Giải pháp hữu cơ giúp cây sen sạch bệnh

Trước bối cảnh nhiều diện tích sen của bà con bị nhiễm bệnh thối ngó, cháy lá không rõ nguyên nhân, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã chủ động mời các chuyên gia phân tích và thí điểm canh tác theo hướng hữu cơ. Giải pháp này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp cây sen có dấu hiệu phục hồi.

Kim Anh  | 17:41 02/10/2023

Giải pháp hữu cơ giúp cây sen sạch bệnh

Tự động

Giải pháp hữu cơ giúp cây sen sạch bệnh

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Nông nghiệp hữu cơ.

Thưa quý vị và bà con, sen là cây trồng chủ lực vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa tạo địa điểm du lịch hấp dẫn cho tỉnh Đồng Tháp, được trồng tập trung ở các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng và Lấp Vò.

Tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng sen bị nhiễm bệnh thối ngó, cháy lá không rõ nguyên nhân khiến năng suất loại cây trồng này sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân.

Trước bối cảnh đó, để tìm hướng giúp bà con nông dân khôi phục hiện trạng trồng sen, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã mời chuyên gia đến “bắt bệnh” cho cây sen. Ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp radio.

MC 2:

Theo lời mời của ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhóm phóng viên Nongnghiepradio lên đường đến xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. 7h sáng, các chuyên gia, phòng nông nghiệp huyện và lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh đã có mặt đông đủ để tham gia đánh giá hiệu quả mô hình phục hồi bệnh thối ngó, cháy lá trên cây sen sau khoảng 6 tháng thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulo “Bio Lacto EM”.

Hơn chục năm về trước, anh Lê Văn Bo ở xã Gáo Giồng và một số bà con nông dân trong vùng đã kết hợp thành lập tổ hợp tác trồng sen với quy mô 30 ha. Thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, ruộng sen của gia đình anh bắt đầu ghi nhận hiện tượng thối ngó, cháy lá, bệnh lây lan rất nhanh, trong vòng 1 tháng đã ghi nhận thiệt hại hơn 80% diện tích.

Sau nhiều lần thua lỗ, anh Bo có ý định chuyển đổi đất trồng sen sang trồng lúa. Được sự vận động, hỗ trợ và hướng dẫn từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, anh Bo quyết định tìm hướng khắc phục bệnh thối ngó, cháy lá. Nhiều phương pháp phục hồi được anh Bo sử dụng xuyên suốt: rải vôi, phun thuốc phòng trị hay nhiều loại phân vi sinh khác nhau đều được đưa xuống ruộng sen, nhưng đều không mang lại kết quả. Anh Lê Văn Bo chia sẻ:

[Băng LE VAN BO]: “Năm rồi miếng sen tôi đang ngồi đây mùa rồi thiệt hại tỷ lệ ở đây 10 mẫu tôi thuê 300 triệu, nếu thu hoạch khoảng 600 – 700 triệu mà tôi bán giỏi lắm chỉ 100 triệu. Tôi lỗ, đổ vốn, tiền mướn đất này kia khoảng trên 300 triệu. Tôi tính làm lúa lại, nhưng tôi thấy thôi cây sen cũng theo mùa vụ. Nhân duyên gặp anh Điền…tôi mới trục, làm thử mới thấy bước đầu cây sen phát triển từ từ”.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có gần 2.000ha trồng sen vào năm 2021, thế nhưng hiện diện tích này đã sụt giảm nghiêm trọng do vướng phải “căn bệnh” thối ngó, cháy lá, chỉ còn khoảng 1.200ha, năng suất trung bình 3 tấn gương sen/ha, bà con nông dân liên tục bị thua lỗ nặng.

Trước bối cảnh đó, để giúp nông dân khôi phục hiện trạng trồng sen, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã mời đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang đánh giá điều kiện thực tế tại các ruộng sen, tìm nguyên nhân và xây dựng phương pháp phòng trị bệnh thối ngó, cháy lá.

