Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn', làm sao để duy trì sự bền vững?

Nếu như trước đây, ĐBSCL hay được nhắc đến với hình ảnh 'sống chung với lũ' thì nay đã chuyển thành 'sống chung với hạn mặn'.

Kim Anh  | 15:10 09/05/2024

Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn', làm sao để duy trì sự bền vững?

Tự động

Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn' làm sao để duy trì sự bền vững

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai. Thưa quý vị và bà con, nếu như trước đây, ĐBSCL hay được nhắc đến với hình ảnh “sống chung với lũ” thì hiện nay đã chuyển thành “sống chung với hạn mặn”.  Thực tế này cho thấy, vùng ĐBSCL đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với đó là việc suy giảm dòng chảy, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới đã làm gia tăng áp lực về phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng. Việc tìm ra những giải pháp dài hạn cũng như lộ trình cho việc ứng phó, thích ứng với hạn mặn là vấn đề được các chuyên gia và địa phương trong vùng rất quan tâm. Để làm rõ hơn vấn đề này, nhóm phóng viên Nông nghiệp radio đã ghi nhận những phân tích, mổ xẻ vấn đề của các chuyên gia qua phóng sự sau.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, những nghiên cứu, thu thập dữ liệu từ Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, từ năm 1980 - 2023, tổng lượng dòng chảy sông Mekong chuyển cho ĐBSCL trên 443 tỷ m3 nước/năm và nội sinh của vùng khoảng 32 tỷ m3.

Do đó, nguồn tài nguyên nước mặt cho vùng phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước thượng nguồn sông Mekong chuyển về. Các hoạt động khai thác phía thượng nguồn đã và đang làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nước trong vùng ĐBSCL đang chịu áp lực bởi các hoạt động phát triển kinh tế nội tại như: nước thải sinh hoạt từ các đô thị; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt; hoạt động sản xuất công nghiệp... Điều này đặt ra thách thức lớn về nguồn nước cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết:

[Băng NGUYEN HONG HIEU]: “Đối với vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện luật, trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải xây dựng kịch bản nguồn nước cho vùng ĐBSCL. Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL xây dựng kịch bản nguồn nước và kịch bản nguồn nước này trên cơ sở các thông tin, số liệu dự báo khí tượng thủy văn, số liệu về khai thác thượng nguồn, khai thác sử dụng, nhu cầu sử dụng của các ngành thì các kịch bản nguồn nước này có thể sẽ cập nhật liên tục”.

Theo Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia, nhu cầu nước cho vùngĐBSCL đến năm 2030 là hơn 58 tỷ m3 và đến năm 2050 đạt gần 58,8 tỷ m3. Nhu cầu sử dụng tăng sẽ tạo ra áp lực lớn về nguồn nước cho vùng. Nhất là trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước diễn ra ở nhiều địa phương, nước ngọt trở nên khan hiếm.

Ghi nhận thực tế tại TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nơi đây vốn là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh nhờ hệ thống cống thủy lợi dàn trải đảm bảo cho việc ngăn mặn, dự trữ ngọt.

Tuy nhiên từ tháng 4/2024 đến nay, nước mặn theo tuyến kênh Xẻo Chích (giáp ranh 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng) xâm nhập vào địa bàn thị xã với nồng độ mặn khá cao. Trong khi đó, đoạn kênh này hiện chưa có cống thủy lợi, điều này đã gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương.

Hiện nay, nông dân thị xã Ngã Năm đã xuống giống gần 16.500ha lúa hè thu 2024, chiếm gần 90% diện tích sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng mặn xâm nhập, hàng trăm ha lúa hè thu ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn trong thời gian tới.

Chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) – Ông Lê Anh Tuấn cho biết:

[Băng LE ANH TUAN 1]: “Những số liệu của các tổ chức khoa học hay là các tổ chức quốc tế cho thấy một khối lượng nước chúng ta tạo ra sản phẩm giá trị rất thấp. Có nghĩa là chúng ta sử dụng nước cho một số sản xuất giá trị thấp, tập trung quá nhiều cho sản xuất lúa, kể cả những vùng mặn đã thiếu nước rồi chúng ta rang trồng lúa nữa, chắc chắn hiệu quả sẽ thấp hơn”.

