Cây mắc ca, thêm một lựa chọn cho vùng cao Vĩnh Sơn
Ngang qua 'khúc ruột' miền Trung những ngày đầu tháng 7, nắng lửa kiêu hãnh khiến nhiều diện tích cây trồng 'cúi đầu', đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Thế nhưng cũng tại 'chảo lửa' miền Trung ấy, giữa vùng đất khô hạn ở vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, có một vườn mắc ca xanh tốt nổi bật, vươn mình trong nắng.
Vũ Đình Thung | 13:42 13/07/2023
Cây mới trên vùng cao Vĩnh Sơn
Thực hiện nội dung: Vũ Đình Thung
Nhạc hiệu:
Nhạc nền:
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp”.
Thưa quý vị và bà con! Nằm ở độ cao trên 800m so với mặt nước biển, Vĩnh Sơn là xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Toàn xã có khoảng 700 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Bana, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Nguồn sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa nước và cây mì – hay còn gọi là cây sắn. Trước thực tế này, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới ở vùng cao Vĩnh Sơn và bước đầu cho hiệu quả tích cực. Cây mắc ca là một ví dụ điển hình đã mang lại nhiều giá trị, mở ra những hy vọng mới cho tương lai của bà con nơi đây, ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp Radio tại Vĩnh Sơn.
Nhạc nền:
MC 2:
Ngang qua “khúc ruột” miền Trung những ngày đầu tháng 7, nắng lửa kiêu hãnh khiến nhiều diện tích cây trồng “cúi đầu”, đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Thế nhưng cũng tại “chảo lửa” miền Trung ấy, giữa vùng đất khô hạn ở vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, vườn mắc ca xanh tốt của ông Đặng Văn Khánh lại nổi bật, vươn mình trong nắng.
Tạm dừng việc chăm sóc vườn mắc ca của mình, ông Khánh ngồi lại kể với chúng tôi về hành trình đưa “nữ hoàng hạt quả khô” đến với Vĩnh Sơn.
Năm 2009, từ một buổi tập huấn về nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông có dịp kết thân với 1 chuyên gia người Úc. Vị này đã hướng dẫn vợ chồng ông Khánh trồng thử nghiệm cây mắc ca tại quê nhà. Tuy nhiên, thời điểm đó, Việt Nam chưa có nguồn cung cây giống. Mãi đến năm 2012, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh tổ chức lớp tập huấn về cây trồng này, ông mới có thể trồng thử nghiệm. Và đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó, vườn mắc ca đã đem tới nguồn sinh kế ổn định cho gia đình.
Băng 1: Ông Đặng Văn Khánh – xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định: (cái thứ 1 là dễ trồng, 2 là dễ chăm sóc, 3 là dễ bán. Các cơ sở thu mua đến tận vườn)
MC 2:
Thời gian đằng đẵng, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, những ngày đầu đưa cây mắc ca về trồng trên đất Vĩnh Sơn, vợ chồng ông Đặng Văn Khánh đã chịu nhiều áp lực về tính hiệu quả của loại cây này. Bởi khi ấy người dân địa phương chưa biết nhiều tới mắc ca, ít người tin rằng loại cây trồng này có thể gắn bó với bản làng của mình. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một kỹ sư nông nghiệp, ông Khánh vẫn tin vào quyết định của mình. Và sau hơn 4 năm, cây mắc ca của ông sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu cho trái ngọt. Bằng lòng tin, sự kiên trì, tinh thần học hỏi, 2 ha đất rẫy của ông Khánh trở thành mô hình trồng mắc ca đầu tiên của xã Vĩnh Sơn, mỗi năm lại càng cho năng suất tốt hơn.