Bước đầu, các chuyên gia nhận định bệnh trên cây sen sinh ra từ đất, trong điều kiện yếm khí, khiến bệnh ngày càng nặng. Giáo sư Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội bệnh lý cây trồng Việt Nam nhận định:

[Băng NGUYEN THO 1]: “Tất cả những bệnh tật của cây sen từ trong đất mà ra. Đất bị thoái hóa, kém đa dạng sinh học, những vi sinh có hại bắt đầu trội lên thành ưu thế gây bệnh cho cây sen. Bệnh trên cây sen rất nhiều bệnh nhưng chủ yếu là bệnh thối củ, thối ngó. Thân cây sen trong đất rồi thối lá lên tới trên bông”.

Đi sâu phân tích về đặc điểm gây bệnh thối ngó, Giáo sư Nguyễn Thơ chỉ ra dòng nấm gây bệnh là Phytophthora. Đặc điểm của loại nấm này có du động bào tử (bào tử có thể chuyển động), chủ yếu chuyển động trong nước. Đối với cây sen điều kiện trồng trong nước, du động bào tử của nấm Phytophthora có môi trường để khuếch tán, vì thế lây lan rất nhanh, khiến sen nhiễm bệnh nặng và đồng loạt.

Chuyên gia bệnh lý cây trồng Nguyễn Thơ phân tích thêm, một nguyên nhân nữa khiến hoa và hạt sen không mẩy, năng suất giảm sút đến từ tuyến trùng. Trong đất trồng sen thỉnh thoảng có tuyến trùng bướu rễ. Tuyến trùng này lấy dinh dưỡng của cây trồng theo con đường châm kim. Vì thế ở gốc sen có nhiều tuyến trùng sẽ có hàng trăm vết châm kim. Đây là những vị trí nấm rất dễ xâm nhập, làm cho cây sen yếu và nhiễm bệnh nặng. Giáo sư Nguyễn Thơ cho biết thêm:

[Băng NGUYEN THO 2]: “Trên cây sen cả hai loại ký sinh gây hại này đều có. Vì thế cây sen bị gây hại rất nặng, trong trường hợp như vậy nông dân lại bón vôi, phun thuốc hóa học để nhằm mục đích trị, có trị được nhưng không được bao nhiêu. Cuối cùng vấn nạn bệnh trên cây sen của Đồng Tháp đến nay vẫn còn. Vừa rồi Sở NN-PTNT có đặt vấn đề với chúng tôi là đưa một chủng vi sinh nào đó có lợi thay cho phòng trị bằng hóa học. Chúng tôi có tư vấn cho Công ty Phương Đông – Công ty hữu cơ sinh học, nhập vi sinh từ Nhật Bản. Chúng tôi thấy một điều rất vui mừng và hôm nay chúng tôi ngồi trên ruộng sen nở hoa rất đẹp”.

Ghi nhận thực tế tại ruộng sen của anh Lê Văn Bo đang thí điểm sử dụng chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulo “Bio Lacto EM”. Kết quả sau 2 – 3 lần sử dụng, ngành nông nghiệp đánh giá những cây sen có hiện tượng chết rất nặng đến nay đã có dấu hiệu phục hồi. Thời gian tới, anh Bo sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng quy trình khuyến cao của chuyên gia, để đánh giá năng suất, kiểm tra độ mẩy của hạt sen.

Thực tế trong các ruộng trồng sen có rất nhiều xác bã hữu cơ, khiến ruộng bị thối, cây bị ngộ độc. Theo khuyến cáo của chuyên gia, dòng vi sinh đa tác dụng trên, có khả năng phân hủy xác bã hữu cơ, vừa chống mùi hôi thối, biễn hữu cơ thành chất dinh dưỡng cho cây sen, cải tạo và bảo vệ hệ sinh thái cho đất. Do đó, chế phẩm vi sinh này giải quyết được những nhu cầu thực tế, cần thiết cho bà con nông dân, ngoài ra giúp cây sen kháng được mặn và phèn. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nhận định.

