Đi tìm đường riêng cho cây sắn
'Nông nghiệp 24H' của NongnghiepRadio ngày 12/4 có những nội tin tức nông nghiệp nổi bật bật: Khuyến khích nông dân dùng phân hữu cơ; Thuốc trừ sâu sinh học cho cây thanh long; Nhiều giống lúa tốt cho vụ xuân; Khan hàng cá tra giống; Đi tìm đường riêng cho cây sắn…
Nông nghiệp Radio | 09:40 12/04/2022
Tin tức nông nghiệp hôm nay 12/4 trên Nông Nghiệp Radio
Xin kính chào quý vị và bà con, chào mừng quý vị và bà con đến với Chương trình phát thanh Nông nghiệp 24h hôm nay 12/4/2022 trên Kênh Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, nước ta, hiện có 530 nghìn ha sắn nguyên liệu với rất nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn trải dài từ Bắc chí Nam. Hoạt động của các nhà máy có ảnh hưởng lớn tới sinh kế của 1,2 triệu hộ trồng sắn.
Do đó, giải quyết tốt vấn đề môi trường sẽ giải tỏa nỗi bức bách của các địa phương và đưa ngành chế biến tinh bột sắn đi vào ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh tại xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa có công suất hoạt động 1.000 tấn nguyên liệu/ngày. Do áp lực lớn về vấn đề xử lý nước thải, năm 2014, công ty đã đầu tư công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn khép kín của Thụy Sỹ. Đây là một trong những công nghệ xử lý nước thải hiện đại nhất hiện nay trên thế giới.
Nước từ các khâu sản xuất tinh bột sắn sẽ đi theo các đường gom kín, vào bể bioga. Tại đây, khí ga được tận dụng làm khí đốt hoặc chuyển hóa thành điện năng phục vụ hoạt động của nhà máy.
Nước thải sau khi đi qua các bể bioga sẽ được chảy qua hệ thống 8 hồ, vừa lắng lọc cơ học vừa xử lý vi sinh. Bùn được lắng lọc, vỏ sắn và các tạp chất sẽ được Nhà máy sắn Phúc Thịnh xuất bán cho các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Đến hồ lắng thứ 8, nước thải đạt tiêu chuẩn loại B sẽ được tái sử dụng hoặc thải ra môi trường. Bã sắn được tận dụng bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Với công nghệ này, quy trình chế biến tinh bột sắn của Nhà máy Phúc Thịnh đảm bảo gần như không một thứ gì bị lãng phí.
Theo đó, củ sắn được chế biến thành tinh bột, bã thải làm thức ăn chăn nuôi, bùn thải làm bioga và phân bón hữu cơ, nước thải được xử lý vi sinh trong liên hồ chứa tuần hoàn không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, cho biết trong số trên 130 hội viên Hiệp hội sắn Việt Nam hiện cũng chỉ có khoảng 30-40% các hội viên áp dụng các công nghệ xử lý chất thải tuần hoàn như Nhà máy sắn Phúc Thịnh. Đây là điều Hiệp hội sắn Việt Nam rất băn khoăn về tính bền vững trong chế biến tinh bột sắn.
Trực tiếp tham quan Nhà máy sắn Phúc Thịnh, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV đánh giá rất cao mô hình chế biến tinh bột tuần hoàn, khép kín này. Ông Dương cho rằng, đây là một mô hình đảm bảo cho nghề trồng sắn và sản xuất tinh bột sắn phát triển bền vững. Vì vậy, những nhà máy đầu tư công nghệ xử lý chất thải tuần hoàn cần được khuyến khích phát triển.
