Đảm bảo tiếp cận nguồn vốn ODA đồng bộ, không gây thất thoát
Đảm bảo tiếp cận nguồn vốn ODA đồng bộ, không gây thất thoát. Quảng Bình: Mỗi năm sử dụng trên 62 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Hà Tĩnh 'thúc' các địa phương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa hè thu. Hơn 11.300 ha rừng trồng gỗ lớn tại Thừa Thiên - Huế được cấp chứng chỉ FSC. Bắc Kạn có vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Xuân Hào | 07:27 11/07/2023
-
Đảm bảo tiếp cận nguồn vốn ODA đồng bộ, không gây thất thoát
Thưa quý vị và bà con, hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác củaNgân hàng Thế giới - WB do Giám đốc về Phát triển bền vững khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - bà Anna Wellenstein làm Trưởng đoàn. Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với ghi nhận thực tế của phóng viên Quỳnh Chi tại cuộc họp.
Kính chào quý thính giả của Nông nghiệp Radio, thưa quý vị và bà con, dựa trên những thành công đã đạt được trong các dự án hợp tác, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Ngân hàng Thế giới – WB vừa có cuộc gặp mặt và trao đổi các kế hoạch, định hướng trong tương lai cho sáu 6 lĩnh vực ưu tiên cao trong xây dựng quan hệ đối tác giữa Bộ NN&PTNT với WB gồm: Dự án Sửa chữa và nâng cao An toàn Đập và quan hệ đối tác chiến lược tiếp theo trong chương trình Hợp tác ngành nước (VWE), Dự án Chuyển đổi tổng hợp và Thích ứng với Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT), “Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao và carbon thấp”, Chương trình giảm phát thải rừng khu vực Bắc Trung Bộ (ER), Dự án Phát triển Thủy sản bền vững (SFDP) và Chương trình tiếp cận nhiều giai đoạn về khả năng phục hồi ven biển – Giai đoạn 1: Tăng cường khả năng phục hồi trước các hiểm họa ven biển (WB10). Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoancùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã lần lượt đưa ra định hướng của ngành trong giai đoạn tiếp theo để tận dụng nguồn vốn từ WB thực hiện có hiệu quả các dự án này. Đồng thời, đại diện WB và Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục có những hợp tác hiệu quả trong thời gian tới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải của Việt Nam.
Cảm ơn phóng viên Quỳnh Chi, mời quý vị và bà con cùng quay lại với những tin tức về hoạt động sản xuất nông nghiệp trong 24h qua.
Quỳnh Anh
- Quảng Bình: Mỗi năm sử dụng trên 62 tấn thuốc bảo vệ thực vật
Theo Sở NN-PTNT Quảng Bình, mỗi năm người trồng trọt ở địa phương sử dụng trên 62 tấn thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là thuốc hóa học. Lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường ước khoảng 4 - 4,5 tấn, trong khi việc thu gom, tiêu hủy vỏ lọ, bao bì thuốc chỉ đạt khoảng 10% so với lượng vỏ bao bì thuốc thải ra môi trường. Do đó, thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Bình sẽ tập trung chỉ đạo việc quản lý nhà nước về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ, chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Tâm Phùng
- Hà Tĩnh “thúc” các địa phương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa hè thu
Tại Hà Tĩnh, hiện nay, lúa hè thu đang trong giai đoạn đứng cái, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo, sâu cuốn lá nhỏ lứa tiếp theo có thể nở rộ từ khoảng ngày 10/7 trở đi, gây hại giai đoạn lúa đứng cái - phân hoá đòng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa hè thu. Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu cuốn lá nhỏ gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với công ty thuỷ nông trên địa bàn điều tiết chế độ nước hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ nước cho lúa sinh trưởng phát triển, theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng để bón thúc đòng kịp thời.
Thanh Nga
- Hơn 11.300 ha rừng trồng gỗ lớn tại Thừa Thiên – Huế được cấp chứng chỉ FSC
Theo số liệu từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tính đến năm nay, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững – FSC của địa phương đạt trên 11.300 ha. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng, định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế cho nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Do đó, việc tăng thêm diện tích rừng trồng gỗ lớn, nhất là đối với loài Keo để đa dạng hoá sản phẩm gỗ rừng trồng, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của địa phương.
Công Điền
- Bắc Kạn có vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam
Là địa phương có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, năm ngoái, xã Yên Phong đã được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn lựa chọn là vùng thí điểm sản xuất lúa hữu cơ. Năm đầu tiên thực hiện, toàn xã có 90 hộ tham gia với diện tích trên 17ha, năng suất đạt trung bình 50-55 tạ/ha, nhiều hộ làm tốt năng suất đạt 60 tạ/ha, toàn bộ đều có doanh nghiệp bao tiêu. Triển vọng từ mô hình, xã Yên Phong đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong. Sau nhiều nỗ lực, tháng 6 năm nay, Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, quy mô 8,26ha cho 47 hộ. Đây là địa phương có sản phẩm lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn.
Ngọc Tú
Nhạc
Thưa quý vị và bà con, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững. Những thành quả ấy không chỉ đến từ sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các đơn vị quản lý nhà nước và người sản xuất mà còn đến từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó Ngân hàng thế giới – WB. Thời gian qua, theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, WB đã tận dụng các nguồn tài chính của Ngân hàng để cho vay, cung cấp dịch vụ tư vấn và phân tích, quỹ ủy thác, tài chính carbon và các nhóm huy động để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả yêu cầu của Bộ. Trân trọng sự hợp tác, giúp đỡ này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo tận dụng tốt nguồn vốn ODA, chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch và không gây thất thoát.
Băng:
Quỳnh Anh
Bây giờ sẽ là những thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành về nông nghiệp sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, 11/7/2023.
Hôm nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Nghe báo cáo các tiến độ thực hiện các dự án, đầu tư công liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Sau đó, họp Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình "Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Thứ trưởng Trần Thanh Nam dự Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Sau đó, làm việc với Trường Cao Đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp Họp Ban Thường vụ đảng Bộ tháng 7/2023.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị họp sơ kết Chỉ thị số 13 chỉ thị trung ương.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Trung nghe báo cáo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118 về tiếp tục sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Họp Ban Thường vụ đảng Bộ tháng 7/2023. Sau đó, tiếp Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của Tổ chức Crop Life và dự Lễ ký Thỏa thuận hợp tác về Khung quản lý thuốc Bảo vệ thực vật bền vững.
Quỳnh Anh
$ Nội dung vừa rồi cũng kết thúc Bản tin Nông nghiệp 24h của kênh phát thanh Nông nghiệp Radio hôm nay, bản tin do BTV Xuân Hào biên soạn và thực hiện, xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau.
Đảm bảo tiếp cận nguồn vốn ODA đồng bộ, không gây thất thoát
Đảm bảo tiếp cận nguồn vốn ODA đồng bộ, không gây thất thoát. Quảng Bình: Mỗi năm sử dụng trên 62 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Hà Tĩnh 'thúc' các địa phương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa hè thu. Hơn 11.300 ha rừng trồng gỗ lớn tại Thừa Thiên - Huế được cấp chứng chỉ FSC. Bắc Kạn có vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Xuân Hào
Tin liên quan
Các chương trình
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm IUU; Rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn thực phẩm; Sương muối gây ảnh hưởng nhiều diện tích cà phê.
Thời tiết trên cả nước tiếp tục mang đậm nét đặc trưng của vùng. Từ mùa đông miền Bắc đến ẩm ướt miền Trung và sự ấm áp, rực rỡ của miền Nam.