Việt - Mỹ hợp tác nâng cao năng lực chống buôn bán gỗ trái phép. Cấp bách ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL. HTX New Green Farm canh tác lúa giảm phát thải. Hạn mức giao đất rừng cho cá nhân không quá 30ha.
Việt - Mỹ hợp tác nâng cao năng lực chống buôn bán gỗ trái phép
Tùng Đinh SX
Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) và Đại diện Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa phối hợp tổ chức hội thảo nâng cao năng lực thực thi pháp luật chống buôn bán gỗ trái phép, diễn ra trong 4 ngày. Trước đó, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp được ký kết ngày 1/10/2021, với mục tiêu tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép. Phát biểu tại phiên khai mạc, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh, một trong những hoạt động chính của thỏa thuận là chia sẻ thông tin. Qua hội thảo, ông Bùi Chính Nghĩa cho rằng đây là cơ hội để các bên bày tỏ quan điểm nhằm nâng cao năng lực phòng chống buôn bán gỗ trái pháp luật và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp, hướng tới mục tiêu phát triển ngành gỗ hợp pháp, bền vững trong tương lai.
Cấp bách ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL
Đức Chung khai thác
Hạn mặn đến sớm, lấn sâu vào đất liền khiến các tỉnh miền Tây đang chật vật ứng phó. Như tại Cà Mau, do nước trong hệ thống kênh rạch bị xuống thấp, một số nơi bị khô cạn, nên nông dân, thương lái phải vận chuyển lúa bằng đường bộ. Trong khi nhiều tuyến đường bộ cũng đang trong tình trạng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng
Còn tại Tiền Giang và Hậu Giang nơi có nước mặn lấn sâu vào từ Biển Đông và Biển Tây, các điạ phương này đang khẩn trương đóng các cống ngăn mặn bởi một số nơi độ mặn đã vượt ngưỡng 3‰ lấn sâu vào nội đồng.
Trước tình hình trên, các địa phương tại ĐBSCL đang tiến hành rà soát việc đắp đập tạm ngăn mặn, sửa chữa, nâng cấp bờ bao, các cống vừa đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó trong điều kiện hạn mặn kéo dài.
HTX New Green Farm canh tác lúa giảm phát thải
Lê Hoàng Vũ (SX)
Trên diện tích 1,2ha tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, Hợp tác xã New Green Farm đang triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh. Giống lúa sử dụng là giống xác nhận OM18, mật độ sạ 60kg/ha, khoảng cách hàng rộng- hẹp là 35 x 15 cm. Lượng phân đạm sử dụng cho nghiệm thức này là 73 kg/ha (giảm 20% so với canh tác hiện tại). Ngay sau khi gieo sạ, các đơn vị tiến hành lắp đặt buồng đo nồng độ khí mêtan tự động và cảm biến đo mực nước tự động.
Mô hình được hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cũng như Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền.
Hạn mức giao đất rừng cho cá nhân không quá 30ha
Đức Chung khai thác
Theo điều 176 luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp có một số điểm mới trong đó quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Với đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng, hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha. Ngoài ra một số điểm mới khác về hạn mức giao đất, chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp cũng được nêu cụ thể trong quy định mới này.