Bản tin Lâm nghiệp ngày 6/11/2023: Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh
Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh; Gần 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại Tây Nguyên; Cùng đồng bào Xê Đăng bảo vệ rừng; Trên 300 hộ gia đình đăng kí nhận khoán bảo vệ rừng; Chế biến lâm sản tại một huyện tăng 104%.
Quỳnh Anh | 15:28 06/11/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 6/11/2023: Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh
Thưa quý vị và bà con, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu– EU vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với sự thay đổi, trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây là cơ hội để cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, tới lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.
-
Gần 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại Tây Nguyên
Liên quan tới tin tức về những vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, thưa quý vị, những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ nhưng Tây Nguyên vẫn là "điểm nóng" về phá rừng, lấn chiếm và tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật của nước ta. Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, 10 tháng đầu năm nay, khu vực Tây Nguyên phát hiện gần 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tính chung khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, 10 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong toàn vùng, trừ Ninh Thuận và Bình Thuận, đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ gần 2.500 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm hơn 800 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Thiệt hại do lấn chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật là gần 390 ha và thiệt hại do cháy rừng là trên 245 ha.
- Cùng đồng bào Xê Đăng bảo vệ rừng
Cũng tại khu vực Tây Nguyên nhưng ở riêng huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thì công tác bảo vệ rừng đã có chuyển biết tích cực hơn do nhận được sự đồng hành từ bà con dân tộc Xê Đăng sống gần rừng. Theo đó, rừng chiếm khoảng 80% diện tích đất ở huyện Kon Plông và trước kia, đồng bào dân tộc Xê Đăng nơi đây có tập tục du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, khiến diện tích rừng giảm nhiều. Nhưng xác định việc giữ rừng phụ thuộc rất nhiều vào đồng bào dân tộc Xê Đăng đang cư trú gần rừng, nên lực lượng chức năng huyện Kon Plong đã chỉ phổ biến, giải thích cho bà con về các chính sách và pháp luật trong lâm nghiệp, đồng thời, trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng bà con trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Công tác tuyên truyền được đổi mới về nội dung, ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó đã tạo sinh kế, góp phần nâng cao đời sống cho bà con, hạn chế và ngăn chặn những tác động vào rừng tự nhiên.
- Trên 300 hộ gia đình đăng kí nhận khoán bảo vệ rừng
Trong những giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững, nhận khoán bảo vệ rừng đang là nội dung được nhiều địa phương quan tâm thực hiện và có sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Tại tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, địa phương đang tích cực triển khai tiểu dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tính đến giữa tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách với tổng diện tích lập hồ sơ thiết kế, dự toán giao khoán bảo vệ rừng gần 9.500ha. Dự kiến trong năm 2024, diện tích giao khoán bảo vệ rừng cũng tương tự, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng gần 3,8 tỷ đồng.
- Chế biến lâm sản tại một huyện tăng 104%
Còn với lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản, từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng lâm sản các loại đã qua kiểm tra, giám sát và được cấp phép khai thác trên địa huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đạt gần 52.000m3, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Về chế biến lâm sản trên địa bàn huyện trong 10 tháng qua đạt trên 57.400m3, tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tổng khối lượng gỗ xuất các loại quy tròn đạt gần 52.000m3, tăng 85%. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động vận chuyển, khai thác, chế biến lâm sản, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, tịch thu gần 4.400m3, tạm giữ trên 13.800m3 gỗ thông thường quy tròn. Cơ quan chức năng đã tham mưu xử phạt 1 vụ và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách Nhà nước trên 28 triệu đồng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 6/11/2023: Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh
Chống phá rừng là xu thế trong tăng trưởng xanh; Gần 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại Tây Nguyên; Cùng đồng bào Xê Đăng bảo vệ rừng; Trên 300 hộ gia đình đăng kí nhận khoán bảo vệ rừng; Chế biến lâm sản tại một huyện tăng 104%.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hỗ trợ khắc phục thiên tai được thực hiện ngay khi bão chưa tan; ‘Thủ phủ’ củ đậu của Hải Dương giảm 50% sản lượng; TP. Cần Thơ chỉ còn gần 0,1% hộ nghèo.
Đợt không khí lạnh này được dự báo là khá mạnh, sẽ tăng cường dồn dập trong những ngày tới.