Bản tin Thủy sản ngày 20/11/2023: Di sản nghề làm tôm khô Cà Mau
Nghề làm tôm khô Cà Mau được công nhận là di sản quốc gia; Mưu sinh mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; Tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng cá tra; Khẳng định thương hiệu cá sông Đà; Nuôi ba ba và cua đinh lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm.
Quỳnh Anh | 12:15 20/11/2023
Bản tin Thủy sản ngày 20/11/2023: Di sản nghề làm tôm khô Cà Mau
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Nghề làm tôm khô ở Cà Mau được công nhận di sản quốc gia
Thưa quý vị và bà con, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định đưa nghề thủ công truyền thống làm tôm khô truyền thống ở Cà Mau vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề làm tôm khô ở Cà Mau đã có có từ rất lâu và phát triển mạnh dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào, nhất là ở các huyện có thế mạnh nuôi tôm dưới tán rừng của Cà Mau như: Ngọc Hiển, Năm Căn. Hiện nghề này góp phần ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người dân địa phương, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn tôm khô, trong đó có nhiều sản phẩm giá trị cao.
-
Mưu sinh mùa lũ ở đồng bằng
Tại ĐBSCL, đỉnh lũ năm nay dưới báo động 1 - mức rất thấp so với nhiều năm qua. Lũ thấp đã kéo theo nguồn lợi thủy sản sụt giảm, làm cho hàng loạt hộ dân "mưu sinh mùa lũ" ở các tỉnh vùng ÐBSCL gặp khó khăn. Không chỉ sản lượng thấp, giá các loại cá khai thác mùa lũ cũng không còn cao như trước. Theo người dân trong vùng, thời điểm đầu mùa lũ, cá linh bán cho thương lái được 30.000 đồng/kg nhưng đến nay giảm còn 17.000 đồng/kg, cá chạch khoảng 140.000 đồng/kg, còn các loại cá tạp bán làm cá mồi chỉ 5.000 đồng/kg… Hôm nào nhiều cá, gia đình 2 người khai thác có thể bán được khoảng 600.000-700.000 đồng, còn bình thường chỉ 400.000 đồng/ngày, tạm đủ sống.
-
Tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng cá tra
Đến với tin tức về hoạt động nuôi trồng thủy sản, thưa quý vị, An Giang là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu với diện tích nuôi hằng năm gần 2.000ha, cho sản lượng đạt trên 400.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến, công suất chế biến đạt hơn 320.000 tấn/năm. Riêng năm 2022, mặc dù vừa bước ra khỏi dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu 162.000 tấn cá tra, thu 380 triệu USD. Thông qua những số liệu này có thể thấy, ngành hàng cá tra vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ở địa phương này. Trước hết là diện tích nuôi gần cán mức 2.000ha, trong khi công suất chế biến của 23 nhà máy mới chỉ đạt phân nửa công suất thiết kế.
- Khẳng định thương hiệu cá sông Đà
Còn ở vùng núi phía Bắc, hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 5.000 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Hòa Bình, với gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP… Đến nay, có 2 sản phẩm cá và chế biến từ cá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, thương hiệu cá, tôm sông Đà cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá Sông Đà - Hòa Bình", "Tôm Sông Đà - Hòa Bình". Thời gian tới, để có thêm nhiều sản phẩm cá lồng đạt tiêu chuẩn OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định.
- Nuôi ba ba và cua đinh lợi nhuận nhuận cả tỷ đồng mỗi năm
Trong những mô hình nuôi thủy sản mới, Nông nghiệp radio được biết tới trang trại nuôi cua đinh và ba ba của bà Trương Ánh Nguyệt ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Mô hình rộng 1,5 ha, chia thành nhiều khu như: khu nuôi thương phẩm, khu sinh sản và khu nuôi con giống. Mỗi năm, trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 con cua đinh đủ loại và 2 tấn ba ba, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, ba ba và cua đinh tại trang trại xuất bán chủ yếu tại các quán ăn, nhà hàng khu vực ĐBSCL và TP.HCM.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 20/11/2023: Di sản nghề làm tôm khô Cà Mau
Nghề làm tôm khô Cà Mau được công nhận là di sản quốc gia; Mưu sinh mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; Tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng cá tra; Khẳng định thương hiệu cá sông Đà; Nuôi ba ba và cua đinh lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.