[Băng LE QUOC DIEN]: “Hiện nay mô hình chúng ta thấy rất rõ chúng ta đã giải quyết được vấn đề giảm bệnh thối ngó rất nhanh trong điều kiện hiện nay. Trong thời gian tới triển khai thêm nhân rộng ra các mô hình điểm. Kết hợp đi với chuỗi sản xuất, hiện nay các công ty đang thiếu nguồn nguyên liệu do đó hiện nay chúng tôi phối hợp với chuỗi này để mở rộng giúp cho người dân có thu nhập cao. Nếu giảm được bệnh thối ngó năng suất của cây sen có thể lên 4 tấn”.

MC 1: Hiện nay trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường đất và nước thuận lợi cho các nhóm dịch bệnh phát triển, gây hại nhanh. Do đó, bà con nông dân phải đồng hành, sống chung. Về lâu dài để cải thiện môi trường đất cần phải tìm ra được một loại vi sinh để “đuổi” bệnh. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp định hướng tổ chức các lớp tập huấn cho người nông dân từ khâu trồng, xử lý giống ngay đầu vụ, đến hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng sen.

MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.

MC 1 – tin 1

Thưa quý vị và bà cob, hiện nay, toàn huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh có khoảng trên 200ha trà hoa vàng, mang lại doanh thu khoảng trên 20 tỷ đồng mỗi năm. Trà hoa vàng là cây dược liệu, lá, hoa đều được thu hoạch để chế biến, vì vậy yêu cầu canh tác theo hướng hữu cơ là điều hết sức cần thiết. Do đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng đề án trồng cây trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trình UBND tỉnh với tổng mức kinh phí 800 triệu đồng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Theo Đề án, các hộ tham gia trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ sẽ được hướng dẫn quy trình chăm sóc, cung cấp các loại phân bón hữu cơ đã được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, người trồng cần ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, thực hiện đúng quy trình đã được hướng dẫn để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Tiến Thành

MC 2 – tin 2

Sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng và phát triển cây hồi. Từ năm 2020, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại một số xã trên địa bàn và đã mang về nhiều thành công. Từ hiệu quả bước đầu của chương trình, đến nay, huyện này tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 174ha, nâng tổng diện tích sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ của huyện lên hơn 435ha, với trên 400 hộ tham gia. Qua 3 năm thực hiện, Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng đánh giá, việc tham gia trồng hồi hữu cơ đối với các hộ tham gia mô hình tại các xã trên địa bàn huyện đều đạt kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, để tạo tâm lý yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây hồi hơn nữa, Phòng NN-PTNT huyện đã kết nối, kêu gọi 3 doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa hồi cho bà con trên địa bàn.

Quang Dũng

MC 1- tin 3

Nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng và tự chủ được nguồn phân bón hữu cơ, HTX Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã tận dụng các phế phẩm từ cây rau để thực hiện mô hình Ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường gần 2 tấn rau các loại, tương đương có trên 200kg các loại phế phẩm từ cây rau. Tận dụng nguồn phế phẩm này, HTX quyết định thực hiện mô hình Ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp để bón cho rau. Sau khi ra thành phẩm, HTX bán phân bón hữu cơ lại cho thành viên với giá 2.000 đồng/kg, thấp hơn so với thị trường 50%. Bước đầu sử dụng, nông dân đánh giá phân bón hữu cơ của HTX Rau an toàn Phước Hòa ủ giúp cây xanh tốt, cứng cáp, chống chịu được sâu, bệnh so với phương thức canh tác thuần phân bón hóa học.

Minh Đãm

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

 

Tự động

Giải pháp hữu cơ giúp cây sen sạch bệnh

Trước bối cảnh nhiều diện tích sen của bà con bị nhiễm bệnh thối ngó, cháy lá không rõ nguyên nhân, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã chủ động mời các chuyên gia phân tích và thí điểm canh tác theo hướng hữu cơ. Giải pháp này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp cây sen có dấu hiệu phục hồi.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp
Thời sự

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp
Thời tiết nông vụ ngày 22/01/2025: Bắc bộ duy trì thời tiết đẹp
Thời sự

Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/01/2025: Bắc bộ duy trì thời tiết đẹp