Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy

Đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao.

Lê Hoàng Vũ  | 14:48 23/04/2024

Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy

Tự động

Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển Lâm nghiệp.

Thưa quý vị và bà con, Hiện nay, đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, làm nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao. Những, ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy, nếu không như không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng thì thiệt hại là rất lớn. Hiện nay, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đang phải nỗ lực với nhiều giải pháp quyết không để vụ cháy rừng nào xảy ra.

MC 2: Thưa quý vị và bà con, tại những cánh rừng thuộc khu vực núi Phú Cường, ấp Phú Cường xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá đã khô chuyển sang màu vàng, cỏ dưới tán rừng cũng đã chết khô làm cho lớp thực bì  càng dày thêm, chỉ một đốm lửa nhỏ là sẽ bốc cháy và cháy lan rất nhanh. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền của lực lượng chức năng, cùng với ý thức cao của người dân trong công tác phòng chống cháy rừng, đến thời điểm này, tại khu vực này vẫn chưa xảy ra đám cháy nào lớn gây thiệt hại rừng và tài sản người dân.

Thời điểm giữa tháng 4, buổi trưa mặt trời đứng đỉnh đầu nhiệt độ nắng nóng ở vùng Bảy Núi (An Giang) lên đến 38-41 độ C, ngành chức năng dự báo cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Những ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy nhỏ không đáng kể, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng kiểm lâm thì thiệt hại là rất lớn. Chính vì thế, công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng ngay lúc này được Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang quan tâm thực hiện tốt.

Chúng tôi từ Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, cùng lực lượng kiểm lâm nơi đây men theo con đường lộ nông thôn dài khoảng 15km thì tới núi Phú Cường. Ngọn núi này, có diện tích rộng hơn 17,7ha (thuộc ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên). Tại đây, lực lượng Trạm quản lý rừng liên huyện Tịnh Biên, Châu Đốc đang thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng.

Ông Đỗ Văn Tài, ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên (An Giang), đã hơn 10 năm gắn bó tham gia lực lượng phòng chống cháy rừng tại chỗ của địa phương chia sẻ.

Băng 1- Ông Đỗ Văn Tài, ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên (An Giang).

MC 3: Theo Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, đơn vị được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn tỉnh An Giang phân bố chủ yếu trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc. Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2024, Ban quản lý rừng đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 Phương án bảo vệ rừng - phòng chống cháy rừng. Các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án để tăng cường và ứng trực công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024.

Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Đồng thời, vận động người dân và thuê mướn nhân công đổ nước bổ sung vào các bồn dự trữ nước do hộ nhận khoán quản lý và phát dọn cỏ vệ sinh làm giảm vật liệu cháy trong rừng, xây dựng đường băng cản lửa và đường tuần tra phục vụ phòng chống cháy rừng.

Bố trí dụng cụ, phương tiện và hợp đồng phòng chống cháy rừng tại gần 200 điểm gồm: 28 máy chữa cháy đồng bằng và đồi núi; 65 máy chữa cháy đeo vai; 14 máy thổi gió cầm tay và đeo vai; 1 xe chữa cháy tự chế; 1 xe bán tải; hơn 2.600 canl nhựa 10 lít và một số dụng cụ thủ công khác… Đồng thời, xây dựng 3 cầu tạm phục vụ cho công tác tuần tra chống chặt phá và phòng chống cháy rừng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.

Ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng trạm Trạm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc ( thuộc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang) cho biết, hiện đơn vị đang quản lý khoảng hơn 22ha rừng. Hiện nay đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy là rất cao, với quyết tâm không để xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn, đơn vị đã phân công nhiệm vụ từng bộ phận phụ trách từng vị trí, địa bàn cụ thể đối với từng viên chức, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, trực gác hàng ngày các khu vực được phân công, nhất là khu vực trong yếu. Ông Lương Văn Tươi cho biết thêm.

Băng 2 - Ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng Trạm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc ( thuộc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang).

MC 4: Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, TP.Châu Đốc, với diện tích gần 14.000 ha. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là 1.832 ha (đất có rừng 1.269 ha và đất chưa có rừng 562 ha).

 Rừng và đất rừng phòng hộ là 12.000 ha (đất có rừng 9.346 ha và đất chưa có rừng 2.099 ha). Diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được trồng từ năm 1991 đến nay, được phân bố theo hai khu vực đồi núi và khu vực rừng tràm (đồng bằng).

Tại khu vực đồi núi, đa số là diện tích rừng trồng xen cây ăn trái, được giao khoán cho các hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đối với diện tích rừng này, thảm thực bì chủ yếu là cây bụi, thảm cỏ, lá khô. 

