Bản tin Lâm nghiệp ngày 30 tháng 10 năm 2023
Sinh viên với bảo tồn động vật hoang dã; Thị trường xuất khẩu gỗ có tín hiệu phục hồi; Chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng để trồng rừng; Tiềm năng lớn từ cây dược liệu Bắc Kạn; Hàng loạt hàng quán chiếm đất rừng trái phép.
Quỳnh Anh | 12:56 30/10/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 30 tháng 10 năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Sinh viên với Bảo tồn Động vật hoang dã
Thưa quý vị và bà con, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và phát huy vai trò của sinh viên trong việc cắt đứt chuỗi tiêu thụ thịt động vật hoang dã, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế vừa tổ chức tọa đàm ‘Sinh viên với Bảo tồnĐộng vật hoang dã’. Tại sự kiện, hơn 250 sinh viên trường Đại học Nông Lâm Huế đã được xem những thước phim, hình ảnh trực quan về nạn săn bắt, giết và tiêu thụ động ĐVHD, được các đại biểu là giảng viên, chuyên gia đầu ngành chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc cá nhân về ĐVHD và thiên nhiên cùng những câu chuyện thực hiện hành vi tốt để bảo vệ ĐVHD và tham gia tìm hiểu về đa dạng sinh học.
- Thị trường xuất khẩu gỗ có tín hiệu phục hồi
Trong lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, khoảng một tháng nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại tỉnh Bắc Giang đã đón đơn hàng "trở lại" sau một thời gian trầm lắng. Mặc dù còn nhiều khó khăn song đây là tín hiệu cho thấy thị trường tiêu thụ ấm dần, là dịp để các doanh nghiệp chớp thời cơ phục hồi tăng trưởng. Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: Thị trường gỗ dần khởi sắc trở lại là do nhu cầu một số nước đã mở cửa với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 1000 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ cả năm nay sẽ đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng.
-
Chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng để trồng rừng
Liên quan đến công tác trồng rừng tại các địa phương, hiện nay để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang chuẩn bị nguồn cây giống lâm nghiệp bảo đảm chất lượng để cung ứng giống cho vụ trồng rừng mới. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch, để từng bước nâng cao công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, thời gian qua, đơn vị chú trọng thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn giống đưa vào gieo ươm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ vườn ươm thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng cây giống khi xuất bán ra thị trường. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Quảng Trạch trồng mới 1.500ha rừng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã trồng mới được gần 1.000ha. Hiện, người dân địa phương đang bước tập trung bước vào vụ trồng rừng mới.
- Tiềm năng lớn từ cây dược liệu Bắc Kạn
Sở hữu gần 273.000ha rừng tự nhiên là tiềm năng lớn để Bắc Kạn trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Hiện nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 400ha cây dược liệu. Hầu hết đã được chế biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao như curcumin gừng, nghệ, tinh bột nghệ nếp đỏ, cao cà gai leo, trà mướp đắng rừng, trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, dầu hồi, dầu quế… Hướng tới mục tiêu trở thành thủ phủ trồng cây dược liệu trong tương lai gần, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn chủ trương mở rộng diện tích cây khôi nhung, chè hoa vàng, thảo quả, cát sâm, ba kích, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, khôi tía dưới tán rừng. Bên cạnh đó, thu hút các hợp tác xã đầu tư vào những khu vực rừng có độ cao lớn, khí hậu mát, ẩm tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn.
- Hàng loạt hàng quán chiếm đất rừng trái phép trên đèo Ngoạn Mục
Còn với những vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, thưa quý vị, Phòng Quản lý đường bộ IV.1 huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với UBND huyện Ninh Sơn, Ban quản lý rừng Krông Pha và đơn vị quản lý bảo trì tuyến quốc lộ 27 kiểm tra, xử lý công trình xây dựng lấn chiếm đất lâm nghiệp và hành lang đường bộ trên đèo Ngoạn Mục, quốc lộ 27 qua Ninh Thuận. Trước đó, cuối năm 2022, đơn vị đã phối hợp giải tỏa các vật dụng buôn bán, ô dù, mái che, biển hiệu… lắp đặt trái phép trong phạm vi đất của đường bộ, vi phạm lòng lề đường trên quốc lộ 27 nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Qua những đợt kiểm tra gần đây, đoàn công tác tiếp tục phát hiện nhiều công trình, lều quán lắp đặt trái phép trên đèo Ngoạn Mục và đã cho tháo dỡ 16 lều quán, mái che, 12 khung sắt chôn trụ căng bạt, lập biên bản 6 trường hợp.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 30 tháng 10 năm 2023
Sinh viên với bảo tồn động vật hoang dã; Thị trường xuất khẩu gỗ có tín hiệu phục hồi; Chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng để trồng rừng; Tiềm năng lớn từ cây dược liệu Bắc Kạn; Hàng loạt hàng quán chiếm đất rừng trái phép.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.