Bản tin Thủy sản ngày 7/11/2023: Cấp giấy phép, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá

Yêu cầu cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá; Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc gia tăng; Vùng mặn, lợ ĐBSCL còn nhiều tiềm năng; Vùng ngoại ô khởi sắc nhờ nuôi cá nước ngọt; Yên Bái chú trọng xây dựng chuỗi liên kết thủy sản.

Quỳnh Anh  | 12:03 07/11/2023

Bản tin Thủy sản ngày 7/11/2023: Cấp giấy phép, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 7/11/2023: Cấp giấy phép, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá

Mở đầu chương trình hôm nay là tin tức về hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thưa quý vị và bà con, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, trước khi đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5, dự kiến trong quý 2 năm 2024, các bên có liên quan tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Cùng với đó là theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.

  • Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc gia tăng

Trên thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP cho biết, từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm của ngành thủy sản thu hẹp dần. Trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 860 triệu USD, chỉ còn giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản từ các đối tác lớn đến từ những thị trường này đang gia tăng đáng kể.

  • Vùng mặn, lợ ĐBSCL còn nhiều tiềm năng

Đến với những tin tức về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước, thưa quý vị, trong những năm gần đây, tận dụng điều kiện tự nhiên và nhu cầu đa dạng của thị trường, tại những vùng mặn, lợ ven biển khu vựcĐBSCL đã xuất hiện thêm nhiều đối tượng nuôi mới như cá dứa, cá chẽm, cá kèo, cá chốt, cá chình… không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần đa dạng sản phẩm, tạo thế bền vững cho ngành thủy sản. Và một trong những người nuôi cá nước lợ thành công nhất ở khu vực ĐBSCL hiện nay là anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng với diện tích nuôi thâm canh hơn 40ha, đối tượng nuôi chủ lực là cá chẽm và cá đù. Ngoài sản lượng tự nuôi, anh Dũng còn liên kết đầu tư, bao tiêu với các hộ nuôi trong tỉnh với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. Với giá cá chẽm bình quân 80.000 đồng/kg, nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi có lãi 500 triệu - 1 tỉ đồng/ha.

  • Vùng ngoại ô khởi sắc nhờ nuôi cá nước ngọt

Gần hai thập kỷ qua, từ vùng đất cằn cỗi, bạc màu, người dân 2 xã Hòa Phong và Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã mạnh dạn chuyển đổi những thửa ruộng trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả thành ao mặt nước nuôi các loại cá như diêu hồng, trắm cỏ, diếc, rô phi, basa… Đến nay, con cá đã thay da đổi thịt vùng quê nghèo này. Theo Phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang, xã Hòa Phong hiện có 25 hộ nuôi cá nước ngọt, tổng diện tích ao nuôi là 7,9ha. Còn xã Hòa Khương có 200 hộ nuôi với diện tích khoảng 50 ha. Tuy điều kiện nuôi cá ở các xã nói chung vẫn còn rất khó khăn nhưng một số người dân đã vượt lên để canh tác hiệu quả, mang lại thu nhập kinh tế giúp thoát nghèo bền vững, khởi sắc diện mạo vùng ngoại ô.

  • Yên Bái chú trọng xây dựng chuỗi liên kết thủy sản

Cũng liên quan tới hoạt động nuôi trồng thủy sản nhưng tại miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái có địa hình chủ yếu là thung lũng xen giữa các dãy núi, đồi thấp, tạo nên một hệ thống sông, suối, hồ, ao, ruộng rất phong phú và thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh này hiện có tiềm năng về mặt nước nuôi trồng thủy sản là 23.000ha. Nhằm tận dụng tốt lợi thế, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng, khai thác thủy sản khoảng 22.500ha, ổn định số lượng lồng nuôi từ 2.500 - 3.000, sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 15.000 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 7 - 9%/năm và đạt trên 485 tỷ đồng vào năm 2025. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng thu hoạch.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 7/11/2023: Cấp giấy phép, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá

Yêu cầu cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá; Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc gia tăng; Vùng mặn, lợ ĐBSCL còn nhiều tiềm năng; Vùng ngoại ô khởi sắc nhờ nuôi cá nước ngọt; Yên Bái chú trọng xây dựng chuỗi liên kết thủy sản.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Quy mô chăn nuôi bò thịt có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng
Thời sự

Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.

Quy mô chăn nuôi bò thịt có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng
Thời tiết nông vụ ngày 05/11/2024: Bắc bộ hết hanh khô, Trung bộ mưa diện rộng
Thời sự

Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.

Thời tiết nông vụ ngày 05/11/2024: Bắc bộ hết hanh khô, Trung bộ mưa diện rộng