ĐBSCL ngóng nước ngọt 'giải khát' cho ruộng vườn

Nước sông Hậu mùa này dâng cao, thế nhưng người dân không thể lấy nước vào nội đồng để phục vụ sản xuất do độ mặn vượt ngưỡng. Khoảng nửa tháng qua, hầu hết các cống thủy lợi trên địa bàn hai huyện Trần Đề, Long Phú buộc phải đóng kín.

Kim Anh  | 11:29 07/03/2024

ĐBSCL ngóng nước ngọt 'giải khát' cho ruộng vườn

Tự động

ĐBSCL ngóng nước ngọt ‘giải khát’ cho ruộng vườn

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Thủy lợi và pháy triển.

Thưa quý vị và bà con, theo thông tin tổng hợp tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 2 và nhận định tình hình tháng 3 do Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) ban hành, từ tháng 3 – 4/2024, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 50 – 60km.

Đặc biệt, thời điểm xâm nhập mặn cao nhất có thể ảnh hưởng đến 78.100ha sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương vùng ĐBSCL.

Hiện nay một số địa phương ĐBSCL đã ghi nhận bước đầu ảnh hưởng, tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra. Sau đây mời quý vị và bà con cùng đến với ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp radio khu vực ĐBSCL.

MC 2: Thời điểm này, những ai đến với đồng bằng châu thổ Cửu Long đều cảm nhận rõ cái nắng nóng, khô hanh những ngày mùa khô.

Vượt chặng đường hơn 100km, nhóm PV Nông nghiệp radio đi dọc theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu để đến huyện ven biển Trần Đề và Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Đây là những khu vực được đánh giá mẫn cảm với hạn mặn, chịu tác động trực tiếp khi nước mặn xâm nhập sâu.

Nước sông Hậu mùa này dâng cao, thế nhưng người dân không thể lấy nước vào nội đồng để phục vụ sản xuất do độ mặn vượt ngưỡng. Khoảng nửa tháng qua, hầu hết các cống thủy lợi trên địa bàn hai huyện Trần Đề, Long Phú buộc phải đóng kín. Các kênh mương phía bên trong nội đồng trơ đáy, khô khốc, nức nẻ vì “khát nước ngọt”.

Dòng sông Long Phú, tuyến sông lớn dẫn nước ngọt từ sông Hậu về cung cấp cho vùng sản xuất lúa đông xuân muộn khoảng 6.000ha của huyện Long Phú những ngày này cũng cạn dòng. Bà con nông dân đang trong tâm trạng thấp thỏm, mong chờ nguồn nước ngọt về.

Chúng tôi tìm gặp ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lợi ở thị trấn Long Phú và được biết 72ha lúa đông xuân muộn của bà con xã viên phần lớn đang trong giai đoạn đòng. Thế nhưng do không đủ nước trong đồng ruộng, bước đầu ghi nhận tình trạng cây lúa bị ngộ độc phèn, bà con nông dân đang tìm giải pháp khắc phục.

[Băng DUONG THANH TUNG 1]: “Độ mặn trên dưới 1 phần ngàn bơm lên về hướng lâu dài con nước bơm lên ruộng sẽ bị ảnh hưởng lớn chứ không phải nhỏ. Về góc độ nông dân cũng như Giám đốc HTX có thể kiến nghị chính quyền địa phương đặc biệt là ngành nông nghiệp quan tâm hơn nữa điều tiết nước, nếu cảm thấy nguồn nước ổn đưa vào để tưới được phục vụ cứu kịp thời cho bà con. Đây là vấn đề mong mỏi của bà con nông dân trên địa bàn hiện nay cũng như HTX”.

Theo lời ông Tùng, thời điểm này những năm trước nguồn nước rất dồi dào, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho xã viên. Nhờ đó, dù sản xuất vụ đông xuân muộn, nhưng năng suất lúa đạt khá cao, khoảng 6,5 tấn/ha.

