Bản tin Lâm nghiệp ngày 31 tháng 10 năm 2023
Trồng rừng ngập mặn bảo vệ các tuyến đê biển; Quảng Nam hình thành hệ thống vườn ươm giống lâm nghiệp quy mô lớn; Lập bản đồ sử dụng đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng; An Giang đặt mục tiêu trồng thêm hơn 5,2 triệu cây xanh; Hà Tĩnh: Tiến độ trồng rừng năm 2023 còn chậm.
Quỳnh Anh | 14:21 31/10/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 31 tháng 10 năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Trồng rừng ngập mặn bảo vệ các tuyến đê biển
Thưa quý vị và bà con, hưởng ứng phong trào "Trồng một tỷ cây xanh vì Việt Nam xanh", hoạt động trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển tại tỉnh Ninh Bình đang được thực hiện quy củ, gắn với trách nhiệm của các cấp chính quyền và sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ NN-PTNT cùng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, tiến hành trồng hàng trăm ha rừng ngập mặn. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Ninh Bình, hiện vùng biển Kim Sơn của tỉnh đã trồng được khoảng 615 ha rừng ngập mặn. Từ đó, giúp phát huy hiệu quả rừng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
-
Quảng Nam hình thành hệ thống vườn ươm giống lâm nghiệp quy mô lớn
Tại tỉnh Quảng Nam, quế Trà My từng được vinh danh “Cao Sơn Ngọc Quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng, có giá trị cao so với các loại quế khác. Từ lâu, cây quế Trà My đã gắn liền với đời sống các dân tộc của hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, quế Trà My đã vượt qua nguy cơ lai tạp, bảo tồn được nguồn gen, duy trì chất lượng và giá trị giống quế đặc chủng Quảng Nam. Huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác trồng quế. Nhờ đó, vườn ươm quế giống của các doanh nghiệp, HTX kết hợp với các vườn ươm giống cây lâm nghiệp và vườn ươm của hàng chục hộ gia đình trên địa bàn đã tạo thành một hệ thống vườn ươm tại chỗ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
- Lập bản đồ sử dụng đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng
Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiện nay BQL rừng phòng hộ Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa được giao quản lý, sử dụng trên 16.500 ha rừng, trong đó phần lớn là rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng sản xuất. Ngoài các yếu tố khách quan do thời tiết, hơn 1.000 ha rừng nứa, vầu trên địa bàn quản lý đã đến chu kỳ thoái hóa, có khả năng chết hàng loạt, một số diện tích rừng hỗn giao gỗ, nứa, nguy cơ cháy cao. Nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà, sửa nhà,... của người dân trên địa bàn ngày càng cao gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, BQL rừng phòng hộ Quan Sơn đã xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, rừng được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, phù hợp tiêu chí quy định.
- An Giang đặt mục tiêu trồng thêm hơn 5,2 triệu cây xanh
Đối với lĩnh vực trồng rừng, Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng bản đồ số hóa đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng bổ sung nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vùng đồi núi tỉnh An Giang giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tập trung bảo vệ và phát triển rừng tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vùng đồi núi của tỉnh, xác định ranh giới, cắm mốc 2 loại rừng phòng hộ và đặc dụng. Địa phương tiếp tục trồng cây lâm nghiệp phân tán để tạo vành đai rừng phòng hộ cho đồng ruộng, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông, ngư nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh trồng thêm hơn 5,2 triệu cây xanh, tương đương diện tích trên 5.200ha.
- Hà Tĩnh: Tiến độ trồng rừng năm 2023 còn chậm
Còn tại Hà Tĩnh, theo kế hoạch trồng mới rừng tập trung năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ trồng hơn 9.600 ha và trên 3 triệu cây phân tán, chủ yếu ở các huyện có lợi thế về lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, địa phương mới trồng gần 5.000 ha rừng tập trung và 2 triệu cây phân tán, tương đương hơn 50% và gần 70% kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các địa phương, chủ rừng cần tranh thủ những ngày trời không mưa, bố trí cây giống đảm bảo chất lượng, thuê nhân công dọn thực bì, đào hố, trồng mới nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 31 tháng 10 năm 2023
Trồng rừng ngập mặn bảo vệ các tuyến đê biển; Quảng Nam hình thành hệ thống vườn ươm giống lâm nghiệp quy mô lớn; Lập bản đồ sử dụng đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng; An Giang đặt mục tiêu trồng thêm hơn 5,2 triệu cây xanh; Hà Tĩnh: Tiến độ trồng rừng năm 2023 còn chậm.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.