Cũng theo chuyên gia Lê Anh Tuấn, để khắc phục tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn, ĐBSCL cần tính đến các giải pháp phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng. Đồng thời, các tỉnh/thành vùng ĐBSCL cũng cần xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt; hạn chế khai thác nước ngầm…

[Băng LE ANH TUAN 2]: “Chúng ta có rất nhiều cách để đảm bảo người dân có được nguồn nước sạch và an toàn trong sinh hoạt hay sản xuất. Thứ nhất là đánh giá lại tất cả những tài nguyên nước hiện có ở ĐBSCL và dự báo cho sự thay đổi này trong tương lai. Thứ hai là phải có một chiến lược phát triển hệ thống cấp nước sạch đến tất cả các nơi và thứ ba là nghĩ tới những giải pháp trữ nước ngọt trong mùa mưa”.

Bên cạnh những giải pháp trên, TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia Nghiên cứu khí hậu và thiên tai cực đoan đã từng có những nghiên cứu rất kỹ về lượng mưa. Ông đánh giá, với lượng mưa thấp nhất là 1.600mm và có thể lên đến 2.400mm, đây là lượng mưa rất lớn để sử dụng và dự trữ, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô.

Thế nhưng, ông Huy đặt vấn đề “Tại sao lượng mưa này chưa được đưa vào các kế hoạch, quy hoạch để tận dụng?”

[Băng NGUYEN NGOC HUY]: “Chúng ta nói rằng chúng ta thiếu nước, trong khi sông chúng ta có nước, trên trời có nước, thế tại sao thiếu nước. Vậy bài toán ở đây là chúng ta chưa giữ nước, vậy giữ nước ở đâu. Hiện tại chúng ta đang giữ nước chủ yếu trong kênh, nước thải, nước mưa, nước sông cũng đổ kênh và đó là những nguồn nước không sử dụng được do ô nhiễm và nhiễm mặn. Cho nên bài toán đặt ra là nước nào cho sinh hoạt, nước nào cho sản xuất và nước nào nước thải có thể dùng được, nước không dùng được đi ra biển. Chúng ta phải tìm được câu chuyện phân loại nguồn nước cho sử dụng”.

Nhận định này phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay ở một số địa phương duyên hải hoặc những khu vực hạ lưu ở ĐBSCL. Người dân rất khó tiếp cận nguồn nước, buộc lòng phải khai thác nước ngầm để sử dụng.

Theo những phân tích về lượng mưa, mùa mưa kết thúc vào tháng 11/2023 và kéo dài đến hết tháng 4/2024. Như vậy, tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài vài tháng, việc xây dựng các hồ chứa để giữ nước trong mùa khô cần được tính toán và bảo vệ nghiêm ngặt để sử dụng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các địa phương và cơ quan chuyên môn cần nghĩ tới câu chuyện phân loại nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, “năm nhuận tháng hạn” kinh nghiệm này đã được người dân ĐBSCL đúc kết từ bao đời nay. Bà con biết cách xuống giống sớm để né hạn mặn, trữ nước mưa để sử dụng trong mùa khô hay những khu vực không thuận lợi cho sản xuất lúa bà con chuyển sang những mô hình sinh kế khác phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương. Câu chuyện “sống chung với hạn mặn” đã không còn lạ lẫm, quan trọng là cách thức triển khai như thế nào để đảm bảo duy trì sự bền vững. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu. Người dân ĐBSCL phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có công văn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nội dung công văn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

MC 2: tin 2

Văn phòng Bộ Công an vừa tổ chức khai giảng lớp tập huấn công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; huấn luyện kỹ năng cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng Công an cấp cơ sở năm 2024. Tham gia Lớp tập huấn có gần 200 học viên là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn thuộc Công an 8 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; huấn luyện các kỹ năng cơ bản về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ Công an cấp cơ sở để ứng phó với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

MC 1: tin 3

Chiều tối ngày 4/5, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhà ở của nhân dân, một số công trình cơ sở hạ tẩng, tổng thiệt hại hơn 5,7 tỷ đồng. Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, Thành phố, dông lốc làm 2 người bị thương do nhà sập đổ. Hơn 1.700 nhà bị tốc mái, nhiều trường học, nhà công vụ, nhà văn hóa cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, thiên tai cũng làm hơn 120 ha ngô bị đổ gãy.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Câu chuyện 'sống chung với hạn mặn', làm sao để duy trì sự bền vững?

Nếu như trước đây, ĐBSCL hay được nhắc đến với hình ảnh 'sống chung với lũ' thì nay đã chuyển thành 'sống chung với hạn mặn'.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Phóng sự

Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông
Phóng sự

Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.

Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông