Cần phương án lâu dài để ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở
Mùa mưa bão đến, khu dân cư thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi lại phập phòng lo âu trước hiện tượng ngọn núi ngay sát khu vực người dân sinh sống hình thành các vết nứt lớn, có nguy cơ sạt lở cao.
Lê Khánh | 19:49 14/11/2023
Cần phương án lâu dài để ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.
Thưa quý vị và bà con! Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi, mùa mưa bão đã bắt đầu. Ở những vùng núi cao của tỉnh này, chính quyền và người dân lại canh cánh nỗi lo sạt lở đe dọa đến đời sống, sản xuất. Tại khu dân cư thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ,tỉnh Quảng Ngãi cũng đang phập phòng lo âu trước hiện tượng ngọn núi ngay sát khu vực người dân sinh sống hình thành các vết nứt lớn, có nguy cơ sạt lở cao. Để đảm bảo an toàn, mỗi khi có mưa bão, ngành chức năng phải huy động mọi lực lượng để sơ tán các hộ dân đến những địa điểm kiên cố, vững chắc hơn.
MC: Cách đây 2 năm, mùa mưa năm 2021, ngọn núi Cà Mon ở thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ xuất hiện 3 vết nứt. Sau hơn 2 năm, đến nay những vết nứt ngày càng dài và rộng thêm. Qua ghi nhận, những vết nứt này dài đến hàng trăm mét, có đoạn sụt lún với độ sâu gấp mấy lần thân người. Đáng nói hơn, ngay dưới chân núi Cà Mon hiện có khoảng 11 hộ dân với 54 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Vậy nên, cứ bước vào mùa mưa bão hàng năm, những người dân nơi đây luôn phải sống trong tình trạng lo lắng, bất an.
Theo ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, hiện trạng núi Cà Mon xuất hiện các vết nứt lãnh đạo huyện cũng đã nắm và thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát và báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ông Vinh cho biết:
Băng 1: Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ
Điểm ở Ba Xa, thôn Nước Lăng vết nứt này bắt đầu từ năm 2021. Qua hàng năm, vết nứt tiếp tục phát triển. Cụ thể đến thời điểm này, chiều dài của vết nứt khoảng trên 200m, chiều rộng, điểm rộng nhất là 3m. Về chiều sâu tạm đo theo phương pháp thủ công khoảng 6m và nó ảnh hưởng trực tiếp tới 11 hộ phía dưới.
MC: Nguy hiểm rình rập khi hàng ngàn m3 đất đá trên đỉnh núi Cà Mon có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào nên khi có mưa lớn, vào ban đêm người dân ở đây đều không dám ngủ, ban ngày không dám ở trong nhà. Đã nhiều lần họ phải bồng bế con cái, ôm tài sản chạy sang nhà người thân cách đó rất xa để lánh nạn. Dù biết nơi ở hiện nay không đảm bảo an toàn nhưng do kinh tế của bà con tại đây còn khó khăn, thiếu thốn, không đủ điều kiện để mua đất, dựng nhà ở nơi khác nên họ đành chấp nhận sống chung với nguy hiểm.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, tỉnh này cũng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở đồng thời xây dựng phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Về phía tỉnh cũng trực tiếp đến kiểm tra, nắm tính hình để đưa ra giải pháp phù hợp trước, trong và sau mùa mưa bão.
Băng 2: Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Hiện nay, phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đã rất rõ. Các địa phương đã xây dựng và báo cáo với tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra. Trên cơ sở tỉnh kiểm tra các huyện và một số điểm quan trọng thì huyện cũng phải trực tiếp kiểm tra vấn đề này. Vừa qua, tỉnh cũng đã tổ chức họp, làm việc thì cũng đã nhắc nhở các địa phương phải rà soát lại để đảm bảo các phương án mang tính khả thi cao, theo phương án 4 tại chỗ. Trước mắt, phương án di dời các hộ dân vẫn là phương án ưu tiên hàng đầu. Và sau mùa mưa bão này, chúng ta phải có giải pháp rất khoa học để đảm bảo hạn chế sạt lở, trước tiên là khắc phục sạt lở ở những nơi có nguy cơ cao.
