Bản tin Thủy sản ngày 26 tháng 10 năm 2023
Xuất khẩu cá ngừ sang Đức giảm sau nhiều tháng tăng trưởng dương; Mở rộng diện tích sản xuất lúa tôm tại ĐBSCL lên 30.000ha; Hậu Giang chuyển 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá; Cấm khai thác thủy sản hồ Dầu Tiếng trong 1 tháng; Tổ đoàn kết trên biển trợ lực cho nghề đánh bắt xa bờ.
Quỳnh Anh | 10:20 26/10/2023
Bản tin Thủy sản ngày 26 tháng 10 năm 2023
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Xuất khẩu cá ngừ sang Đức giảm sau nhiều tháng tăng trưởng dương
Thưa quý vị và bà con, theo Hiệp hội chế biến vàxuất khẩu thủy sảnViệt Nam, liên tục từ đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang Đức tăng trưởng dương, nhưng sang tháng 9 lại đảo chiều giảm. Cụ thể, tháng 9 vừa qua, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức giảm mạnh gần 48% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 1,3 triệu USD, đây là mức giá trị xuất khẩu sang thị trường này thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh trong những tháng trước đó nên kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Đức trong 9 tháng đầu năm vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 23 triệu USD, tăng 13%.
- Mở rộng diện tích sản xuất lúa tôm tại ĐBSCL lên 30.000ha
Còn với lĩnh vực nôi trồng thủy sản ở trong nước, thưa quý vị, UBND tỉnh Cà Mau vừa làm việc với đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam và Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, Cà Mau liên quan đến xúc tiến dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng lúa - tôm có trách nhiệm. Theo đó, từ thành công bước đầu, các đơn vị trong chuỗi dự án cho biết, giai đoạn 2023 - 2032 sẽ triển khai mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm lên 30.000ha tại vùng ĐBSCL. Mục tiêu lâu dài của dự án là thúc đẩy phát triển bền vững lúa - tôm. Trong đó, nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất có trách nhiệm và an toàn môi trường đối với các hộ dân và doanh nghiệp tham gia.
-
Hậu Giang chuyển 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá
Tận dụng nguồn nước từ mùa nước nổi và nước mưa, nhiều năm qua, nông dân tỉnh Hậu Giang không đầu tư làm lúa vụ 3 ở những nơi kém hiệu quả mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, cá sống trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Ngoài ra, việc cắt giảm vụ lúa còn giảm nguy cơ dịch bệnh, chất hữu cơ tồn dư sau vụ nuôi cá giúp giảm chi phí phân bón vụ lúa tiếp theo. Từ những lợi ích này, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch chuyển đổi 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả - lúa vụ 3 sang thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nâng tổng chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm nay lên 7.500ha. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng”.
- Cấm khai thác thủy sản hồ Dầu Tiếng trong 1 tháng
Đối với lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến vừa ký văn bản chỉ đạo về việc nghiêm cấm khai thác thuỷ sản, cũng như tổ chức các hoạt động mua bán, tiêu thụ thuỷ sản có nguồn gốc trong hồ Dầu Tiếng trong 1 tháng, từ ngày hôm nay 26/10 đến hết ngày 26/11. Sở dĩ có văn bản này là do từ hôm nay tới ngày 28/10, Sở NN-PTNT Tây Ninh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng, thuộc huyện Dương Minh Châu nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân khai thác thuỷ sản.
- Tổ đoàn kết trên biển trợ lực cho nghề đánh bắt xa bờ
Còn trong hoạt động đánh bắt xa bờ, tỉnh Bình Định hiện có trên 7.340 tàu cá khai thác hải sản với khoảng 2.600 tàu khai thác xa bờ. Đến nay, ngư dân Bình Định đã tự nguyện xây dựng 265 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với hơn 1.000 tàu cá tham gia. Các mô hình liên kết đánh bắt trên biển được hình thành với các tàu làm cùng nghề, đánh bắt cùng ngư trường, về bờ thì cùng địa bàn cư trú và cùng gia đình, dòng họ, bạn bè và hợp tác sản xuất theo phương thức tự nguyện. Ưu điểm của các mô hình này là tạo được sức mạnh trong khai thác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ đoàn kết còn thay phiên nhau đưa sản phẩm đánh bắt của cả tổ vào bờ bán, vừa giảm được thời gian bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm vừa giảm chi phí chuyến biển.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 26 tháng 10 năm 2023
Xuất khẩu cá ngừ sang Đức giảm sau nhiều tháng tăng trưởng dương; Mở rộng diện tích sản xuất lúa tôm tại ĐBSCL lên 30.000ha; Hậu Giang chuyển 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá; Cấm khai thác thủy sản hồ Dầu Tiếng trong 1 tháng; Tổ đoàn kết trên biển trợ lực cho nghề đánh bắt xa bờ.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Đã nhận diện đúng đối tượng, địa bàn trong chống buôn lậu động vật; Giá lúa đông xuân sớm giảm, thương lái bẻ cọc; Ứng phó thời tiết cực đoan dịp Tết Nguyên đán.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước mang những đặc trưng rõ rệt của mùa đông phương Bắc và sự ấm áp ở miền Nam.