Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Quỳnh Anh  | 16:09 03/05/2024

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì

Thưa quý vị và bà con, trong những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, 15 vụ cháy rừng đã xảy ra làm cháy trên 260 ha rừng các loại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Trong đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè, vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

  • Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha

Cũng liên quan tới lĩnh vực phòng chống cháy rừng, Theo thông tin mới đây của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, toàn bộ lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có gần 45.680 ha đang trong tình trạng khô hạn nặng. Trong đó, gần 31.000ha đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, còn lại khoảng 14.680 ha cũng đang trong giai đoạn cảnh báo cháy cấp 3 và cấp 4. Với tình trạng nắng nóng như hiện nay, dự báo chỉ trong vài ngày tới, nhiều khả năng phần diện tích hơn 7.100ha rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 4, cấp nguy hiểm của tỉnh Cà Mau sẽ chuyển sang cảnh báo cháy cấp 5. Theo đó, diện tích rừng nâng mức báo động đỏ sẽ lên đến gần 40.000 ha.

  • Bảo vệ tốt rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng gỗ lớn

Về hoạt động phát triển rừng, Theo Quyết định của Bộ NN-PTNT vừa công bố, Quảng Bình tiếp tục đứng thứ 2 toàn quốc về độ che phủ rừng với trên 68%. Để đạt được kết quả này, Quảng Bình luôn tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng. Cùng với việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, tỉnh không ngừng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, qua đó góp phần phát triển kinh tế rừng bền vững. Các giống cây bản địa có giá trị cao như lim, dổi, sưa... được chính quyền địa phương, các tổ chức ưu tiên hỗ trợ để người dân dễ dàng tiếp cận và có cơ hội trồng thành các tán rừng lớn.

  • Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử với 1.000 cây hoa ban

Trong lĩnh vực trồng rừng, Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Công ty du lịch Vietravel phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã thực hiện Chiến dịch "Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử". Trong dự án này, 1.000 cây hoa ban được trồng tại các địa điểm ghi dấu ấn lịch sử quan trọng như đồi A1, đồi Him Lam và hầm Đờ Cát. Chiến dịch nhằm góp phần phủ cây xanh, bảo vệ môi trường, giữ gìn những di tích lịch sử đất Điện Biên hào hùng gần gũi thiên nhiên và xanh mát. Sau mảnh đất lịch sử Điện Biên, chiến dịch 'Phủ xanh tương lai' sẽ được triển khai trên nhiều điểm du lịch trong cả nước.

  • Sản phẩm gỗ của Tây Nguyên chưa có giá trị cao

Liên quan tới lĩnh vực chế biến gỗ, Tỉnh Gia Lai và Kon Tum có khoảng 1,3 triệu ha diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Với vùng nguyên liệu hơn 235 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, rừng sản xuất, cao su, tre, nứa... hai tỉnh trọng điểm của khu vực Tây Nguyên được xem là vùng nguyên liệu đáng kể để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ. Hiện, 2 địa phương này có hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén... Sản phẩm ngành chế biến gỗ phần lớn từ sản xuất cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm, gỗ mộc dân dụng nội thất như bàn ghế, tủ, giường, ván sàn… Tuy nhiên, sản phẩm gỗ chủ yếu tiêu thụ trong nước, giá trị không cao, ít có đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