Đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại
Trên cơ sở thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật hiện đại.
Quỳnh Anh | 09:42 15/10/2024
Đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình phát triển lâm nghiệp
Thưa quý vị và bà con, Việt Nam vốn là đất nước có “rừng vàng biển bạc” với địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích. Từ những ngày đầu lập nước, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quốc gia. Hiện nay, với gần 14,9 triệu ha, rừng không chỉ có vai trò bảo vệ môi trường, duy trì sự sống của con người cũng như hệ sinh thái dưới tán rừng mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản, một ngành nghề mang về con số xuất khẩu tỷ đô, góp phần kiến tạo nên một nền kinh tế - kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Với vai trò tối quan trọng như vậy, việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cũng như các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cần được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ. Trước yêu cầu đó, để định hướng phát triển của ngành lâm nghiệp một cách hiệu quả, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong bốn quy hoạch ngành quốc gia có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở quan trọng để quản lý ngành lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng cũng như các giải pháp phát triển ngành trong thời gian tới.
Trên cơ sở thực tiễn của ngành lâm nghiệp Việt Nam và những xu hướng phát triển của thế giới, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật với mục tiêu thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó là đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội. Phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về các nhiệm vụ cụ thể, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin:
Băng ông Trần Quang Bảo
MC 2:
Là một địa phương miền núi, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân cư thưa thớt với khí hậu ôn hòa, mát mẻ... tỉnh Cao Bằng hội tụ đủ điều kiện để ngành lâm nghiệp phát huy vai trò trong tiến trình phát triển nền kinh tế - xã hội. Các diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh phù hợp với sự phát triển của các loại cây lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và nhiều loại dược liệu. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế rừng. Nhiều năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp ở địa phương này cũng đã từng bước thay đổi với đa dạng cây trồng, mang lại hiệu quả.
Đối với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 vừa được phê duyêt, Ông Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng chia sẻ, dù là địa phương có độ che phủ rừng tương đối lớn nhưng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp tại Cao Bằng vẫn còn khá nhiều. Song, với những cơ chế chính sách như hiện nay, việc trồng rừng ở địa phương này đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với quy hoạch lâm nghiệp vừa được phê duyệt có thể khắc phục phần nào những vướng mắc, địa phương mong muốn sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn về mặt cơ chế chính sách để phát huy tốt giá trị của diện tích đất trống, đồi trọc trong thời gian tới.
Băng
MC 2:
Bên cạnh các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch cũng nêu rõ 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư gồm chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất. Sản xuất giống cây rừng chất lượng cao. Các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn. Các hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường...
Có thể thấy, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê quyệt sẽ trở thành nền tảng định hướng quan trọng cho phát triển ngành lâm nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lê Minh Hoan, Quy hoạch sẽ là cơ sở để ngành lâm nghiệp cả nước nói chung và ngành lâm nghiệp của từng địa phương nói riêng có thể thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Bộ trưởng chia sẻ thêm:
Băng Bộ trưởng Lê Minh Hoan
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, sau một hành trình dài từ bước nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng ngành lâm nghiệp cho tới xây dựng dự thảo quy hoạch và tham vấn các ý kiến để có được hồ sơ quy hoạch hoàn thiện nhất, đến nay, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, trở thành bàn đạp quan trọng cho sự phát triển của ngành Lâm nghiệp. Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra, Quy hoạch được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào những vướng mắc đã gặp, định hướng hiệu quả đưa lâm nghiệp Việt Nam tới những bước tiến lớn.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực lâm nghiệp
MC 1:
Thưa quý vị và bà con,
Theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn và tổng hợp theo dõi của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, đến ngày 14/10, tình hình thời tiết đang có diễn biến bất thường, ngày trời nắng hanh, kết hợp độ ẩm không khí và độ ẩm vật liệu cháy giảm thấp, một số địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp IV - cấp nguy hiểm và cấp V - cực kỳ nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP tăng cường kiểm tra đôn đốc chính quyền cấp xã, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm cơ sở thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
MC 2:
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn quy mô khoảng 56.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản; tuyên truyền, vận động Nhân dân huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn các huyện để hướng dẫn người dân nhân ra diện rộng. Kết quả, đến tháng 10 năm nay, toàn tỉnh đã phát triển được 56.000ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
MC 1:
Tỉnh Ðiện Biên hiện có trên 415.000ha rừng, phân bố trên địa bàn 128 trong tổng số 129 xã, phường, thị trấn. Diện tích rừng lớn, nhưng số lượng biên chế của lực lượng kiểm lâmhiện nay lại thiếu so với nhu cầu công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn. Chính vì vậy, áp lực công việc đối với lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn là không hề nhỏ. Nhằm góp phần khắc phục khó khăn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức kiểm lâm đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, theo nguyên tắc giảm biên chế khâu gián tiếp để tăng cường lực lượng cho cơ sở. Theo đó, biên chế hiện có của Chi cục Kiểm lâm tỉnh là 210 người, đơn vị đã bố trí 120 cán bộ phụ trách địa bàn các xã, phường, thị trấn có rừng. Cùng với đó, việc bố trí lực lượng kiểm lâm viên cũng phải dựa trên thực tế ở từng địa bàn để phân bổ hợp lý.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại
Trên cơ sở thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật hiện đại.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.
Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.