Dân giữ rừng, rừng tạo sinh kế
Sở hữu 56.000ha diện tích đất lâm nghiệp, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều đề án, chính sách hỗ trợ bà con với quyết tâm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, để người dân ai cũng được hưởng lợi từ rừng.
Tiến Thành | 14:25 03/11/2023
Ai cũng được hưởng lợi từ rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển lâm nghiệp.
MC1:
Thưa quý vị và bà con, là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Ba Chẽ sở hữu 56.000ha diện tích đất lâm nghiệp và con số này chiếm tới 94% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây cũng rất phù hợp cho phát triển trồng rừng và các loài cây dược liệu quý dưới tán rừng. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp tại địa phương với quyết tâm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh.
MC2:
Thưa quý vị và bà con, cùng với mục tiêu trở thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ cũng đề ra mục tiêu nâng caogiá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế xã hội và môi trường. Gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản, hàng hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh. Và đây cũng là những mục tiêu được đưa ra trong Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019 – 2025 cùng Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ 25 nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Để hỗ trợ bà con nông dân và chủ rừng, các cơ quan chuyên môn của huyện đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, trồng cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời biên soạn sổ tay, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu và các chính sách hỗ trợ hiện hành để các xã, thị trấn triển khai thực hiện.
Nhờ vậy, người dân huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng thay thế cây keo sang nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, giổi, lim. Ông Triệu Quý Trình, một trong những người tiên phong trồng lim trên địa bàn xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chai sẻ:
Băng 1: "Gia đình nào hộ nào ở làng xóm, thôn nào mà trồng được thì sẽ mang lại cái lợi ích thứ nhất là kinh tế cho gia đình đó. Hôm nay ta trồng thôi, mai sau thứ nhất đã hưởng về môi trường thứ 2, người ta hưởng về cái vấn đề kinh tế gia đình thì lim lâu dài nhưng mà cũng nên phải trồng để đủ các loại cây, đảm bảo cái hệ thống sinh thái, các loại cây trồng nó mới ổn định, phát triển, làm sao cái môi trường trong sạch cho mọi người. Ai cũng được hưởng".
MC 2:
Để chủ động nguồn giống cây trồng chất lượng cao, huyện Ba Chẽ đã phối hợp cùng 15 đơn vị, doanh nghiệp chủ vườn ươm, đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn toàn huyện.
Với diện tích trên 4 ha hợp tác xã lâm nghiệp bền vững Ba Chẽ là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cung ứng nhiều loại giống cây gỗ lớn cho người dân địa phương, điển hình như các loài lim xanh, dổi xanh, lát hoa bằng phương pháp ghép và gieo hạt truyền thống. Các loại giống cây trồng được lấy từ Sở NN-PTNT các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và viện lâm nghiệp Hà Nội. Quá trình gieo ươm hạt giống và cấy ghép cây được đơn vị thực hiện đúng quy trình bài bản, đặc biệt chú trọng việc lựa chọn phân bón, từ đó giúp tăng chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Ông Đặng Văn Đạt, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Bền Vững Ba Chẽ cho biết:
Băng 2: "Công ty chúng tôi là 1 năm sản xuất ra 1,5 triệu cây các loại, trước khi bà con đến đặt cây và mua cây. Chúng tôi, công ty đều có người hướng dẫn cách chăm bón và quy trình trồng ở trên đồi, bà con mà cứ trồng quy cách như thế, sau một thời gian cây giống, sự được phát triển rất là tốt"
MC 2: Sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tuổi thơ của ông Nịnh Văn Năm đã được theo cha chăm sóc những cánh rừng lim bạt ngàn. Hơn ai hết, ông hiểu rõ giá trị của cây lim vì từ xa xưa, lim được đánh giá là loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo thời gian, những cánh rừng lim bạt ngàn ấy đã mất dần. Muốn vực dậy những cánh rừng để con cháu mai sau có nguồn thu nhập từ cây lim, ông Năm quyết định trồng 5 hecta lim xanh thay vì trồng cây keo như trước kia. Biết rằng cây lim phát triển chậm, để phát triển kinh tế, song, lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen canh cây quế và trồng cây cát sâm dưới tán rừng trồng lim xanh. Hiện tại, rừng lim xanh của ông Năm đã hơn 2 năm tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt. Nhìn cánh rừng lim xanh mơn mởn mới thấy hết được bao tâm huyết của ông Năm dành cho đứa con tinh thần này.
