Bản tin Lâm nghiệp ngày 5/12/2023: Hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
Thúc đẩy hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Đầu tư hệ thống đường giao thông phục vụ bảo vệ rừng; Cải cách hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Quỳnh Anh | 14:33 05/12/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 5/12/2023: Hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Thúc đẩy hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
Thưa quý vị và bà con, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Hội hữu nghị Việt Nam - Phần Lan và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức ngày hội trồng cây nhân kỷ niệm 106 năm Ngày Độc lập Cộng hòa Phần Lan và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan. Theo đó, các đại biểu tham dự sự kiện cam kết tiếp tục hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện để thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực có thế mạnh là bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Nhân dịp này, các đại biểu đã cùng trồng 106 cây trong khuôn viên Bảo tàng Cúc Phương. Đây là con số tượng trưng cho 106 năm Ngày độc lập Cộng hòa Phần Lan.
- Đầu tư hệ thống đường giao thông phục vụ bảo vệ rừng
Về hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, thưa quý vị, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Một số hạng mục đầu tư của đề án như: Đầu tư khu Trung tâm hành chính và cải tạo khuôn viên Trụ sở văn phòng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển 5 điểm tham quan, du lịch, kết nối các điểm du lịch tạo thành 9 tuyến du lịch nội vi, 7 tuyến kết nối liên vùng, 5 tuyến chạy marathon băng rừng. Đầu tư hệ thống đường giao thông nội bộ kết nối các điểm tham quan, du lịch trong khu vực, hệ thống đường mòn, đường lâm nghiệp phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng, kết hợp sử dụng làm đường trải nghiệm cho du khách.
- Hàng nghìn ha đất thuộc các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ bị bỏ hoang
Còn tại tỉnh Quảng Trị, do không có nguồn lực đầu tư trồng rừng và vướng mắc về pháp lý trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hiện nay, hàng nghìn ha đất sản xuất ở Quảng Trị thuộc các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ, khu bảo tồn quản lý đang bị bỏ hoang. Điển hình như với Ban quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, hiện 350ha đất sản xuất do Ban quản lý đang bị bỏ trống, gây lãng phí và phát sinh nhiều hệ lụy. Tương tự, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Bến Hải hiện cũng có hơn 400ha đất rừng sản xuất đang bị bỏ trống. Thực trạng đất rừng bị bỏ trống nhiều năm qua gây lãng phí, tốn kém nguồn nhân lực hàng ngày phải tuần tra, bảo vệ, đặc biệt là phát sinh nhiều vụ lấn chiếm đất rừng, nảy sinh tranh chấp, giải quyết khó khăn.
- Lào Cai hỗ trợ nông dân phòng, trừ sâu bệnh hại quế
Đối với các diện tích phục vụ bà con phát triển kinh tế lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có hơn 530 ha quế bị sâu gây hại. Để trừ sâu bệnh, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã kiểm tra thực địa và tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, trừ và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho chủ rừng phun kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Đối với những đồi quế hơn 6 năm tuổi không thể phun thủ công, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái. Bên cạnh đó, trước tình trạng sâu, bệnh hại quế lây lan nhanh tại các địa phương, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình để hỗ trợ thuốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ.
-
Cải cách hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp
Cuối cùng là thông tin về lĩnh vực cải cách hành chính trong lâm nghiệp, Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, trong năm 2023, đơn vị này đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về cải cách hành chính của Chính phủ, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Bình Định. Đồng thời, đề ra kế hoạch thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, quản lý công chức của đơn vị. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Bình Định chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng giải quyết trễ hạn hồ sơ thủ tục hành chính trong năm 2023. Chi cục Kiểm lâm thường xuyên rà soát các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 để đôn đốc hoàn thành 100% theo kế hoạch.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 5/12/2023: Hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
Thúc đẩy hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Đầu tư hệ thống đường giao thông phục vụ bảo vệ rừng; Cải cách hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.
Từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi cao hơn 350mm.