Năm nay, giá lúa cao, cộng với hệ thống thủy lợi trên địa bàn được ngành nông nghiệp huyện quản lý chặt chẽ, bà con mạnh dạn xuống giống dù đã được khuyến cáo nhiều rủi ro. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lợi cho biết thêm:

[Băng DUONG THANH TUNG 2]: “Khi nước kém thì cho vô, khi đóng cống thủy lực thì đứng lại đâu có được bao nhiêu. Mà tưới cho bao nhiêu diện tích này thì bốc hơi không hết rồi đâu đủ tưới. Ở đây, Tân Hưng với xã Long Phú tầm trên dưới 5.000ha”.

Dẫn chúng tôi đến cánh đồng của xã viên Thạch Lâm ở ấp 3, thị trấn Long Phú, lúa đã phát triển được 46 ngày. Tuy nhiên do thiếu nước ngọt những ngày qua, khiến không đủ nước để thoát phèn, dẫn đến cây lúa bị ngộ độc hữu cơ. Ông Thạch Lâm phải dùng thêm vôi rải xuống hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.

[Băng THACH LAM]: “Dân ở đây làm ruộng không, không làm ruộng đâu có gì sống. Người ta hết trơn mình không làm đâu có gì sống, làm hết nguyên đồng vậy đó, bơm lên sắc xuống bị mặn”.

Đến thời điểm này, diễn biến nguồn nước tại huyện Long Phú khá phức tạp, con nước mặn rồi chuyển sang ngọt lặp đi lặp lại, khiến việc lấy nước tích trữ của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhiều nông dân vẫn đang thấp thỏm hy vọng vài ngày tới, độ mặn giảm xuống để bà con tận dụng tối đa nguồn nước này bơm vào đồng ruộng tưới tiêu, giảm thiểu thiệt hại.

Thống kê sơ bộ của Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lợi, hiện diện tích lúa của HTX đang bị ảnh hưởng cục bộ tại những thửa ruộng không thoát phèn hoặc hệ thống thoát nước không tốt, với diện tích thiệt hại ước tính khoảng 3ha.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân muộn 2023 – 2024, toàn tỉnh xuống giống khoảng 41.000ha, tăng hơn 10.000 so với cùng kỳ năm trước. Nguy cơ thiếu nước ngọt đang hiện hữu, ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo nhân viên, cán bộ kỹ thuật tăng cường đo độ mặn, để kịp thời thông báo cho bà con, khi có nước ngọt tranh thủ lấy nước vào ruộng để tích trữ.

[Băng TRAN VINH NGHI]: “Một số giải pháp hiện nay trong giai đoạn quản lý tình trạng thiếu nước ngọt, đối với giai đoạn đẻ nhánh, nếu nước dưới 2‰ có thể lấy nước vào. Tuy nhiên sau khi lấy vào để đất không bị nức nẻ, chúng ta phải tháo nước ra, bơm nước mới cũng như có nước ngọt bơm vào để giúp cho cây lúa vượt qua giai đoạn khó khăn. Đối với giai đoạn đòng, mức độ dưới 1‰ có thể lấy nước vào. Đồng thời, trong quá trình canh tác để tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây lúa, chúng ta cần áp dụng triệt để một số giải pháp như tưới ngập khô xen kẽ, sử dụng phân chậm tan, bón phân bón lá để tăng khả năng chống chịu hạn mặn của cây lúa”.

Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng kế hoạch xuống giống sớm hơn 20 – 30 ngày so với vụ đông xuân 2022 – 2023 để giúp nông dân né hạn mặn. Đối với vụ đông xuân muộn, có nguy cơ thiếu nước ngọt khi mặn xâm nhập sâu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên xuống giống.

MC 1: Thưa quý vị và bà con, hiện nay tuy chưa ghi nhận những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên ảnh hưởng của xâm nhập mặn đã hiện diện trên từng mảnh vườn, thửa ruộng ở ĐBSCL.

