Đầu tư chế biến sâu để xuất khẩu rau quả thêm nhiều thắng lợi
Dù đã mang về những con số xuất khẩu ấn tượng và liên tục tăng trong những tháng vừa qua nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý, nếu được đầu tư tốt hơn về vùng trồng và chế biến thì ngành hàng xuất khẩu rau quả có thể mang về kim ngạch cao hơn nhiều so với kết quả hiện nay.
Minh Đãm | 15:52 25/09/2023
Đầu tư chế biến sâu để xuất khẩu rau quả thêm nhiều thắng lợi
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Tầm nhìn nông nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt trên 464 triệu USD, tăng gần 15% so với tháng trước. Kết quả này đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm đạt 3,55 tỉ USD, tăng gần 62% so với cùng kỳ và vượt con số của cả năm 2022. Dù đã mang về những con số ấn tượng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, nếu được đầu tư tốt hơn về vùng trồng và chế biến thì ngành hàng này có thể mang về kim ngạch cao hơn nhiều so với kết quả hiện nay. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, mời quý vị cùng đến với phóng sự sau của Nông nghiệp Radio.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, nhằm quảng bá đến người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng từng vùng miền, kết nối cung – cầu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là cây ăn trái trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư, tăng cường liên kết, hỗ trợ phát triển các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, chủ lực của các địa phương, Festival nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023 vừa diễn ra đã thu hút khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và trở thành nền tảng quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, trái cây quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Là Công ty đang chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu các loại rau quả như: Xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi và là đơn vị đứng đầu Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ, chia sẻ tại Hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” trong khuôn khổ Festival vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Huế, Quản lý dự án, kiêm trợ lý Tổng giám đốc, Tập đoàn Vina T&T Group chia sẻ: ba yếu tố để một loại nông sản có thể đứng vững trên thị trường là độ ngon, sản lượng ổn định và chất lượng tốt đều hội đủ ở trái cây Việt Nam.
Lấy ví dụ cụ thể trên bưởi da xanh, một trong 3 loại trái cây chủ lực mà Vina T&T đang xuất khẩu sang các nước. Bà Huế cho rằng, bưởi Việt ngon hơn hẳn quả bưởi của các nước khác, thời gian bảo quản hiện nay đã đạt đến 90 ngày và tương lai cải tiến khoa học công nghệ có thể tăng lên 120 ngày. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ bưởi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không có nhiều.
Băng: (56S) NGUYEN THI HUE:
“Việc này mình cùng nhau cải tiến, tại vì bà con nông dân đã có nhiều kinh nghiệm. Thứ hai là sự chung tay của chuyên gia, các thầy cô các ban lãnh đạo để đưa kiến thức về tăng năng suất của bà con. Tiếp theo là tăng năng suất một cách bền vững. Năng suất có nhiều cách thức mình dùng phân bón hay là cấy ghép, giống… nhưng cái “key word” ở đây là bền vững. Mình không chỉ làm một mùa với nhau, thì việc mà nâng tầm nông sản nó không chỉ là một hai, ba, năm năm mà nó là cả một thời gian dài do vậy việc phát triển là vì bà con nông dân vì chính mình chứ không phải là vì ai khác. Và cuối cùng là sự phối hợp đồng bộ với cơ quan chức năng, cán bộ địa phương vì cán bộ địa phương ở cùng với mọi người ở cùng với bà con nông dân, mong mọi người gắn kết với nhau. Tinh thần tiên phong sẵn sàng của tất cả thành viên trong chuỗi giá trị nông nghiệp để cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, vì tất cả mọi người chúng ta.”
MC 2:
Ở một hướng tiếp cận khác, theo bà Dương Thị Hồng Nga, Quản lý chất lượng - Công ty TNHH Quốc Thảo (tỉnh Vĩnh Long): Để nâng cao giá trị cho mặt hàng rau quả xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và có quy trình chế biến sâu, chất lượng cao.
Theo bà Nga, quá trình chế biến nông sản không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn giúp bảo quản sản phẩm trong thời gian dài hơn và tăng khả năng xuất khẩu. Chế biến nông sản có thể làm thay đổi hình thức, vị trí chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường khác nhau.
Băng: (60s) DUONG THI HONG NGA:
“Ví dụ khóm nguyên liệu mua vào với giá từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi chế biến và đóng hộp sẽ có giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Bắp non nguyên liệu mua vào với giá từ 18.000 -20.000 đồng/kg, sau khi chế biến và đóng hộp sẽ có giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Nấm rơm nguyên liệu mua vào với giá từ 68.000 – 72.000 đồng/kg, sau khi sơ chế sẽ có giá bán dao động từ 100.000 – 120.000 đồng.
Tương tự với nhiều loại nông sản khác, giá trị sản phẩm được nâng lên gấp đôi sau khi đóng hộp, nhờ vậy góp phần cải thiện giá thu mua nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Đặc biệt, đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến, công ty có thể sử dụng những sản phẩm không bắt mắt bên ngoài những chất lượng bên trong vẫn đảm bảo để chế biến đóng hộp, góp phần tiêu thụ những sản phẩm bị đánh rớt loại khi mua sản phẩm tươi trên thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và nâng cao giá trị nông sản, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân”.