Tin tức điều hành và hoạt động sản xuất nông nghiệp 24h qua
Sau đây sẽ là những tin vắn về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản đã diễn ra trong 24h qua\
Tin tức nổi bật: Sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất
Thưa quý vị và bà con, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần chú trọng, đẩy mạnh hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn phát triển diện tích cây xanh để dùng làm phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Đồng thời, các địa phương cần bố trí kinh phí để tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả; xây dựng các mô hình sản xuất phân bón hữu cơ để tận dụng nguồn phụ thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giải quyết nguồn gốc ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn; giảm giá thành vật tư đầu vào cho sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm cây trồng có lợi thế của địa phương.
Tin tức mới nhất về thuốc Bảo vệ thực vật (thuốc BVTV)
Mới đây, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã đến thăm mô hình trình diễn sử dụng thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100EW trên cây thanh long với diện tích 6.000m2 tại hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Đây là mô hình trình diễn do Công ty Cổ phần Nông nghiệp HP có trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An kết hợp với nhà vườn trồng thanh long xuất khẩu sang các nước châu Âu triển khai thực hiện. Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Quản lý Thuốc BVTV, Cục BVTV) cho biết, mô hình trình diễn của Công ty HP là một trong những nội dung cam kết giữa Cục BVTV và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV với mục tiêu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững, đóng góp giá trị cho xã hội, đem lại lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp
Tin tức nông nghiệp tại Bình Định mới nhất
Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã có nhiều cố gắng trong việc tuyển chọn, lai tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá, góp phần tăng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nhiều giống lúa hiện nay đã bắt đầu thoái hóa, năng suất không ổn định, nhiễm sâu bệnh nặng, dẫn đến năng suất giảm, chất lượng gạo chưa cao và cho hiệu quả kinh tế thấp.
Từ thực tế này, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp với HTX Nông nghiệp Nhơn Hưng và HTX Nông nghiệp Nhơn An đã tổ chức xây dựng mô hình trình diễn giống các lúa mới BĐR57, BĐR79 thuộc nhóm gạo chất lượng, giống BĐR999 thuộc nhóm gạo chế biến và sản xuất đại trà giống lúa ANS1 TS Hồ Huy Cường Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho hay, các giống lúa trong mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt, không có loại sâu bệnh hại nào gây hại.
Tin tức về thị trường cá tra 24h qua
Cá tra đang hút hàng do các doanh nghiệp (DN) cần cá nguyên liệu, nâng mức giá thu mua. Với mức giá cao như hiện thời đã “khuấy động” vùng nuôi cá tra quanh cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và khu vực hạ lưu ven sông Hậu. Hiện, Cá tra giống giá 45.000 đồng/kg (cỡ 2 phân/con, 30 con/kg), tăng hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Dù vậy, có cơ sở ương nuôi cá giống nhận đặt hàng rồi vẫn không có đủ giống để giao cho người nuôi.
Chính vì sự biến đổi tăng giảm diện tích thả nuôi cá khó bắt nhịp đồng bộ với nhu cầu thị trường nên sản xuất cá giống thường bị “trễ nhịp”. Do đó có người muốn có giống nuôi không còn cách nào khác là mua cá hương ương nuôi, chấp nhận độ hao hụt còn hơn ngồi chờ mua các cơ sở bán cá giống.
Đi tìm đường riêng cho cây sắn
'Nông nghiệp 24H' của NongnghiepRadio ngày 12/4 có những nội tin tức nông nghiệp nổi bật bật: Khuyến khích nông dân dùng phân hữu cơ; Thuốc trừ sâu sinh học cho cây thanh long; Nhiều giống lúa tốt cho vụ xuân; Khan hàng cá tra giống; Đi tìm đường riêng cho cây sắn…
Nông nghiệp Radio
Tin liên quan
Các chương trình
Hỗ trợ khắc phục thiên tai được thực hiện ngay khi bão chưa tan; ‘Thủ phủ’ củ đậu của Hải Dương giảm 50% sản lượng; TP. Cần Thơ chỉ còn gần 0,1% hộ nghèo.
Đợt không khí lạnh này được dự báo là khá mạnh, sẽ tăng cường dồn dập trong những ngày tới.