MC: Ngoài nỗi lo sạt lở, những hộ dân ở dưới chân núi Cà Mon còn đứng trước nguy cơ bị cô lập. Khi có mưa lớn, nước suối Lăng dân cao gây chia cắt hoàn toàn tuyến đường vào trung tâm khu dân cư. Với nhiều loại hình thiên tai cùng tác động như vậy, có thể thấy rằng cuộc sống của bà con nơi đây vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật. Trước thực tế này, những năm qua, người dân trong vùng nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương sớm có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể di dời đến nơi ở mới nhằm ổn định cuộc sống cũng như yên tâm sản xuất.
Theo ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nắm được tâm tư, nguyện vọng của bà con, UBND huyện cũng đã xây dựng các phương án ứng phó cũng như xây dựng các giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở vùng sạt lở.
Băng 3: Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ
Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Ba Xa xây dựng phương án của năm 2023, trong đó chú trọng việc di dời các hộ dân ở vùng này, nhất là 11 hộ dân ở sống ở dưới các vết nứt. Khi mà mưa bão lớn là cho di dời ngay dân. Thứ 2 là huyện cũng đã quyết định và đang thực hiện các thủ tục để đầu tư các khu dân cư, tái định cư cho 11 hộ dân này cũng như 10 hộ dân của thôn Nước Chinh, tức là khoảng 21 hộ dân với trên 100 nhân khẩu vào vị trí án toàn. Dự kiến, trong năm 2023 tiến hành và đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đưa nhân dân ở những vùng này vào vùng an toàn.
MC dẫn kết: Thưa quý vị và bà con! Cũng như các tỉnh ở khu vực miền Trung, sạt lở vẫn là loại hình thiên tai tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đối với người dân miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi lần có mưa bão xảy ra, phương án đầu tiên được các địa phương đưa ra là di dời người dân đến địa điểm an toàn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Vậy nên, giải pháp căn cơ, đảm bảo bền vững về lâu về dài là phải xây dựng khu tái định cư để người dân có được nơi an cư chắc chắn, tránh sự cố đáng tiếc do sạt lở núi có thể xảy ra.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.
MC 1 tin 1
Thưa quý vị và bà con, những ngày qua, mưa lớn xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, cản trở nhiều tuyến đường giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, dân sinh và học tập của học sinh.
Sáng ngày 14/11, UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thông tin, mưa lớn kéo dài từ tối ngày 13 đến rạng sáng cùng ngày đã khiến nhiều khu dân cư ven sông Hiếu của địa phuong bị ngập lụt. Thống kê ban đầu cho thấy ở huyện Cam Lộ có khoảng 800 hộ bị ngập, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền và thị trấn Cam Lộ. Mực nước lũ ngập nhà người dân cao nhất khoảng 60 - 80cm. Trong đêm 13/11, huyện Cam Lộ đã tổ chức di dời 255 hộ dân với 550 nhân khẩu đến các nhà cộng đồng, hoặc ở ghép tại nhà người dân tại vùng an toàn. Tại thị trấn Cam Lộ, mưa lớn còn khiến hàng chục con bò trên địa bàn bị lũ cuốn trôi, hiện người dân và chính quyền địa phương đang triển khai tìm kiếm.
MC 2: tin 2
Cuối chiều ngày 13/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng cũng có báo cáo nhanh về hậu quả mưa lớn trên địa bàn. Báo cáo cho biết, 18/113 thôn của huyện Hòa Vang bị ngập. Số nhà bị ngập là 83 nhà. 7 hộ với 29 khẩu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc phải di dời đến nơi an toàn. Trong ngày 13/11, học sinh, sinh viên các trường học ở Đà Nẵng phải nghỉ học do mưa lớn. Về giao thông, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng cũng cho biết, Đường ĐT 601 khu vực đoạn đèo La Ngà qua thôn Nam Mỹ xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (cách trung tâm TP gần 50 km) bị sạt lở.
MC 1: tin 3
Tương tự tại Nghệ An và Hà Tĩnh, mưa lớn xảy ra vào ngày 13/11 cũng khiến nhiều nơi bị ngập sâu. Riêng tại Nghệ An, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh này đã ra Văn bản đề nghị các cơ quan chức năng, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết; từ đó, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp, trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Cần phương án lâu dài để ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở
Mùa mưa bão đến, khu dân cư thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi lại phập phòng lo âu trước hiện tượng ngọn núi ngay sát khu vực người dân sinh sống hình thành các vết nứt lớn, có nguy cơ sạt lở cao.
Lê Khánh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.