Bản tin Thủy sản ngày 27/11/2023: Để người dân an tâm phát triển nuôi biển
Tạo thuận lợi cho người dân an tâm phát triển nuôi biển; Đầu tư gần 350 tỉ đồng xây dựng khu neo đậu, cảng cá ở Quảng Bình; Xử lý nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch trước 30/11; Nuôi ốc len dưới rừng ngập mặn lợi nhuận cao; Phát triển nuôi cá lồng đặc sản chinh phục thị trường.
Quỳnh Anh | 13:52 27/11/2023
Bản tin Thủy sản ngày 27/11/2023: Để người dân an tâm phát triển nuôi biển
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Tạo thuận lợi cho người dân an tâm phát triển nuôi biển
Thưa quý vị và bà con, mới đây, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”. Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã nhận diện được thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Đầu tư gần 350 tỉ đồng xây dựng khu neo đậu, cảng cá ở Quảng Bình
Để hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân được thuận lợi hơn, Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền kết hợp cảng cá tại khu vực bắc sông Gianh, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư là gần 350 tỉ đồng. Dự án với nhiều hạng mục như trụ neo, kè bờ, phao neo, nạo vét đảm bảo độ sâukhu neo đậu, hệ thống báo hiệu và công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho khu neo đậu… Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đảm bảo cho từ 800-1.000 tàu thuyền có công suất đến 1.000 CV có thể neo trú bão an toàn. Công trình này cũng đáp ứng nhu cầu phục vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận vùng duyên hải Trung bộ. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền kết hợp cảng cá tại bắc sông Gianh có quy mô hơn 58ha.
- Xử lý nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch trước 30/11
Cũng liên quan tới hoạt động nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa, Nông nghiệp Radio được biết, khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, đã hình vùng nuôi biển trọng điểm của tỉnh này. Tuy nhiên, thời gian qua, nuôi biển ở địa phương chủ yếu mang tính tự phát, gây khó khăn trong việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, sắp xếp, chấn chỉnh tình trạng nuôi thủy sản tràn lan với mật độ cao, xác định, thống kê số hộ nuôi trong và ngoài tỉnh để có biện pháp tổ chức quản lý theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT Khánh Hòa báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm tra, rà soát, xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch vùng nuôi trước ngày 30/11.
-
Nuôi ốc len dưới rừng ngập mặn lợi nhuận 100 triệu/ha
Với các đối tượng thủy sản nuôi dưới tán rừng ngập mặn, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đang phát triển mô hình nuôi ốc len trong rừng ngập mặn, mô hình đạt hiệu quả cao khi vừa thu lợi nhuận ổn định mà còn giúp bảo vệ rừng. Nuôi ốc len không cần chi phí thức ăn, sau 5-6 tháng thả nuôi sẽ thu hoạch. Với giá thị trường dao động từ 100 – 110.000 đồng/kg ốc loại 1 và từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg ốc loại 2 như hiện nay, bình quân người nuôi thả 2 tấn ốc giống trong diện tích 1 ha, sẽ thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Mô hình nuôi ốc len không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi ở khu vực rừng ngập mặn, mô hình cũng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và tạo nét đặc trưng cho rừng ngập mặn ở vùng đất Mũi Cà Mau.
-
Phát triển nuôi cá lồng đặc sản chinh phục thị trường
Cuối cùng là thông tin về hoạt động nuôi cá lồng tại các địa phương miền núi phía Bắc, thưa quý vị, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Quan có hệ thống sông suối dày đặc và phân bố khá đồng đều, được coi là "thủ phủ" của nghề nuôi thuỷ sản tại địa phương. Những năm gần đây, đặc sản cá lồng Văn Quan dần có tiếng trên thị trường bởi chất lượng ngon và sạch, là món ăn hấp dẫn với du khách thập phương. Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan có khoảng 250 lồng cá gồm các loại cá chủ yếu như trắm cỏ, trắm đen, chép, mè… Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho người dân có động lực hơn, tập trung hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Để phát triển cá lồng theo đúng quy định, Phòng định hướng tuyên truyền vận động các hộ dân nuôi cá lồng, HTX thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 27/11/2023: Để người dân an tâm phát triển nuôi biển
Tạo thuận lợi cho người dân an tâm phát triển nuôi biển; Đầu tư gần 350 tỉ đồng xây dựng khu neo đậu, cảng cá ở Quảng Bình; Xử lý nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch trước 30/11; Nuôi ốc len dưới rừng ngập mặn lợi nhuận cao; Phát triển nuôi cá lồng đặc sản chinh phục thị trường.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.