Dần thay đổi cách trồng lúa theo hướng mới
Trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp leo thang, nông dân cũng như ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã thích ứng ra sao, áp dụng những phương pháp gì để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và giảm chi phí?
Xuân Hào | 10:00 15/06/2022
Mời quý thính giả cùng theo dõi tiếp phóng sự do nhóm phóng viên Nông nghiệp Radio tại ĐBSCL vừa thực hiện.
Phát triển nông nghiệp ĐBSCL: Dần thay đổi cách trồng lúa theo hướng mới
Cách phát triển nông nghiệp ĐBSCL thịnh vượng phần 2
Thưa quý vị và bà con, trong số phát sóng gần đây, Nông nghiệp Radio đã thông tin đến bà con thực trạng về vấn đề chi phí sản xuất lúa tăng cao ở vùng ĐBSCL. Tiếp nối câu chuyện này, trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp leo thang, nông dân trong vùng cũng như ngành nông nghiệp đã thích ứng ra sao, áp dụng những phương pháp gì để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và giảm chi phí? Mời quý thính giả cùng theo dõi tiếp phóng sự do nhóm phóng viên Nông nghiệp radio tại ĐBSCL vừa thực hiện.
Tại ruộng lúa đang chuẩn bị gieo sạ vụ thu đông năm nay, ông Phan Thiện Khanh ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho chúng tôi hay, khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông chuyển từ sạ 3 vụ xuống còn 2 vụ lúa/năm, do chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận lại không nhiều, thậm chí phá huề hoặc thua lỗ.
Để không phụ thuộc vào biến động thị trường, ông Khanh đã xây dựng kế hoạch giảm chi phí cho ruộng nhà. Ông không sạ vụ lúa hè thu, thay vào đó dành thời gian phơi đất, cho đất nghỉ ngơi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm lượng phân bón và các chi phí khác cho vụ sau.
Ngoài phương pháp giảm chi phí, ông Khanh cũng chia sẻ quan điểm cá nhân về cách trồng lúa truyền thống, từ đó khẳng định, bà con hiện nay ngày càng có ý thức cao hơn trong việc tiết kiệm vốn sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh vai trò kinh tế của nghề trồng lúa truyền thống.
Sau những lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng lúa cũng như ý thức được vấn đề giảm chi phí trong sản xuất, nông dân ở ĐBSCL đã kết hợp nhiều phương pháp, các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng. Trò chuyện với nhóm phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh Trang, người dân xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang khẳng định, trồng lúa đã là nghề truyền thống của gia đình, không thể vì giá phân bón tăng cao mà bỏ lúa. Tuy nhiên, theo tính toán của ông, riêng vụ lúa hè thu 2022 này, chi phí sản xuất sẽ tăng gần gấp đôi so với mọi năm, trong đó chi phí phân bón đã chiếm đến hơn 30%.
Vài năm trở lại đây, nông dân trồng lúa ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã chủ động lựa chọn phương pháp sạ thưa cắt giảm giống lúa khoảng 35 – 40% so với cách làm truyền thống để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường. Bên cạnh đó, trong cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ, bà con cũng chú trọng lựa chọn các giống lúa hiện đang được thị trường ưa chuộng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài việc tìm lời giải điều tiết giá cả phân bón trên thị trường, các địa phương vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình, dự án hướng nông dân đến các giải pháp tiến bộ để giảm chi phí sản xuất, cụ thể là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Các tỉnh thành tại ĐBSCL thay đổi cách trồng lúa theo hướng mới
Tại TP Cần Thơ, để nông dân chủ động điều tiết giá thành sản xuất, nằm trong chương trình Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Chi cục Trồng trọt và BVTV thành phố đã đặt ra mục tiêu gia tăng 20% lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng kỹ thuật hiện đại, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa gạo.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cũng chỉ ra khó khăn hiện nay trong công tác giảm chi phí là việc khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ.
Hiện nay, diện tích lúa áp dụng các quy trình, biện pháp kỹ thuật mới có sự gia tăng đáng kể qua từng năm. Nhiều chương trình mang lại hiệu quả nổi bật, góp phần tăng năng suất và chất lượng lúa, đồng thời giảm được số lượng phân bón, thuốc trừ sâu đáng kể.
Điển hình như tại TP Cần Thơ, nhiều nông dân trên địa bàn đã áp dụng quy trình 3G3T trong sản xuất lúa và nhận được những kết quả đáng mừng. Trong đó, vụ đông xuân 2021 – 2022 cho tỷ lệ tăng lợi nhuận đạt hơn 30% so với nông dân nằm ngoài dự án.
Còn tại Sóc Trăng, với đặc thù địa phương có nhiều vùng sinh thái khác nhau, việc thực hiện giảm chi phí sẽ tùy thuộc vào điều kiện của từng vùng. Vùng ngọt hóa lâu đời sản xuất thuận lợi, bà con nông dân làm lúa 3 vụ/năm. Một số vùng ngọt nhưng do nhiễm phèn, mùa nước ngập không thể trồng lúa, bà con chuyển sang canh tác 2 vụ/năm. Lại có những vùng, xen kẽ 2 hoặc 3 vụ theo điều kiện từng năm. Với vùng nhiễm mặn bà con có thể luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh này đã cố gắng thực hiện những mô hình giảm lượng phân hóa học lại, tăng hữu cơ lên và nhiều biện pháp để đảm bảo năng suất lúa ổn định mà tốn ít chi phí nhất.
Thưa quý vị và bà con, từ những cách làm trên, sự phối hợp giữa địa phương và nông dân đã giúp bà con mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn tiếp nhận cái mới và chủ động thay đổi. Trong phóng sự kỳ sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến quý thính giả cách liên kết, hợp tác trong hợp tác xã để đưa nông dân vượt qua “bão giá vật tư”, mời quý thính giả cùng đón nghe.
Dần thay đổi cách trồng lúa theo hướng mới
Trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp leo thang, nông dân cũng như ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã thích ứng ra sao, áp dụng những phương pháp gì để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường và giảm chi phí?
Xuân Hào
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.