MC 2:
Tại ĐBSCL, PGS.TS. Võ Thành Danh, Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ đánh giá bối cảnh chung của nền nông nghiệp ở còn manh mún, sản xuất chưa có sự chuyên mon hóa cao, chưa có nền nông nghiệp hàng hóa, thiếu những công ty doanh nghiệp lớn dẫn dắt ngành.
Mặc dù dư địa xuất khẩu nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng còn rất lớn, tuy nhiên, để phát triển được ngành hàng này thì các nông hộ và doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu cần vượt qua các rào cản về công nghệ giống; bảo quản, chế biến tinh và sâu với chất lượng cao nhất nhưng chi phí phải thấp nhất.
PGS Võ Thành Danh cho rằng để có thể đạt được mục tiêu đó, người nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang mô hình kinh tế nông nghiệp, xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, trong đó, doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân và nông dân là các vệ tinh.
BĂNG (100s): VO THANH DANH:
Về giải pháp tập trung giải pháp cung là chính yếu, ví dụ chúng ta phải nói về tiêu chuẩn hóa, hàng hóa phải tiêu chuẩn hóa, lúa gạo phải tiêu chuẩn hóa, cây ăn trái phải tiêu chuẩn hóa, tôm phải tiêu chuẩn hóa. Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm. Một nền nông nghiệp đầy tiềm năng như ĐBSCL cũng chỉ mới dừng lại ở bán sản phẩm chính là sản phẩm thô. Mà đôi khi sản phẩm phụ, kinh nghiệm của những phát triển cao hơn nó là sản phẩm chính đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Ví dụ cây lúa, để làm ra một kg lúa gạo thì tương ứng với nó nhiều hơn là một kg rơm rạ, trấu trong chế biến là cám những thứ đó có khi giá trị rất nhiều. Mà chúng ta chưa làm được. Chúng ta cần phải phải phát triển mạnh hơn nữa các ngành chế biến nông sản, phát triển giống và chuyển giao giống xúc tiến thị trường cho những thị trường bặc cao tiềm năng, củng cố liên kết ngang, chuỗi hệ thống hợp tác xã, công ty. Những cái này mang bản chất của kinh tế vùng. Phát triển cho cái ngành và cái vùng năng động như thế này. Và cuối cùng thì thị trường nông sản luôn là bài tóan thặng dư cung. Người sản xuất luôn cần phải ghi nhớ cái này. Chúng ta may mắn có một vụ trúng mùa trúng gía nhưng nó chỉ là tạm thời. Cho nên là để giải quyết cái này chỉ có doanh nghiệp lớn, liên kết với các doanh nghiệp này thì mới giải quyết được.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, qua những chia sẻ vừa rồi của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, có thể thấy, để nông sản Việt Nam khẳng định được vị thế, dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm chất lượng. Công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cần phải được quan tâm. Ngoài ra, các yếu tố bao bì, nhãn mác cũng cần được đầu tư tương xứng. Và như Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã từng khuyến nghị, nhà nước cần quy hoạch lại vùng trồng, nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh cung vượt cầu, Hàng Việt Nam sẽ có chỗ đứng nếu biết tận dụng các ưu thế riêng.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp.
MC 1: Thưa quý vị và bà con
Tại hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023. Ông Nguyễn Anh Phong, Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Nhấn mạnh du lịch nông thôn, sinh thái là xu thế tương lai, ông Nguyễn Anh Phong cho rằng phát triển loại hình này cần phải theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị: sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống, gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, trải nghiệm.
Quỳnh Anh
MC 2:
Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh và các hoạt động bên lề trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề: 'Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không' vừa diễn ra đã thu hút 100 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tham gia, quy tụ những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam và TP.HCM với các gian hàng, mang màu sắc, thông điệp và câu chuyện chuyển đổi xanh riêng có của mỗi doanh nghiệp tham gia triển lãm với các nhóm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tiêu biểu như nông nghiệp xanh, hữu cơ, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, môi trường xanh cho đến tiêu dùng xanh, du lịch xanh….
Trần Trung
MC 1
Từ việc chỉ biết đến chè xanh như một thức uống thông thường, nay nhiều bà con người Mông ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, đã trở thành những sứ giả cho một giá trị mới. Người tạo ra sự thay đổi này là anh Đào Đức Hiếu. Rời bỏ một công việc ở thành phố, 3 năm nay anh Hiếu đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Từ sự hướng dẫn của anh, lần đầu tiên đồng bào Mông biết rằng, vẫn cây trà cổ thụ trăm năm, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được nhiều loại sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp 10 - 15 lần so với trước. 1kg bạch trà có giá lên tới 12 triệu đồng. Trà càng để lâu càng quý, càng tăng thêm giá trị. Cũng vì thế, người Suối Giàng giờ có thể tự hào khi trà của bản đã xuất hiện trong khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp, sân bay...
Thành Tiến
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Đầu tư chế biến sâu để xuất khẩu rau quả thêm nhiều thắng lợi
Dù đã mang về những con số xuất khẩu ấn tượng và liên tục tăng trong những tháng vừa qua nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý, nếu được đầu tư tốt hơn về vùng trồng và chế biến thì ngành hàng xuất khẩu rau quả có thể mang về kim ngạch cao hơn nhiều so với kết quả hiện nay.
Minh Đãm
Tin liên quan
Các chương trình
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt ứng dụng IPHM; Phát hiện 850 lượt tàu vi phạm trong năm 2024; Giá nông sản tăng, người dân phá rừng mở rộng diện tích.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và khuếch tán yếu xuống Nam bộ.