Bản tin Thủy sản ngày 28/11/2023: Phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống

Phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng tư duy hệ thống; Đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm; Cần kiểm soát con giống nuôi biển nhập khẩu.

Quỳnh Anh  | 14:33 28/11/2023

Bản tin Thủy sản ngày 28/11/2023: Phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 28/11/2023: Phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng tư duy hệ thống

Thưa quý vị và bà con, Chia sẻ về định hướng phát triển ngành tôm Việt Nam tại Hội thảo tham vấn Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi diễn ra vào hôm qua, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản cho biết, trong thời gian tới ngành tôm Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tư duy hệ thống, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành Thủy sản sẽ kiểm soát điều kiện nuôi, khuyến khích hộ nuôi áp dụng GAP, quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào, quan trắc môi trường dịch bệnh và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình sản xuất giảm chi phí đầu tư. Phát triển thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chính, nâng cao chất lượng giống, phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường…

  • Đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm

Cũng liên quan tới hoạt động nuôi tôm, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Công ty trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ đăng ký thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với diện tích đất sử dụng gần 220 ha. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến tháng 6/2028, Dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động toàn bộ. Các hạng mục đầu tư của Dự án bao gồm nhà máy chế biến công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100.000 tấn/năm, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với sản lượng 7.000 tấn nguyên liệu tôm/năm, khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống mỗi năm và trạm bơm nước biển. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.200 tỷ đồng và sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 2.500 người.

  • Cần kiểm soát con giống nuôi biển nhập khẩu

Trong lĩnh vực nuôi biển, tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 97.000 lồngnuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa chủ yếu là nuôi gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác. Công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả dẫn tới khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Do đó, cần giải pháp để quản lý, kiểm soát con giống nuôi biển nhập khẩu để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

  • Nguồn giống thủy sản của Thanh Hóa chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 19.200 ha nuôi trồng thủy sản, hàng năm nhu cầu về nguồn con giống chất lượng cao phục vụ nuôi trồng là rất lớn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 40 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 3 cơ sở sản xuất tôm sú, ngao được cơ quan chuyên môn cấp phép. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở đã di ương được gần 1.300 triệu con tôm thẻ chân trắng, khoảng 1.000 triệu cá bột các giống trôi, mè, chép... Đây là nguồn giống chất lượng cao, được kiểm định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với hoạt động nuôi trồng. Tuy nhiên con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương còn có hàng trăm cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ cung cấp cho thị trường nguồn con giống không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới hiệu quả nuôi trồng.

  • Triển vọng từ nuôi cá dầm xanh

Cuối cùng là tin tức về hoạt động nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, thưa quý vị, trước đây, cá dầm xanh ở xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chủ yếu được đánh bắt tự nhiên từ dòng suối chảy qua xã. Nhận thấy đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình ở Xuân Nha đã tìm bắt cá giống từ suối để mang về nuôi tại ao nhà. Mặc dù là loài cá tự nhiên, xong cá dầm xanh khi nuôi ở trong ao có tỷ lệ sống trên 90%, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là rau cỏ và phụ phẩm nông nghiệp. Hiện, xã Xuân Nha có trên 17 ha nuôi cá dầm xanh, với giá thương phẩm từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, đây là loài cá nước lạnh giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 28/11/2023: Phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống

Phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng tư duy hệ thống; Đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm; Cần kiểm soát con giống nuôi biển nhập khẩu.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