Trong tháng 3, với dự báo sẽ có 2 đợt xâm nhập mặn sâu, nguy cơ ảnh hưởng rất cao. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, các địa phương trong vùng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp thủy lợi công trình và phi công trình để người dân chủ động việc lấy và tích trữ nước. Hệ thống cống cũng được các đơn vị chuyên môn túc trực 24/24 để kịp thời đóng và mở cống lấy nước khi có nguồn nước ngọt, tất cả đều rất khẩn trương, kịp thời để giữ vững vùng sản xuất.

Kim Anh

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin tức liên quan tới lĩnh vực thủy lợi:

MC 1: Tin 1

Thưa quý vị và bà con

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ trưa 5/3, mây đối lưu xuất hiện tại nhiều địa phương thuộc thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong. Các đám mây tiếp tục phát triển và gây mưa lớn tại nhiều địa phương thuộc Gia Nghĩa và các huyện lân cận như Đắk Glong, Tuy Đức… Lượng mưa đo được tại một số trạm thủy văn ở mức khá cao. Mưa lớn đã giúp hàng nghìn nông dân tại các huyện, thành phố phía Nam tỉnh Đắk Nông tiết kiệm được nhiều chi phí tưới nước cho cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu… Bên cạnh đó, ngày 5/3, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại các huyện phía Bắc tỉnh.

MC 2: tin 2

Vụ xuân năm nay, Cao Bằng có kế hoạch gieo cấy hơn 3.800ha lúa, hơn 25.500ha ngô, hơn 3.800 ha cây thuốc lá và khoảng 1.700ha các loại như khoai tây, đỗ tương, lạc, gừng, thạch đen... Tuy nhiên, hiện tượng El Nino kéo dài khiến mực nước các hồ chứa xuống thấp gây tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất. Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng cho biết, nhiều hồ chứa năm nay chỉ đạt chưa đến 50% công suất thiết kế. Tiêu biểu, một số công trình hồ chứa tại các huyện Hòa An, Hà Quảng và thành phố Cao Bằng chỉ đạt 30-50%, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất là khá cao. Nếu không có mưa thì việc cung cấp nước tưới, nhất là cho cấy lúa vụ xuân tại các huyện này sẽ gặp khó khăn.

MC 1: tin 3

Báo cáo của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre về việc triển khai giải pháp, phương án ứng phó của các nhà máy nước để cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2023-2024 cho biết, hiện nguồn nước thô tại các nhà máy chưa bị nhiễm mặn. Độ mặn nước sạch sau xử lý ở các nhà máy nước đều nằm trong giới hạn cho phép về độ mặn. Công ty đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn qua 5 trạm quan trắc. Dự báo, trong tháng 3 - 4/2024 là cao điểm của hạn mặn, Công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp nước trong mở, đóng cống và linh hoạt trong lấy nguồn nước ngọt. Các đơn vị cung cấp nước cần có sự kết nối, chia sẻ để có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

ĐBSCL ngóng nước ngọt 'giải khát' cho ruộng vườn

Nước sông Hậu mùa này dâng cao, thế nhưng người dân không thể lấy nước vào nội đồng để phục vụ sản xuất do độ mặn vượt ngưỡng. Khoảng nửa tháng qua, hầu hết các cống thủy lợi trên địa bàn hai huyện Trần Đề, Long Phú buộc phải đóng kín.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Phóng sự

Trước diễn biến xâm thực và xói lở, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tuyến bờ biển mà không ảnh hưởng đến hoạt động khác.

Linh hoạt các biện pháp để bảo vệ bờ biển trước xâm thực, xói lở
Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông
Phóng sự

Những mảnh đất từng bỏ hoang vào mùa đông giờ đây sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có thêm hy vọng về một cuộc sống bền vững hơn.

Người Mông ở Suối Bu cải tạo đất, trồng rau sạch trong vụ đông