“Chuyện thầy trò” không thuộc thể loại đề cao tính sáng tác văn chương. “Chuyện thầy trò” đơn giản là những ký sự người thật việc thật, nhưng mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho người đọc. Bởi lẽ, “Chuyện thầy trò” chứng minh hình ảnh cao đẹp của người thầy vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay.
Là hai nhà báo có thâm niên theo dõi mảng giáo dục, cho nên Chu Hồng Vân và Hoàng Hương gặp gỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện rung động về tình thầy trò. Nghề giáo chẳng phải một công việc mưu sinh bình thường và càng không thể tầm thường, vì “hành trình gắn bó với nghề của người thầy như những dòng suối nhỏ, thầm lặng, len lỏi qua sỏi đá gập ghềnh, nhưng mát lành và ngọt ngào. Muôn vàn những dòng suối nhỏ đó cùng hợp chảy về biển lớn của một nghề: nghề thầy.”
Trong “Chuyện thầy trò”, người thầy tận tụy và yêu thương đã mang lại những ký ức không quên cho học trò. Thậm chí, tấm lòng và nỗ lực từ người thầy đã giúp thay đổi số phận của nhiều học trò.
Với Hùng, “Cô Hồng Liên là người thầy đầu tiên giúp cậu nhìn thấy vẻ đẹp của văn chương và nắm lấy những giá trị của bản thân mà trước đây Hùng không biết”.
Với Vinh, “Ký ức về thầy là khoảng tươi sáng xua đi những u tối trong một quãng đời tôi đã trải qua.”
Với Hoài Thương, cô học trò nhút nhát, cứ bị gọi lên bảng là run như cầy sấy, nhưng cô giáo đã phát hiện ra tiềm năng của Hoài Thương và giúp cô tỏa sáng: “Nhờ cô Mai mà tôi trở thành một con người khác hẳn: hoạt bát, năng động, tự tin, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới chứ không co ro, sợ hãi trong vỏ ốc của mình như ngày xưa. Nhờ cô Mai mà tôi trở thành thủ lĩnh sinh viên trong suốt bốn năm học đại học. Nhờ cô Mai mà tôi tự tin đi thi rồi đậu học bổng ra nước ngoài du học bậc cao học. Tôi đã và đang sống một cuộc đời đáng sống với tinh thần tiến công, dám nghĩ dám làm.”
Hay là với Hiếu, cậu học trò tiểu học nhà nghèo, sống với bà ngoại, không biết ba mình là ai, và chỉ gặp mẹ qua những tấm hình bà ngoại còn giữ, thì cô giáo chính là một thiên thần. Cô đã đến đón cậu đi học hằng ngày bằng xe đạp, không chỉ dạy cậu trên lớp, cô dạy cả nhiều điều về cuộc đời khi chở cậu sau xe. Cô theo suốt chặng đường học hành và lớn lên của cậu. Tốt nghiệp cấp hai, cô hướng cậu vào một trường nghề.
Cho nên, “Trong buổi lễ tốt nghiệp ở trường trung cấp nghề, Hiếu vội vàng chạy xuống chỗ cô. Nước mắt cậu trào ra: “Cô ơi, con xin được gọi cô là mẹ được không cô?”. Hiếu hỏi, nhưng thực ra không cần cô trả lời. Trong lòng cậu, cô đã thực sự là mẹ. Những gì cô Hòa làm cho Hiếu ngay từ ngày đầu cậu leo lên xe để cô chở về nhà, chỉ có thể là một người mẹ”
“Chuyện thầy trò” cũng ghi chép lại câu chuyện mà những người thầy kể về các tình huống đặc biệt họ gặp trong nghề sư phạm, mà trong những tình huống ấy, lương tâm, lòng trắc ẩn và sự tinh tế đã giúp họ có những hành xử đúng đắn, có ý nghĩa với học trò.
Ví dụ, một cô giáo đến dạy ở một ngôi trường mới mà chỉ coi đó như một trạm trung chuyển để đi tiếp, nhưng những bài giảng hấp dẫn của cô đã khiến lũ học trò yêu mến, đón đợi, khiến cô đã quyết định không rời đi nữa.
Hay như, thầy Chính phát hiện ra một cậu học trò cứ đến tiến năm là trở nên cáu kỉnh, mất kiểm soát, ném sách vào bạn và văng tục. Thầy đã không thể làm ngơ mà cố gắng tìm hiểu, để rồi phát hiện ra, vì bố mẹ cậu ly hôn và cậu ở với bố, nhưng bố cấm hai mẹ con gặp nhau nên mẹ hay tìm đến trường vào giờ tan học để được gặp cậu, cậu không thể bình tĩnh vào những tiết học cuối... Khi đó thầy giáo đã làm nhiều cách để hỗ trợ cậu bé vượt qua giai đoạn khó khăn.
Qua những trang sách “Chuyện thầy trò” cũng bắt gặp nhiều chân dung người thầy đặc biệt. Như người thầy sáng tạo bài giảng bất chấp bị mang tiếng là “thích chơi trội”. Như người thầy mở một ngôi trường dành cho những học sinh cá biệt “không còn chỗ nào để đi”, hay những người thầy “vác rá đi xin cơm” cho học sinh ở một ngôi trường miền núi hẻo lánh.
Hai tác giả Chu Hồng Vân và Hoàng Hương đã có một hành trình hơn hai thập kỷ để quan sát, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của nghề giáo. Và họ viết chung cuốn sách “Chuyện thầy trò” để gửi gắm: “Giáo dục là con đường nhọc nhằn. Thực sự nhọc nhằn. Nhưng cũng hạnh phúc. Ở đâu đó, người ta nói nhiều về những chuyện tiêu cực trong nghề giáo, những chuyện xấu xí của học đường để bi quan, để chê trách. Nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào những điều tử tế trong giáo dục”.