Bản tin Thủy sản ngày 13/11/2023: Di dời lồng bè cá để thi công cầu

Di dời lồng bè cá để thi công cầu Thống Nhất; Quảng Ngãi đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển ven bờ; Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa; Tạo liên kết để phát triển nghề nuôi hàu bền vững; Mù Cang Chải có 500 ha nuôi cá chép ruộng.

Quỳnh Anh  | 12:00 13/11/2023

Bản tin Thủy sản ngày 13/11/2023: Di dời lồng bè cá để thi công cầu

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 13/11/2023: Di dời lồng bè cá để thi công cầu

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Di dời lồng, bè cá để thi công cầu Thống Nhất

Thưa quý vị và bà con, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các bên liên quan di dời 260 lồng bè nuôi cá của 20 hộ trong phạm vi triển khai xây dựng cầu Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh xử lý. Dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15/11. Sau khi di dời đến nơi mới, các hộ vẫn có thể tiếp tục nuôi cá lồng, bè. Được biết, cầu Thống Nhất và đường dẫn 2 đầu cầu là hạng mục quan trọng nhất của dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được khởi công vào tháng 1. Tuy nhiên khoảng 10 tháng qua, việc thi công cầu bị đình trệ do phạm vi triển khai cầu có hơn 260 lồng, bè cá khiến các phương tiện thi công không thể tiếp cận công trường.

  • Quảng Ngãi đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển ven bờ

Đối với hoạt động khai thác trên biển, thưa quý vị, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ đang bị khai thác quá mức, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi vừa có đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển ven bờ, với quy mô diện tích khoảng gần 35.500ha, chiếm trên 12% diện tích vùng biển ven bờ. Theo đó, 5 khu vực ven bờ được Quảng Ngãi xác định cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm: vùng ven bờ Bình Phú - Bình Châu; vùng ven bờ Tịnh Khê - Nghĩa An; vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu; vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ.

  • Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa

Còn tại Cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thì những ngày này lại tấp nập tàu cá hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa cập bờ bán sản phẩm và lấy nguyên vật liệu cho chuyến biển tiếp theo, tàu nào cũng đầy ắp. Theo nhiều ngư dân, thời tiết đã chuyển sang mùa Đông, cũng là mùa cá ngừ sọc dưa xuất hiện dày tại vùng biển khơi, sản lượng năm nay khá hơn mọi năm. Đây là mùa vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Hiện giá bán cá ngừ sọc dưa dao động từ 30 – 32 nghìn đồng một kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động trên các tàu thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng với 1 chuyến biển kéo dài 20 – 25 ngày, ngư dân đều phấn khởi.

  • Tạo liên kết để phát triển nghề nuôi hàu bền vững

Trong lĩnh vực nuôi trồng, nghề nuôi hải sản lồng bè đã hình thành và phát triển tại xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu suốt hơn 20 năm qua. Đến nay, trên toàn xã có trên 300 cơ sở nuôi lồng bè, với hơn 13.500 lồng nuôi, sản lượng hải sản nuôi đạt từ 15.000 - 20.000 tấn/năm, trong đó, chiếm đa số là hàu. Nuôi hàu đã trở thành nghề truyền thống của xã đảo Long Sơn và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, nghề nuôi hàu ở đây vẫn tiềm ẩn những yếu tố không bền vững, thiếu ổn định do chưa có sự liên kết, chưa hình thành chuỗi giá trị, mạnh ai nấy làm… Do đó, khoảng 1 năm trước, HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn được thành lập và hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp bà con ổn định đầu vào, đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi hàu, tạo liên kết bền vững để phát triển thương hiệu hàu Long Sơn.

  • Mù Cang Chải có 500 ha nuôi cá chép ruộng

Cũng liên quan tới các hoạt động nuôi trồng thủy sản nhưng với đối tượng nuôi là các loại cá nước ngọt, tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, những năm qua, địa phương này đã tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn nuôi cá ruộng, vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập. Giống nuôi chủ yếu là cá chép. Thời gian thả cá bắt đầu từ tháng 5, tháng 6, khi cây lúa hồi xanh. Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi lúa bước vào giai đoạn chín, người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và cũng là thời điểm thu hoạch cá. Nhận thấy việc nuôi cá trên ruộng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải đã tham mưu UBND huyện có chính sách khuyến khích đồng bào phát triển và mở rộng quy mô canh tác lúa – cá, đến nay, toàn huyện đã có 500 ha nuôi cá ruộng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 13/11/2023: Di dời lồng bè cá để thi công cầu

Di dời lồng bè cá để thi công cầu Thống Nhất; Quảng Ngãi đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển ven bờ; Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa; Tạo liên kết để phát triển nghề nuôi hàu bền vững; Mù Cang Chải có 500 ha nuôi cá chép ruộng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời sự

Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'
Thời sự

Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'