Đặc biệt núi Phú Cường và các núi khác thuộc huyện Tri Tôn, Châu Đốc và thoại Sơn lá cây rừng tự nhiên như: cây le, cây tầm vông, tràm, sao, dầu… rụng nhiều vào mùa khô tạo thành lớp vật liệu cháy dày đặc dưới tán rừng nên khả năng xảy ra cháy rừng là rất cao.

Còn tại khu vực rừng tràm hiện có diện tích lên tới 1.000 ha. Trong đó, rừng tràm Trà Sư là 845 ha (là khu rừng trồng và tái sinh, thực bì chủ yếu là thảm cỏ và lớp lá rụng dưới tán rừng dày đặc). Rừng tràm Tân Tuyến có 256 ha, cây rừng thưa và cây tràm non mới trồng với diện tích là 49 ha tạo thực bì ở đây chủ yếu là cỏ nên khả năng xảy ra cháy rừng, cháy lớn rất cao. Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết.

Băng 3: Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang.

MC 5: Mặc dù ngành chức, các địa phương và người  dân đã làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, tuy nhiên do thiếu ý thức của một số người dân nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy. Mặc vụ cháy nhỏ, nhưng với sự chủ động, nỗ lực ứng phó của lực lượng chức năng, nên kịp thời dập tắt các đám cháy, không để cháy lan làm ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương.

Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường, địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Các nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu gây ra cháy rừng khu vực này như: Phát dọn cỏ, cây bụi, đốt để làm nương rẫy gây cháy lan, đốt rơm rạ ngoài đồng đối với các diện tích ruộng tiếp giáp với rừng vào mùa khô gây cháy lan vào rừng.

Đặc biệt, với đặc thù của địa phương là có nhiều chùa chiền trên núi, các khu, điểm du lịch nằm xen lẫn trong các khu rừng. Việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang khói, đốt giấy vàng bạc… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. 

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, Đến thời điểm này, báo động cháy rừng tại An Giang đang là cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với Kiểm lâm, các địa phương và đặc biệt trong Ban quản lý rừng phải ứng trực 24/24, với 100% quân số để phòng chống cháy rừng và nếu có sự cố thì kịp thời tham gia chữa cháy. Tiếp tục công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vào rừng bắt ong. Đồng thời tuyên truyền cho bà con sống trong rừng và ven rừng cảnh giác với lửa củi, chứ nếu không hở là nó cháy và cháy lớn. Với tình hình thời tiết hanh khô, nắng nóng như hiện nay, lực lượng chuyên ngành kiểm lâm An Giang quyết tâm không để xảy cháy rừng. Ngoài những kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng còn đòi hỏi ý thức cao từ mỗi người dân.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực Lâm nghiệp.

MC 1: tin 1:

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo Bộ NN& PTNT lập hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hơn 130 ha rừng tại dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng giai đoạn 1. Trong đó, địa phương chủ động chia thành hai đợt gửi bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đợt 1 với diện tích hơn 73 ha Đợt còn lại hơn 57ha, hiện chưa đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng. Trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát tính chính xác về số liệu chuyển mục đích sử dụng rừng, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định (theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước).

MC 2: tin 2

Đánh giá về tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Mô hình tín chỉ carbon sẽ khuyến khích tăng cường trồng và bảo vệ rừng, các doanh nghiệp sẽ hạn chế lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Việc xây dựng thị trường carbon sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Để phát triển thị trường carbon trong nước, chúng ta cần xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về phát thải khí nhà kính, đặc biệt là dữ liệu của những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn. Bên cạnh đó, cần những cơ chế, chính sách cụ thể, linh hoạt, để phát triển thị trường carbon trong tương lai gần.

MC 1: tin 3

UBND tỉnh Nghệ An vừa ký ban hành Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Nghiêm cấm và đình chỉ tất cả các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Khi cháy rừng xảy ra, yêu cầu lãnh đạo địa phương phải kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

 

                                  Lê Hoàng Vũ (thực hiện)

Tự động

Băng rừng tuần tra 24/24 trong mùa khô để phòng chống cháy

Đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao.

Lê Hoàng Vũ

Tin liên quan

Các chương trình

Ngành chè Việt Nam thoát bẫy giá rẻ bằng con đường nông nghiệp hữu cơ
Phóng sự

Giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và phát triển bền vững?

Ngành chè Việt Nam thoát bẫy giá rẻ bằng con đường nông nghiệp hữu cơ
Trang trại nông nghiệp tuần hoàn khép kín bên sườn đồi đẹp như tranh
Phóng sự

Vườn cây ăn quả xanh tốt mênh mông trải dài từ thung lũng đến các sườn đồi, cho đến khu chăn nuôi được quy hoạch bài bản trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.

Trang trại nông nghiệp tuần hoàn khép kín bên sườn đồi đẹp như tranh