Bản tin Thủy sản ngày 20/2/2024: Phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản biển

Nỗ lực phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển Việt Nam; Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1; Nông dân vào vụ thả giống nuôi tôm nước lợ.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Thủy sản ngày 20/2/2024: Phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản biển

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 20/2/2024: Phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản biển

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Nỗ lực phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển Việt Nam

Thưa quý vị và bà con, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Chương trình đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở biển Việt Nam, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm tại các tỉnh, thành phố ven biển. 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với giai đoạn 2016 - 2020. 100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển theo Quy hoạch được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật.

  • Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1

Về xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm ngoái do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm nay, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ tăng 10 – 15% so với năm ngoái, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

  • Xử lý nghiêm tàu cá cố tình vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm vềkhai thác thủy sản, năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 296 tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. Lực lượng Biên phòng đã xử phạt 7 tàu cá với số tiền 170 triệu đồng về hành vi không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng khi hoạt động trên biển. Tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tháng 1/2024, địa phương ghi nhận 47 tàu vi phạm lỗi tương tự. Do đó, UBND tỉnh và ngành thủy sản Nghệ An đã lên phương án cụ thể để khắc phục. Đối với nhóm tàu vi phạm trong năm 2023, yêu cầu UBND các huyện, thị tiến hành rà soát hồ sơ, ra quyết định xử phạt dứt điểm các trường hợp còn thời hạn, thời hiệu, báo cáo UBND tỉnh trước 26/3/2024. Đối tàu mất kết nối năm 2024, UBND tỉnh giao lực lượng Biên phòng chủ trì, kiểm tra, xác minh, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý.

  • Ngư dân bãi ngang Quảng Bình thu tiền triệu từ vụ cá trích

Với hoạt động khai thác, từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, ngư dân vùng biễn bãi ngang Quảng Bình đã có những chuyến biển đầu tiên để mong may mắn cho cả năm. Những ngày này, thuyền về bến đều được nhiều cá trích. Ngư dân thường ra khơi vào lúc 2-3 giờ sáng. Khi ra vùng lộng, cách bờ từ 5- 7 hải lý thì thả lưới. Đến rạng sáng bà con thu lưới. Mỗi thuyền đi khai thác biển có 2-3 người. Mỗi chuyến biển cũng có sản lượng từ 2-3 tạ cá trích lớn. Hiện, thương lái thu mua cá trích tại bờ biển từ 12.000 – 17.000 đồng/kg. Mỗi chuyến biển, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ngư dân cũng có thu nhập trên 1 triệu đồng.

  • Nông dân tất bật vào vụ thả giống nuôi tôm nước lợ

Còn trong lĩnh vực nuôi trồng, ngay sau những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã vào vụ thả giống nuôi tôm nước lợ, Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024, tỉnh có kế hoạch thả nuôi diện tích 136.000 ha, sản lượng thu hoạch tôm các loại đạt 130.000 tấn. Đến cuối tháng 1, nông dân trong tỉnh mới xuống giống được trên 13.000 ha tôm nuôi, trong đó nuôi thâm canh công nghiệp được 518 ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến hơn 9.000 ha, còn lại là nuôi tôm - lúa. Do đó, thời điểm tháng 2 và đầu tháng 3, nông dân sẽ tập trung thả giống, đảm bảo hoàn thành kế hoạch diện tích nuôi tôm nước lợ cũng như sản lượng thu hoạch.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 20/2/2024: Phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản biển

Nỗ lực phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển Việt Nam; Xuất khẩu thủy sản tăng hơn 60% trong tháng 1; Nông dân vào vụ thả giống nuôi tôm nước lợ.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã
Thời sự

Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã; Việt Nam phát triển nuôi biển theo 4 vùng chính; Cua nuôi thiệt hại - Nông dân khó khăn.

Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã