tôi tổ chức triển khai từ năm 2022, đến tháng 6 năm 2023 được công nhận là sản phẩm hữu cơ. Cấp ủy chính quyền địa phương là chúng tôi cũng vào cuộc, cả hệ thống chính trị chúng tôi cũng tuyên truyền vận động nhân dân làm sao sản xuất theo hữu cơ là tất yếu trong giai đoạn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp – 23s)
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, ngày 20 tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1984 phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, tỉnh Bắc Kạn xác định đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt. Trong đó, vùng trồng lúa đạt chuẩn hữu cơ khoảng 100ha, đến năm 2030 đạt 165ha. Vùng trồng lúa hữu cơ sẽ tập trung ở các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Ba Bể. Những giống lúa chủ đạo để sản xuất hữu cơ là lúa Bao Thai, Japonica, Khẩu Nua Lếch.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ người dân xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, kinh phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đáng chú ý, địa phương này cũng sẽ dùng một phần ngân sách hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo hữu cơ.
Riêng năm 2023, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đang thực hiện 7 mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững với tổng diện tích 221ha. Các mô hình này triển khai tại các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Ngân Sơn.
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đánh giá, qua một thời gian triển khai, kết quả đạt được khả quan, năng suất khi chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ tăng so với canh tác thông thường, nông dân giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, bớt được chi phí phân bón. Ông Bình cho biết thêm:
(Với diện tích của Bắc Kạn mà việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn các địa phương khác và đặc biệt nguồn nước sử dụng tưới rất sạch. Nếu làm tốt khâu quảng bá mà có liên kết thì sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng đón nhận, muốn tăng giá trị chúng ta phải làm tốt khâu thực hiện quy trình chứng nhận, và một cái quan trọng nữa là có liên kết bao tiêu – 24s).
MC 1: Thưa quý vị và bà con, có thể thấy sau một thời gian dài chạy theo năng xuất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp thì hiện nay, phương pháp canh tác hướng về hữu cơ đang được áp dụng trở lại tại nước ta và hiện cũng đang là xu thế của canh tác nông nghiệp trên thế giới. Phương pháp canh tác hướng hữu cơ không những tạo ra sản phẩm an toàn mà còn tái tạo được độ phì nhiêu cho đất trồng và môi trường tự nhiên.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Thông tin tại Hội nghị sơ kết mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên cho biết, mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ mới thực hiện trên diện tích 7ha, chủ yếu tại Hợp tác xã Chè Nhật Thức, nhưng đã tạo ra sự lan tỏa rất lớn đối với người dân về phương thức sản xuất chè thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Qua đó, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững và hướng tới một nền nông nghiệp sạch. Bên cạnh xã Phục Linh, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai mô hình trên diện tích 40ha tại các huyện trong địa bàn tỉnh. Hộ dân tham gia được hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thảo mộc và tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Kết quả bước đầu cho thấy, giá chè hữu cơ được hợp tác xã và thương lái thua mua cao hơn 30% so với sản xuất truyền thống.
MC 2: tin 2
Từ năm 2022, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư làm nhà màng và đưa công nghệ vào sản xuất rau theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Trên diện tích 8ha đất vùng cát, HTX Hưng Loan sử dụng 4ha để trồng cây ăn quả và rau màu các loại. Với số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu đồng, HTX làm nhà màng để trồng dưa lưới, rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, các sản phẩm như dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng... đã cho HTX doanh thu trên 300 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan đã vươn ra khắp các tỉnh thành trong cả nước và được thị trường đánh giá cao.
MC 1: ttin 3
Còn tại tỉnh Kiên Giang, Nông nghiệp Radio được biết đến ông Lê Quốc Việt với mô hình sử dụng bèo hoa dâu thay phân hữu cơ cho lúa. Theo đó, tự tay canh tác 2,5ha lúa và liên kết với nông dân làm hàng chục ha lúa mùa nhưng ông Lê Quốc Việt, ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, không tốn bất cứ khoản chi phí đầu tư nào để mua phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ông vớt bèo hoa dâu về nhân giống rồi thả xuống ruộng cho chúng tự sinh sôi nảy nở, ken đặc trên mặt nước. Khi già, bèo hoa dâu sẽ tự chết đi, chìm xuống, phân hủy thành phân hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Vào cuối tháng 6 vừa qua, sau thời gian vận động, ông Việt đã tập hợp được 30 nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa mùa để thành lập Hợp tác xã Nông dân sáng tạo. Vụ lúa năm nay, các thành viên hợp tác xã đã ký hợp đồng sản xuất 22ha lúa mùa làm theo quy trình hữu cơ truyền thống.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Trồng lúa hữu cơ, cây khỏe, đất tốt, người vui vẻ
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó dồn lực hỗ trợ người nông dân thực hiện các mô hình trồng lúa hữu cơ quy mô nhỏ. Thành công bước đầu của mô hình sẽ là bàn đạp để mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.
Ngọc Tú
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.