Bản tin Thủy sản ngày 14/11/2023: Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu
Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu; Quảng Ninh cơ bản hoàn thành xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản; Nuôi tôm trong bể xi măng, độ an toàn dịch bệnh đảm bảo tới 80%; Nuôi cua trong hộp nhựa, doanh thu mỗi tháng 200 triệu đồng; Giá tôm bật tăng trở lại.
Quỳnh Anh | 11:34 14/11/2023
Bản tin Thủy sản ngày 14/11/2023: Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu
Thưa quý vị và bà con, Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức thả 1,5 triệu con giống tôm và cua tại Cảng biển Trần Đề, khu vực nằm ở cửa sông Hậu, ven biển 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã chủ trì, phối hợp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và TP Cần Thơ tổ chức 4 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu và vùng ven biển ĐBSCL, với hơn 16 tấn cá, 5 triệu con tôm, cua, cá các loại về môi trường tự nhiên. Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh đã tổ chức 5 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi, với trên 6 triệu con tôm sú giống và các loài thủy sản.
- Quảng Ninh cơ bản hoàn thành xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản
Đối với công tác bảo vệ môi trường biển, sau gần 3 năm triển khai chủ trương ‘xóa sổ’ phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, đến thời điểm này, việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường tại tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành, đạt 99,5% trên địa bàn toàn tỉnh. Được biết, số phao xốp còn lại chủ yếu là ở những bè đang trong quá trình nuôi thủy sản chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Khi người dân thu hoạch xong sẽ tiến hành thay thế hoàn toàn. Nhằm giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ khẩn trương lập đề án nuôi biển, đề nghị cấp có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định gắn với thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi vật liệu nổi và cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản.
-
Nuôi tôm trong bể xin măng, độ an toàn dịch bệnh đảm bảo tới 80%
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nối tiếp thành công của dự án nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh và nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn với công nghệ lót bạt, Trường Đại học Trà Vinh đang thí điểm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, được thực hiện hoàn toàn trong nhà kính từ giai đoạn ương nuôi ấu trùng đến khi thu hoạch. Quy trình nuôi tôm trong bể xi măng, sử dụng máy thổi nước phối trộn theo công nghệ châu Âu và cho tôm ăn hoàn toàn bằng thảo dược giúp người nuôi giảm khoảng 20% chi phí thức ăn. Tôm nuôi phát triển nhanh, đến khoảng 50 ngày sẽ đạt 100 con/kg, độ an toàn dịch bệnh được đảm bảo đến 80%. Tuy nhiên, mô hình này chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn nuôi tôm ngoài trời từ 30 – 40% nhưng thời gian sử dụng kính và bể xi măng lên đến từ 10 - 15 năm và theo nghiên cứu, mô hình nuôi này có thể đạt tỷ lệ thành công đến 95%.
- Nuôi cua trong hộp nhựa, doanh thu mỗi tháng 200 triệu đồng
Cũng là những mô hình nuôi trồng thủy sản mới, giữa năm 2023, tổ hợp tác Hà Hoàng, ở xã Thạch Hạ lần đầu tiên đưa mô hình nuôi cua trong hộp nhựa về triển khai trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Chủ mô hình đã đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn, lắp đặt hơn 1.000 khay nhựa để thả giống. Kết quả cho thấy, cua nuôi trong hộp nhựa tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thấp, rút ngắn thời gian nuôi từ 7 – 8 tháng so với người dân thả nuôi ngoài môi trường tự nhiên, chất lượng thịt cua sạch và chắc hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi tháng mô hình cho thu hoạch được khoảng 4 tạ, với giá cua bình quân 500.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 200 triệu đồng.
- Gía tôm bật tăng trở lại
Còn với những tin tức về thị trường, thưa quý vị, sau gần 1 năm duy trì ở mức khá thấp, từ đầu tháng 11 đến nay, giá tôm sú và tôm thẻ nguyên liệu ở Kiên Giang đã tăng trở lại. Trong đó, có loại tăng gần 100.000 đồng/kg. Tại huyện Vĩnh Thuận, so với thời điểm từ cuối tháng 10 trở về trước, tôm sú oxy cỡ 20 con/kg tăng 90.000 đồng/kg, tôm cỡ 30 con tăng trên 40.000 đồng/kg. Còn với tôm thẻ ôxy, giá cũng tăng khoảng 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tôm tăng là do từ tháng 8, nông dân đã bước vào thu hoạch tôm chính vụ nên lượng tôm nguyên liệu đến cỡ bán không nhiều. Với nguồn cung có phần khan hiếm như hiện nay, rất có khả năng, giá tôm sú, tôm thẻ sẽ duy trì ở mức giá hiện tại, hoặc có thể tăng cao hơn trong những tháng cuối năm do cầu thị trường trong nước cũng như các quốc gia nhập khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh vào dịp Tết.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 14/11/2023: Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu
Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu; Quảng Ninh cơ bản hoàn thành xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản; Nuôi tôm trong bể xi măng, độ an toàn dịch bệnh đảm bảo tới 80%; Nuôi cua trong hộp nhựa, doanh thu mỗi tháng 200 triệu đồng; Giá tôm bật tăng trở lại.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.