Băng 3: "Những trận lũ quét lịch sử như là năm 2008 thì rất là thảm hại. Vì vậy, trồng cây gỗ lớn để cũng là cái kinh tế sau này để cho con cháu chúng ta, thứ 2 nữa cũng là bảo vệ cái môi trường sống xã hội bây giờ càng ngày càng phát triển thì kinh tế không khó khăn nữa. Tôi rất mong muốn là chúng ta sẽ tham gia trồng cái cây gỗ lớn để tương lai sau này góp một phần vào bảo vệ môi trường cũng như là những cái sinh thủy để phục vụ đời sống của chúng ta hàng ngày"
MC 2:
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện với mục tiêu trồng 5000ha đến nay, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã trồng được 2600ha, đạt 52% mục tiêu đề án. Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ thông tin.
Băng 4: "Để tiếp tục phát huy cái việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện thì tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là phát huy cái vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn để triển khai cái công tác trồng rừng gỗ lớn. Cái thứ 2 nữa là cũng báo cáo với tỉnh để có những cái cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là hỗ trợ những cái loài cây dưới tán rừng gỗ lớn để nhân dân ổn định và yên tâm sản xuất trong rừng gỗ lớn, cái thứ 3 nữa thì cũng tạo điều kiện cho tất cả các chủ doanh nghiệp, các cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn để chuẩn bị hiện trường rồi nhân lực cũng như là huy động các nguồn vốn để trồng rừng gỗ lớn và chúng tôi cũng xây dựng một số cái mô hình mẫu, một số mô hình điểm để nhân dân tham quan, học tập cũng như là làm theo trong cái công tác trồng rừng gỗ lớn.
MC 1:
Vâng thưa quý vị và bà con, từ những chia sẻ vừa rồi có thể thấy rằng, từ nghị quyết sát với thực tiễn, cùng với công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc trồng rừng cây gỗ lớn. Nhờ đó, chủ động trồng rừng cũng như chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng lâu năm, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất của người dân và từng bước đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp trên cả nước.
MC 1 – tin 1
Thưa quý vị và bà con, UBND TP Hải Phòng vừa gia hạn thời gian thực hiện dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà đến năm 2025. Dự án trồng mới gần 120ha rừng, gồm rừng ngập mặn ven biển, rừng đồi núi, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng 1 vườn ươm giống cây bản địa diện tích 1,95 ha. Khi hoàn thành việc trồng rừng sẽ giúp nâng cao độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái rừng, biển trong sạch, mở rộng môi trường sống cho khu hệ động vật hoang dã, phát huy tối đa các tiềm năng đa dạng sinh học. Đến nay, đã thực hiện trồng 100% theo dự án phê duyệt điêu chỉnh 2023, còn vườn ươm đã bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Bà. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trồng dặm, chăm sóc bảo vệ rừng năm thứ 3, năm thứ 4 theo quy định.
MC 2 tin 2
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền thu dịch vụ môi trường rừng đạt gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giúp huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững. Hiện nay, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho tất cả các đơn vị chủ rừng ở Đắk Nông đều được thực hiện bằng hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Đến nay 100% các đơn vị sử dụng dịch vụ đã thực hiện ký kết hợp đồng chi trả theo quy định. Tổng diện tích bình quân qua các năm được xác định cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh hơn 148.000ha. Đặc biệt, tỷ trọng bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
MC 1: tin 3
Những năm qua, nhu cầu giống cây lâm nghiệp tăng rất cao. Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng gặp những khó khăn nhất định. Với mục tiêu nâng vị thế của giống cây lâm nghiệp, tỉnh Bắc Giang đang tập trung triển khai Đề án phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp. Theo đó, Yên Thế là huyện trọng điểm sản xuất giống cây lâm nghiệp của tỉnh với 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chiếm khoảng 70% tổng số cây giống trên địa bàn tỉnh. Đề án được triển khai sẽ thực hiện những nội dung chính như xây dựng trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2030 đạt công suất từ 10 triệu mầm mô/năm trở lên…
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Dân giữ rừng, rừng tạo sinh kế
Sở hữu 56.000ha diện tích đất lâm nghiệp, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều đề án, chính sách hỗ trợ bà con với quyết tâm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, để người dân ai cũng được hưởng lợi từ rừng.
Tiến Thành
Tin liên quan
Các chương trình
Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.
Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.