Bản tin Thủy sản ngày 5/12/2023: Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm
Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm; Trồng rong nho trong bể chi phí thấp, lợi nhuận cao; Hiệu quả bước đầu từ nuôi cá lăng thương phẩm tại huyện rẻo cao.
Quỳnh Anh | 11:19 05/12/2023
Bản tin Thủy sản ngày 5/12/2023: Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm
Thưa quý vị và bà con, Trung tâm Khuyến nông Quốc giaphối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng, tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà. Trước đó, từ đầu năm, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP tại cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng, với quy mô 0,8 ha. Để áp dụng quy trình VietGAP, các hộ dân được hỗ trợ bộ kit test môi trường ao nuôi, lập sổ ghi chép nhật ký sản xuất, qua đó cơ sở đã áp dụng quy trình thực hành VietGAP, nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Qua kiểm tra và đánh giá, Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ Thủy sản Việt Nam đã cấp chứng nhận VietGAP cho 15 tấn tôm nuôi tại mô hình. Giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 11/11/2025.
-
Trồng rong nho trong bể chi phí thấp, lợi nhuận cao
Bên cạnh các loài vật nuôi thủy sản thông thường, rong nho hiện đang là đối tượng được chú trọng phát triển tại nhiều địa phương ven biển. Và để đưa loài rong nho biển phát triển phổ biến, giúp tăng thu nhập cho người dân, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu trồng rong nho trong bể. Theo đó, để trồng rong nho biển trong bể xi măng, người dân cần xây bể tại khu vực gần bờ biển để thuận tiện cho việc bơm cấp và thay nước biển. Nguồn nước lấy vào phải đảm bảo có độ mặn cao và ổn định. Đặc biệt phải tránh xa nguồn nước ngọt trực tiếp đổ ra, nước không bị ô nhiễm từ đất liền, nông nghiệp và khu công nghiệp. Với tiềm năng và nhu cầu thị trường lớn, giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, rong sinh trưởng phát triển nhanh, trong vòng 30 - 40 ngày nuôi trồng có thể cho thu hoạch, chi phí đầu tư thấp. Vì vậy, mô hình nuôi trồng rong nho trong bể có khả năng nhân rộng, phát triển cao tại Việt Nam.
- Hiệu quả bước đầu từ nuôi cá lăng thương phẩm tại huyện rẻo cao
Đối với hoạt động phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có địa hình núi cao, khí hậu khá lạnh, có nhiều sông, suối tương đối lớn chảy qua nên rất thích hợp cho các loài thủy sản sinh sống. Để giúp người dân tăng thu nhập, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước hình thành làng nghề nuôi trồng các loài cá đặc hữu, giảm tần suất khai thác cá tự nhiên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã đưa mô hình nuôi cá lăng thương phẩm thí điểm tại 10 hộ của bản Cánh, xã Tà Cạ. Đánh giá thực tế sau 8 tháng nuôi cho thấy, tỷ lệ cá sống khỏe, tăng trưởng tốt, đạt trên 72%, lợi nhuận thu được khoảng 154 triệu đồng/0,5ha/10 tháng nuôi, mang lại khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng/hộ/tháng.
- Nuôi cá sông trong ao tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường
Được áp dụng ở Việt Nam từ khoảng 7 năm nay, mô hình “nuôi cá sông trong ao” đã phát triển ở nhiều địa phương, bước đầu khẳng định được hiệu quả nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản và cải thiện môi trường ao nuôi. Là một trong những mô hình nuôi cá sông trong ao tiên phong ở tỉnh Hà Nam, hiện, Hợp tác xã sông trong ao Hải Đăng, thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, đang có 10 ha ao nuôi, với 8 máng nuôi cá, sản lượng mỗi năm thu được khoảng 200 tấn cá tươi. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX chia sẻ, mô hình này cho năng suất tăng từ 3-4 lần so với nuôi truyền thống nên giá trị kinh tế mang lại cũng cao hơn. Phương pháp nuôi này tạo môi trường nước sạch, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 95%, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trưởng nhanh, thịt săn chắc.
- Mô hình nuôi cá chuốt bước đầu cho kết quả khả quan
Cũng là mô hình phát triển nuôi thủy sản nước ngọt nhưng với đối tượng nuôi là cá chuốt, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân áp dụng vào sản xuất, năm 2023, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương phương triển khai 2 điểm mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại xã Vĩnh Phong và thị trấn Vĩnh Thuận. Mô hình thuộc chương trình phát triển nuôi thủy đặc sản ngước ngọt gắn với liên kết theo chuỗi giá trị năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, cá chốt đã nuôi được hơn 2 tháng, đạt trọng lượng trung bình 17g/con. Cá chốt nuôi khoảng 5 tháng mới thu hoạch, dự kiến khi thu hoạch cá đạt trọng lượng 25g/con. Năng suất dự kiến dao động từ 435 - 445kg trên quy mô 500m2. Cá chốt dễ nuôi, thích nghi với điều kiện tại địa phương, 02 tháng đầu tăng trưởng rất nhanh, người nuôi rất dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu dạng viên.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 5/12/2023: Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm
Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm; Trồng rong nho trong bể chi phí thấp, lợi nhuận cao; Hiệu quả bước đầu từ nuôi cá lăng thương phẩm tại huyện rẻo cao.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.