Băng 2 Ông Đặng Văn Khánh – xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định: (Nếu thâm canh đúng mức, từ năm thứ 6 trở đi, mỗi cây phải cho thu hoạch từ 45-50kg quả/năm. Với những diện tích mắc ca trồng bán thâm canh mỗi năm cho 15 - 20kg/cây,)
MC 2:
Đến nay, sau hơn 10 năm có mặt ở vùng cao Vĩnh Sơn, cây mắc ca đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng trên mảnh đất này. Từ 2ha ban đầu, giờ đây, vườn mắc ca của ông Khánh đã tăng lên hơn 6ha. Cây sinh trưởng phát triển tốt, ra hoa đậu quả theo chu kỳ, cho năng suất khá, đầu ra và giá bán cũng đề ổn định. Vườn mắc ca của ông cũng trở thành mô hình cho người dân địa phương tham quan học hỏi để tìm hướng làm thoát nghèo bền vững. Về tương lai của cây trồng này trong thời gian tới, ông Lê Minh Thông Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết:
Băng 3 Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định: (xác định cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Vĩnh Sơn, nên trong thời gian tới, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh sẽ vận động người dân Vĩnh Sơn chuyển đổi cây trồng, nhân rộng diện tích trồng mắc ca tại xã vùng cao này, trong đó đặc biệt lưu ý người dân khi trồng mắc phải cẩn trọng trong việc chọn mua cây giống chất lượng để đảm bảo hiệu quả.)
MC 1 dẫn kết:
Vâng thưa quý vị, một thập kỷ trôi qua, vườn cây mắc ca đầu tiên đã đứng vững và ngày càng phát triển tốt ở vùng đất Vĩnh Sơn, tạo cho gia đình ông Đặng Văn Khanh nguồn thu nhập tốt hơn và rộng hơn, ý nghĩa hơn cả là mở ra nguồn sinh kế mới, bền vững hơn cho đồng bào dân tộc Bana nơi đây. Với những kết quả khả quan bước đầu, cây trồng này được kì vọng sẽ lan rộng và trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh.
Nhạc
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất, phát triển nông nghiệp.
MC 1:
Trong giai đoạn 2021 đến tháng 6 năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP.HCM đạt gần 46.670 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xác định danh mục chương trình, đề án, dự án cụ thể về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các sở ngành cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, công nghệ sinh học, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
MC 2:
Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung ở các địa phương: Phú Xuyên, Chương Mỹ… Hoạt động này gắn với việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với những thiết bị hỗ trợ sản xuất hiệu quả. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân. Nhận thức rõ được điều này, khi đưa các mô hình áp dụng công nghệ vào đồng ruộng, ngành khuyến nông Hà Nội đều kết nối cả 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp cung ứng công nghệ và hợp tác xã...
MC 1:
Cùng với sản xuất theo hướng công nghệ cao, để giải quyết bài toán lao động, tại vùng trồng mía nguyên liệu thuộc xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nhiều nông dân đã tự tìm tòi, học hỏi để cải tiến các thiết bị máy móc vào việc chăm sóc cho cây mía, từ đó giảm áp lực phải thuê lao động. Vùng mía xã Quảng Sơn hiện có tổng diện tích khoảng 823ha. Cơ giới hóa đã được nông dân ở đây áp dụng từ khâu trồng tới chăm sóc mía. Việc sử dụng máy móc đã giảm được khoảng 33 - 47% chi phí so với thuê lao động. Bên cạnh ứng dụng cơ giớ hóa, người dân địa phương còn sử dụng nguồn lá sau thu hoạch làm nguồn phân bón hữu cơ. Kết hợp 2 phương pháp này, người trồng có lợi nhuận cao hơn từ 7 đến gần triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại!
Cây mắc ca, thêm một lựa chọn cho vùng cao Vĩnh Sơn
Ngang qua 'khúc ruột' miền Trung những ngày đầu tháng 7, nắng lửa kiêu hãnh khiến nhiều diện tích cây trồng 'cúi đầu', đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Thế nhưng cũng tại 'chảo lửa' miền Trung ấy, giữa vùng đất khô hạn ở vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, có một vườn mắc ca xanh tốt nổi bật, vươn mình trong nắng.
Vũ Đình Thung
Tin liên quan
Các chương trình
Gìn giữ bản sắc từng ngôi làng để phát triển du lịch nông thôn; Trồng rừng bảo vệ nguồn nước, mang lại sinh kế cho bà con; Cá chết trắng mặt hồ rộng 36 ha.
Rét đậm, rét hại sẽ bao trùm khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nên bà con cần chú ý giữ ấm để bảo vệ sức khỏe.